Các chiến sĩ Đoàn 559 Trường Sơn - Ngày ấy, bây giờ

09:05, 01/05/2015

Năm 1959, Bộ Chính trị quyết định thành lập Đoàn 559 với nhiệm vụ tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự để chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ đó, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ anh dũng, kiên cường, vượt qua bao khó khăn, gian khổ, đạn bom để mở tuyến đường ô tô, đường xăng dầu, đường dây thông tin vào Nam; san lấp hố bom; tháo dỡ bom mìn vương vãi; khôi phục và sửa chữa cầu, đường; vận chuyển hàng, vũ khí; bảo đảm cho các chiến sĩ hành quân vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc... Đóng góp vào kỳ tích chung của tuyến đường mòn mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, dọc rừng Trường Sơn huyền thoại làm nên Chiến thắng 30-4 lịch sử, tỉnh ta có hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia TNXP, dân công hỏa tuyến, chiến đấu, công tác trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử. Trong dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng 30-4, chúng tôi gặp gỡ một số CCB nguyên là chiến sĩ Đoàn 559 ngày ấy.

Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức cho các CCB đi thăm lại chiến trường xưa.
Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức cho các CCB đi thăm lại chiến trường xưa.

Nhớ lại những năm tháng tham gia mở đường Trường Sơn năm xưa, bà Trần Thị Thanh (TP Nam Định) - CCB Sư đoàn 413 thuộc Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn bồi hồi kể lại: “Tháng 8-1973, vừa học xong lớp 7 nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ, tham gia Tiểu đoàn nữ 2 Nam Hà. Sau hai tháng huấn luyện, tôi cùng hơn 600 tân binh nữ được đưa vào chiến trường. Để làm nên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại cho những chuyến xe qua, cho từng đoàn quân vào Nam chiến đấu, những người lính Đoàn 559 luôn phải đối mặt với sự hy sinh, gian khổ. Lính nữ Trường Sơn chỉ được phát mỗi người 2 bộ quần áo, gặp thời tiết khắc nghiệt, mưa kéo dài 6 tháng nên ban ngày quần áo và cơ thể thường ở trong trạng thái sũng ướt, đến đêm mới có thể giặt giũ, hong lửa cho khô. Mưa ẩm kéo dài, chị em còn thường xuyên bị vắt, ve lẩn vào người cắn, máu me ướt đẫm quần áo. Ngày mới vào chiến trường, các chị em đều trắng trẻo, tươi giòn nhưng chỉ sau mấy tháng lăn lộn trên các cung đường trọng điểm bom mìn, bị sốt rét hoành hành, chị em đều bị rụng tóc, da xanh tái, tay chân rớm máu, chai sần...”. Đại tá Bùi Ngọc Lại, nguyên chiến sĩ công binh bộ đội Trường Sơn thuộc Trung đoàn 515, Sư đoàn 413 từ năm 1973 bồi hồi nhớ lại: Với tôi, những năm tháng đóng góp công sức cùng đơn vị tham gia mở đường để quân đội ta đưa quân lương, vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam thật hết sức có ý nghĩa. Mặc dù đảm trách nhiệm vụ mở đường trong hoàn cảnh thiếu thốn, gian khó; dụng cụ mở đường vô cùng thô sơ, chỉ có cuốc, xẻng, phải chặt nứa đan thành sọt khênh đất đá; có những đoạn đường bộ đội phải buộc dây ngang người, treo mình trên vách đá để choòng, khoan đặt thuốc nổ phá đá mở đường. Mưa triền miên 6 tháng, nắng cũng kéo dài 6 tháng, quần áo luôn sũng ướt hoặc phải chịu khô hanh, bụi bặm suốt cả ngày, cơm chỉ có đọt măng rừng chấm muối nhưng các chiến sĩ luôn bảo đảm có mặt trên đoạn, tuyến được giao. Cũng trên tuyến đường đầy máu lửa và nước mắt ấy, bộ đội ta phải thường xuyên đối diện với bom đạn của giặc Mỹ. Có những trận bom B52 dội xuống đã xóa sổ cả một đại đội công binh. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã nằm lại trên tuyến đường nhưng với quyết tâm phải nhanh chóng mở đường, thông xe nên trong đơn vị luôn có các phong trào bảo đảm ngày công trên tuyến, bảo đảm thông xe trong mọi thời điểm, điều kiện thời tiết... Không chỉ những người lính mở đường mà đội ngũ lái xe như các CCB Nguyễn Quang Hạnh, xóm 25, xã Hải Đường (Hải Hậu); Trần Kim Triều, quê ở Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy)... cũng chịu nhiều gian khổ, mất mát khi tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, quân trang, quân dụng trên tuyến đường Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. CCB Nguyễn Quang Hạnh, nhập ngũ và được biên chế vào Sư đoàn 312 vào tháng 5-1965, sau 3 tháng huấn luyện tân binh, ông Hạnh được đơn vị cử đi học lái xe. Năm 1966, ông được phân công làm tiểu đội trưởng tiểu đội lái xe công binh, phụ trách 20 xe, sẵn sàng chờ lệnh lên đường vào mặt trận. Tháng 7-1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, ông được biên chế về Đoàn 559 Trường Sơn và nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, quân trang, quân dụng từ Binh trạm 35, Tây Trường Sơn (khu vực Hạ Lào, ngã ba Đông Dương) vào chiến trường miền Nam. Trong điều kiện thời tiết núi rừng Trường Sơn vô cùng khắc nghiệt, mùa mưa thì đường trơn trượt, mùa khô thì bụi mù; đường sá toàn đèo cao, dốc thẳm, nhiều tuyến đường độc đạo đi qua vách núi; địch ngày đêm ném bom rải thảm, bắn phá ác liệt trên khắp các cung đường nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc với miền Nam. Trên những cung đường Trường Sơn máu lửa, trong suốt 6 năm (từ 1967-1973), đã qua bao lần giữa ranh giới sự sống và cái chết nhưng ông vẫn dũng cảm vượt qua làn “mưa bom, bão đạn” của quân thù để vận chuyển hàng trăm chuyến hàng ra tiền tuyến an toàn. Để chiến sĩ trong đại đội có thể đảm bảo an toàn cho người, cho hàng, cho xe, ông mưu trí chỉ huy anh em dùng nhiều cách “nghi binh” qua mắt quân địch như: dùng mìn gây nổ quét làm nhiễu tần số ra-đa tránh sự kiểm soát của địch hoặc dùng bộc phá tạo bụi mù làm lạc hướng của địch rồi chỉ huy đoàn xe đi vòng đường khác... Nhờ có trình độ, kinh nghiệm trong nhiều năm lái xe trên những cung đường Trường Sơn ác liệt, đến tháng 1-1973 ông được điều chuyển về Trung đoàn 17 (Binh đoàn 12) với cương vị là tiểu đoàn phó, đảm bảo kỹ thuật cho gần 500 xe phục vụ chiến đấu. Năm 1974, ông là một trong số những cán bộ kỹ thuật được chọn để bổ sung vào lực lượng “dự phòng” đóng quân ở Quảng Bình chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công mùa Xuân 1975. Là tham mưu phó của Trung đoàn, quản lý, phụ trách đảm bảo kỹ thuật cho gần 600 xe vận tải, ông luôn nỗ lực đảm bảo tốt kỹ thuật cho các phương tiện vận tải hàng hóa, quân lương chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Với những thành tích đạt được trong công tác phục vụ chiến đấu, tháng 12-1973 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Đại tá Bùi Ngọc Lại cho rằng: Chính những hy sinh, gian khổ đã trải qua trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt đã giúp cho các chiến sĩ Trường Sơn năm xưa được tôi luyện, có ý chí trung kiên, anh dũng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vươn lên, tỏa sáng trong thời bình. Hiện nay, nhiều chiến sĩ Trường Sơn năm xưa là thương binh, bệnh binh, gia cảnh éo le, nhưng vẫn dũng cảm vượt qua. Bản thân Đại tá Bùi Ngọc Lại, khi về với cuộc sống thời bình, ông tiếp tục học tập, phấn đấu, vươn lên. Hiện nay trên cương vị Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh, Đại tá Bùi Ngọc Lại luôn phát huy những kinh nghiệm đã được trải nghiệm trong những ngày sống gian khó, kiên cường thời chiến, để công tác đạt kết quả cao nhất, được đồng nghiệp tin yêu, quý trọng. Từ năm 1996, trở về với cuộc sống đời thường, Đại tá, CCB Nguyễn Quang Hạnh vẫn gìn giữ, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, giáo dục cháu con trở thành những người có ích cho xã hội. Đặc biệt, ông còn có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào ở địa phương. Xã Hải Đường quê ông là 1 trong 11 xã điểm của toàn quốc được lựa chọn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, ông đã tích cực vận động bà con xa quê, bà con đang sinh sống trong thôn, xóm tham gia đóng góp vật chất, ngày công lao động và hiến đất mở rộng đường dong, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. CCB Trần Thị Thanh trở về cuộc sống thường nhật cũng nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, bệnh tật, tiếp tục đi học, tham gia công tác tại Cty Thương nghiệp bách hóa Nam Định. Sau này, khi nghỉ hưu, có điều kiện về thời gian bà luôn đau đáu nhớ về những đồng đội đã đứng ra thành lập Hội CCB nữ Trường Sơn tỉnh (1997) và thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh (2012). Hiện nay, Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh đã quy tụ được gần 5.000 hội viên trong tổng số gần 20 nghìn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh. Tham gia sinh hoạt trong Hội Truyền thống, các chiến sĩ Trường Sơn năm xưa không chỉ được giao lưu, sẻ chia kỷ niệm mà còn tương trợ lẫn nhau về tình cảm, vật chất. Hội đã khai thác các nguồn lực xã hội và sự đóng góp của hội viên xây dựng Nhà Tình nghĩa tặng các hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; giải quyết chế độ cho hội viên bị nhiễm chất độc da cam; hỗ trợ chính sách và tìm kiếm mộ liệt sĩ. Bên cạnh đó, nhiều hội viên có điều kiện kinh tế đã thành lập doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện giúp đỡ các CCB, con em CCB có việc làm, ổn định cuộc sống. Bản lĩnh vượt khó, sáng tạo vươn lên để sống, chiến đấu và cống hiến của những chiến sĩ Trường Sơn năm xưa cũng như trong cuộc sống hiện nay đã viết nên bản hùng ca mà các thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi tự hào./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com