Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động

04:03, 21/03/2015

Nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) cho các doanh nghiệp trong tỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động xảy ra, hằng năm UBND tỉnh đều ban hành văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường quản lý công tác ATVSLĐ-PCCN, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ATVSLĐ-PCCN đến các cấp, các ngành, đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động.

Cty CP Thúy Đạt (KCN Hòa Xá) đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại đạt năng suất, chất lượng cao, đảm bảo ATVSLĐ.
Cty CP Thúy Đạt (KCN Hòa Xá) đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại đạt năng suất, chất lượng cao, đảm bảo ATVSLĐ.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở LĐ-TB và XH đã có văn bản gửi các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tăng cường thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN, đồng thời đổi mới và đa dạng hóa công tác thông tin tuyên truyền về công tác ATVSLĐ, phổ biến các quy định pháp luật mới liên quan đến công tác ATVSLĐ, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động, đồng thời phối hợp với Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác ATVSLĐ-PCCN. Các ngành, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền phong phú như chăng treo băng rôn, pa-nô, áp phích, khẩu hiệu, phát tờ rơi, thông tin các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN, hướng dẫn việc thực hiện ATVSLĐ-PCCN rộng rãi trong nhân dân. Từ năm 2014 đến nay, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức 9 cuộc thi tìm hiểu các quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ-PCCN, thi an toàn vệ sinh viên giỏi thu hút 1.217 người tham gia; 16 cuộc mít tinh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN; tổ chức 55 buổi tọa đàm về công tác ATVSLĐ-PCCN, thu hút gần 3.700 người tham gia; phát 12.300 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về công tác ATVSLĐ, kẻ vẽ 5.600 khẩu hiệu, băng rôn, 15 pa-nô, áp phích... tuyên truyền về ATVSLĐ-PCCN. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với Cục An toàn Lao động (Bộ LĐ-TB và XH) huấn luyện cho giảng viên nguồn ở các doanh nghiệp, đồng thời tập huấn các quy định của pháp luật liên quan đến công tác ATVSLĐ theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung cho người sử dụng lao động, người quản lý và người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý về ATVSLĐ cho đội ngũ cán bộ LĐ-TB và XH các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn; 2 lớp tập huấn cho 150 người là chủ sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 10 lớp tập huấn cho 1.100 người là công nhân kỹ thuật vận hành các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và người lao động làm các công việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường; tổ chức 4 lớp tập huấn để hỗ trợ cho hơn 80 doanh nghiệp vừa và nhỏ, tư vấn cho trên 200 doanh nghiệp về xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ-PCCN. Qua đó, đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ-PCCN của các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn. Hầu hết các doanh nghiệp đã thành lập Hội đồng bảo hộ lao động, xây dựng kế hoạch ATVSLĐ-PCCN hằng năm; thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên từ tổ sản xuất; ban hành quyết định phân cấp trách nhiệm về công tác ATVSLĐ cho các chức danh theo quy định. Các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động; nhiều cơ sở sản xuất đã chủ động mua sắm thêm máy móc hỗ trợ, giảm cường độ lao động cho công nhân; trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm việc trong điều kiện có các yếu tố nguy hiểm, độc hại; tổ chức tập huấn ATVSLĐ, thực hành PCCN, cứu hộ, cứu nạn cho người lao động; tiến hành kiểm định, đăng ký các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; áp dụng nhiều sáng kiến vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm sức khoẻ, tăng thu nhập, giảm thiểu rủi ro cho người lao động… Từ năm 2014 đến nay, các doanh nghiệp đã tổ chức tập huấn ATVSLĐ cho trên 25 nghìn lượt người lao động; tổ chức 32 cuộc thực hành PCCN, cứu hộ, cứu nạn với 3.500 người lao động tham gia; triển khai thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo ATVSLĐ-PCCN. Phần lớn người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản về ATVSLĐ, có ý thức tự giác sử dụng bảo hộ cá nhân, sử dụng các trang thiết bị an toàn đúng quy trình, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số doanh nghiệp và người lao động chưa thực sự quan tâm đến công tác ATVSLĐ-PCCN; trang thiết bị bảo hộ lao động, PCCC còn thiếu; hệ thống nội quy, biển báo về ATVSLĐ và PCCC chưa đúng quy định. Việc lập hồ sơ theo dõi về công tác ATVSLĐ-PCCN chưa đầy đủ, công tác đảm bảo an toàn về điện trong sản xuất chưa được quan tâm đúng mức, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động để quá thời hạn kiểm định. Người lao động còn phải làm việc trong điều kiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn. Người lao động ở một số doanh nghiệp chưa được tập huấn đầy đủ về kỹ năng ATVSLĐ-PCCN và vẫn còn không ít người lao động chưa nghiêm túc thực hiện quy định sử dụng bảo hộ lao động cá nhân trong quá trình sản xuất. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác khám sức khỏe định kỳ cho người lao động… Để tiếp tục đẩy mạnh công tác ATVSLĐ-PCCN, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN các cấp tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là người sử dụng lao động và người lao động về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ-PCCN đối với sự an toàn, sức khỏe, tính mạng người lao động và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện ATVSLĐ của doanh nghiệp và người lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên tổ chức tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ-PCCN cho người sử dụng lao động và người lao động. Hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng, triển khai kế hoạch và tự kiểm tra công tác ATVSLĐ; xây dựng, trang bị đầy đủ nội quy lao động, quy trình vận hành máy móc, thiết bị, biện pháp làm việc an toàn, trang cấp thiết bị ATVSLĐ, bảo hộ cá nhân cho người lao động. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về ATVSLĐ-PCCN./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com