Kiên quyết xử lý hoạt động kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ không đúng quy định

07:02, 12/02/2015

Càng gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng các loại tiền mệnh giá từ 500 đồng đến 10 nghìn đồng cho nhu cầu mừng tuổi, đi lễ chùa cầu tài, cầu lộc… của người dân tăng cao khiến cho các loại tiền mệnh giá nhỏ trở nên “khan hiếm”. Nắm bắt được điều này, dịch vụ “kinh doanh tiền lẻ” phát triển khá mạnh, nhiều quầy đổi tiền lẻ di động mọc lên tại các đình, chùa, các khu du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh, gây mất mỹ quan và tạo nên những hình ảnh phản cảm đối với du khách thập phương. Vì vậy đòi hỏi các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý các hoạt động kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ không đúng quy định.

Chuyện “tiền lẻ” mỗi dịp Tết đến, xuân về…

Đến hẹn lại lên, mỗi dịp Tết đến, xuân về thị trường tiền có mệnh giá nhỏ từ 500 đồng đến 10 nghìn đồng vốn được xem là “tiền lẻ” thường ngày lại trở nên đắt đỏ do nhu cầu đổi tiền của người dân tăng mạnh. Và vì thế những người kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ kiếm được bộn tiền nhờ hưởng chênh lệch. Sáng 8-2 tức là ngày 20 tháng Chạp, chúng tôi có mặt tại phủ chính của quần thể khu di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản). Vừa dừng xe trước cổng chính vào phủ, hình ảnh bắt gặp đầu tiên đó là hàng chục “quầy đổi tiền lẻ” hoạt động công khai. Chưa kịp hỏi chỗ gửi xe, mấy chị đã chạy tới tận nơi để mời chào đổi tiền vào lễ. Các loại tiền mệnh giá nhỏ từ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng đến 10 nghìn đồng được bày sẵn trên các sạp “di động” và được các chủ sạp chào đón đến tận tay khách hàng. Không chỉ có các sạp di động mà cả các sạp bán vàng mã nằm trong khuôn viên phủ chính cũng bày công khai các loại tiền mệnh giá nhỏ để đổi cho khách hưởng chêng lệch… Hoạt động đổi tiền lẻ không chỉ có ở quần thể khu di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy mà ở hầu khắp các khu du lịch tâm linh, các chùa lớn trong tỉnh. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các quầy đổi tiền lẻ hoạt động từ cách đây hàng tháng, liên tục từ sáng sớm tới tối, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Với các mệnh giá từ 1.000 đồng đến 10 nghìn đồng, mức giá hưởng chênh lệch phổ biến ở mức 20% cho người kinh doanh, tức là khách hàng trả 100 nghìn đồng lấy về 80 nghìn đồng. Riêng tiền mệnh giá 500 đồng có mức giá hưởng chênh lệch từ 25-30%... Mức hưởng chênh lệch giữa hai loại tiền là “tiền cũ” và tiền “nguyên seri” cũng có sự chênh lệch từ 5-10% tùy theo từng mệnh giá tiền mà khách hàng có nhu cầu đổi. Cụ thể, tiền nguyên seri mệnh giá 500 đồng có mức chi phí 10 ăn 7, tức là khách hàng đổi 100 nghìn đồng chỉ nhận về 70 nghìn đồng; tiền mệnh giá 1.000 đồng có mức phí là 25%... Với tiền có mệnh giá từ 5.000 đồng, 10 nghìn đồng, 20 nghìn đồng, nếu đổi với số lượng lớn thì phí dịch vụ chỉ 3-5%... Không chỉ có dịch vụ đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch với mức phí quá cao hoạt động công khai tại các khu du lịch tâm linh, các đình, chùa… mà hoạt động này còn lên mạng internet. Với những khách hàng quen mua hàng trực tuyến chỉ cần gõ “đổi tiền lẻ” là có hàng trăm địa chỉ với cam kết giao hàng tận nhà cho khách hàng. Theo cam kết của các trang mạng, dịch vụ đổi tiền có mệnh giá nhỏ bằng Việt Nam đồng hay các loại tiền của các nước trên thế giới đều được đáp ứng trong phạm vi cả nước, với mức chi phí cho mỗi lần giao dịch từ 10-15%...

Dịch vụ đổi tiền lẻ tại Phủ Dầy (Vụ Bản).
Dịch vụ đổi tiền lẻ tại Phủ Dầy (Vụ Bản).

Có thể khẳng định, nhu cầu sử dụng các loại tiền có mệnh giá nhỏ chủ yếu là đi lễ hội dịp đầu xuân năm mới. Nhu cầu này đã tạo ra “vùng đất mầu mỡ” cho những người làm dịch vụ đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, ảnh hưởng tới việc lưu thông tiền tệ và trật tự, mỹ quan tại các khu di tích, các lễ hội. Thậm chí nhiều khách hàng còn bị lừa khi không nhận đủ số lượng tiền đổi như cam kết hay đổi tiền mới nhưng nhận toàn tiền… cũ. Mặt khác, việc sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ còn gây ra rất nhiều hình ảnh phản cảm tại các đình, chùa. Trên thực tế, không ít người có quan niệm chưa đúng khi cho rằng phải đặt nhiều tiền ở tất cả các bàn thờ tại một ngôi đền, chùa thì mới được hưởng nhiều phúc, nhiều lộc. Thậm chí có người còn nhét cả tiền vào tay Phật, tay thánh, với tư tưởng mình được “quan tâm” hơn người khác…

Kiên quyết xử lý các trường hợp kinh doanh không đúng quy định

Trước tình trạng trên, ngày 12-1-2015, Bộ VH, TT và DL đã có Công văn số 71 yêu cầu các Sở VH, TT và DL, Ban quản lý di tích các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng, lưu thông đồng tiền có mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội. Tiếp đó ngày 20-1-2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng có Văn bản số 373 về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt trong dịp Tết Ất Mùi 2015. Thực hiện sự chỉ đạo của NHNN, từ nay đến Tết Nguyên đán, Chi nhánh NHNN tỉnh không đưa các loại tiền mới có mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng vào lưu thông; chỉ đưa các loại tiền mệnh giá nhỏ đủ tiêu chuẩn lưu thông đang tồn trong kho của các đơn vị ra thị trường phục vụ nhu cầu của nhân dân. Đồng thời, phân bổ tiền mới mệnh giá 10 nghìn đồng, 20 nghìn đồng, 50 nghìn đồng để các đơn vị đưa vào lưu thông, phân bổ cho khách hàng, tiếp máy ATM. Phối hợp với các sở: VH, TT và DL, Công thương, Công an tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tại khu vực Đền Trần (TP Nam Định) và Phủ Dầy (Vụ Bản). Chi nhánh NHNN tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH, TT và DL phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các giải pháp chấn chỉnh tình hình đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch tại các khu vực lễ hội, đền, chùa trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau Tết Ất Mùi. Sở VH, TT và DL chủ trì và là đầu mối phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Chi nhánh NHNN tỉnh, Công an tỉnh, Ban tổ chức các lễ hội, Ban quản lý các di tích trên địa bàn tỉnh triển khai kiểm tra tình hình đổi tiền mệnh giá nhỏ tại các khu vực lễ hội, đền, chùa trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; thời gian kiểm tra từ 2-2 đến 30-4-2015. Chi nhánh NHNN tỉnh phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân đồng tình ủng hộ chủ trương của NHNN, chủ động sử dụng đồng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng quy định của pháp luật về việc sử dụng và lưu thông đồng tiền Việt Nam bảo đảm an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội tại các di tích, công trình tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội. Hoạt động dịch vụ về đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch trong khuôn viên di tích, lễ hội cần được loại bỏ. Cùng với đó, Ban tổ chức các lễ hội, chính quyền các địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh, sử dụng đồng tiền hợp lý, có văn hóa, khắc phục tình trạng sử dụng tùy tiện đồng tiền Việt Nam có mệnh giá nhỏ trong hoạt động lễ hội. Các trường hợp vi phạm sẽ được xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, hành vi đổi tiền lẻ sẽ được xử lý nghiêm khắc với mức phạt 20-40 triệu đồng…

Việc dùng tiền lẻ để lì xì, đi lễ chùa là một tập tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Tuy nhiên tập tục tốt đẹp đó đang bị biến tướng dưới nhiều hình thức khiến dư luận không khỏi băn khoăn rằng: Số tiền lẻ nhiều như vậy lấy từ đâu khi NHNN khẳng định không in ấn, phát hành thêm tiền có mệnh giá nhỏ; nếu Ban tổ chức các lễ hội, Ban quản lý các khu di tích quản lý chặt, liệu các dịch vụ đổi tiền lẻ có còn “đất” để sống… Những câu hỏi trên của dư luận vẫn đang chờ câu trả lời từ các ngành chức năng./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com