Nghị lực của những người khuyết tật

08:03, 24/03/2015

Hội Người khuyết tật (NKT) huyện Nghĩa Hưng hiện có khoảng 300 hội viên, trong đó 60% NKT trong độ tuổi lao động, đa số NKT không có việc làm ổn định, đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Vượt qua những mặc cảm, tự ti của bệnh tật, hoàn cảnh không may mắn, nhiều NKT trong huyện đã nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống, tìm được công việc phù hợp để có thể nuôi bản thân, gia đình. Họ chính là những tấm gương “tàn nhưng không phế” để nhiều NKT khác học tập, noi theo.

Có dịp gặp gỡ và trò chuyện với ông Ngô Văn Kế, sinh năm 1959, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng) mới thấy được ý chí, nghị lực vươn lên của người đàn ông khuyết tật này. Khi sinh ra cậu bé Ngô Văn Kế cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác. Năm 6 tuổi, trong một lần bị ốm, sốt cao lên cơn co giật bị ảnh hưởng đến não. Do kinh tế gia đình quá khó khăn cộng với điều kiện y tế chữa trị còn nghèo nàn, lạc hậu, do đó, cậu bé Kế chịu cảnh bị bại liệt tay phải, chân trái khiến việc đi lại và sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Đến tuổi đi học, như bao bạn bè cùng trang lứa, cậu bé Kế nuôi ước mơ đến trường, hằng ngày vẫn “cà nhắc” đi lại để có thể cắp sách đến trường làng. Tuy nhiên, cảnh nhà nghèo, lại đông con, bố mẹ Kế chỉ có thể cho cậu học hết cấp 2 rồi phải tự kiếm việc đi làm. Với bản chất ham học hỏi và cần cù chịu khó học tập, Kế không nản lòng tiếp tục học lên cấp 3 rồi hoàn thành chương trình học của Trường Trung cấp Tài chính Hà Nam Ninh bằng cách vừa học vừa làm. Ra trường, anh được HTX Nghĩa Lợi nhận làm kế toán vật tư. Thời gian sau, tiếp tục chuyển công tác về làm kế toán trưởng của HTX thủ công nghiệp Nam Hưng (Nghĩa Hưng). Cho đến năm 2005, ông Kế xin nghỉ  hưu, cùng vợ chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Thời điểm này, nhận thấy nhu cầu hoa tươi của người dân trong vùng ngày một nhiều trong khi các cửa hàng bán hoa còn tương đối ít. Ông Kế bàn với vợ mở cửa hàng hoa tươi phục vụ bà con nhân dân trong vùng. Hằng ngày, vợ chồng ông đến tận vườn của các hộ gia đình trong vùng chọn hoa tươi rồi mày mò về học cách cắm hoa sao cho đẹp. Cửa hàng của ông nhận cung cấp các loại hoa cho các lễ hội, đám hiếu, đám hỉ… Nhờ nắm bắt được thị trường tiêu dùng, giá cả phải chăng, chất lượng hoa tốt nên cửa hàng của ông rất đông khách. Hằng tháng, thu nhập từ việc bán hoa mang về cho gia đình ông từ 8-10 triệu đồng. Không chỉ năng động trong kinh doanh, phát triển kinh tế, ông Kế còn rất tích cực tham gia công tác hội. Ông cũng chính là người khởi xướng đứng ra xin thành lập Hội NKT huyện Nghĩa Hưng. Hiện ông là Chủ tịch Hội NKT của huyện và có rất nhiều đóng góp để đưa tổ chức hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, xin hỗ trợ hơn 7 triệu đồng từ Quỹ CCB Mỹ tại Việt Nam (VVAF) để mở lớp dạy nghề cho 20 hội viên NKT trong xã học nghề đan cói xuất khẩu, đấu mối với Doanh nghiệp hàng cói xuất nhập khẩu Ánh Túy tạo việc làm cho hội viên với mức thu nhập ổn định từ 2-3,5 triệu đồng/người/tháng. Ông còn xin được tài trợ của VVAF số tiền 19 triệu đồng hỗ trợ cho một số gia đình NKT trong huyện phát triển chăn nuôi nhằm tạo việc làm nâng cao đời sống hội viên như vận động các tổ chức chính trị - xã hội trong xã ủng hộ, giúp đỡ những NKT gặp khó khăn trong cuộc sống, tiếp thêm nghị lực để họ không còn mặc cảm với số phận của bản thân mình.

Ông Ngô Văn Kế, xã Nghĩa Lợi trong công việc hằng ngày.
Ông Ngô Văn Kế, xã Nghĩa Lợi trong công việc hằng ngày.

3 chị em nhà bà Phạm Thị Mến, Phạm Thị Thu, Phạm Thị Huyền xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) từ khi sinh ra đã phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh của số phận. Cả 3 bị bại liệt bẩm sinh, muốn di chuyển đều phải dựa vào đôi bàn tay. Không đầu hàng trước số phận, ngay từ thuở nhỏ, 3 chị em bà đều cố gắng lao động, làm việc rất chăm chỉ. Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, bà Mến tâm sự: “Bố mất khi chúng tôi còn rất nhỏ, một mình mẹ phải trang trải cuộc sống, lo toan cho con cái. Dù sức khỏe yếu kém, đi lại khó khăn nhưng thương mẹ, chúng tôi thậm chí không dám đòi hỏi được đi chữa bệnh. Do vậy, hy vọng có thể đi lại bình thường của chị em tôi ngày càng xa vời hơn, cuộc sống do đó rất vất vả. Theo thời gian, căn bệnh quái ác cứ bào mòn và âm ỉ phá hoại khiến cho đôi chân của chúng tôi ngày càng teo lại”. Không lùi bước trước số phận, bệnh tật, luôn tâm niệm “tàn nhưng không phế”, 3 chị em bà bàn với nhau phải học lấy nghề gì đó để duy trì cuộc sống. Là chị cả, sức khỏe cũng khá hơn các em, bà Mến vay mượn anh em cộng với số tiền dành dụm được mua một chiếc xe lăn để… đi chợ. Hằng ngày bà thức dậy rất sớm, xuống những chợ cách xa nhà 4-5 cây số để buôn bán, trang trải cuộc sống. Vốn biết nghề làm nón từ ngày nhỏ, 3 chị em bà Mến cùng nhau học nghề, miệt mài làm nón tăng thêm thu nhập. Nón làm ra đến đâu, bà Mến lại chịu khó đẩy xe lăn đi chợ xa bán đến đó. Cũng từ nghề nón, 3 chị em tự nuôi sống được nhau, không phải dựa vào người thân. Từ năm 2008 trở lại đây, do tuổi cao sức yếu, 3 chị em bà Mến đã không còn làm nghề khâu nón nữa mà chuyển sang chăn nuôi gà. Được quỹ VVAF hỗ trợ 9 triệu đồng tiền vốn mua giống, làm chuồng, mỗi lứa bà nuôi 100 con, 4 tháng xuất bán một lần, mỗi lần xuất 2 tạ, thu về khoảng 15 triệu đồng/lứa. Nguồn thu này giúp chị em bà ổn định cuộc sống. Cảm phục trước nghị lực của chị em bà Mến, nhiều NKT trong huyện tìm đến gia đình bà học hỏi kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ những vất vả, khó khăn trong cuộc sống để vươn lên. Ai đến bà Mến đều nhiệt tình giúp đỡ, sẻ chia, động viên những hoàn cảnh không may mắn như mình cùng nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Ngôi nhà của chị em bà do đó trở thành “địa chỉ tin cậy” của nhiều NKT khác.

Ông Kế, chị em bà Mến, mỗi người một hoàn cảnh nhưng đã biết xóa bỏ mặc cảm, tự ti của bản thân vươn lên làm chủ cuộc sống. Hy vọng thời gian tới, với sự giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội, sẽ ngày càng có nhiều NKT được quan tâm, giúp đỡ để NKT tìm thấy hy vọng, từ đó càng nỗ lực cố gắng vươn lên hòa nhập với cộng đồng./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com