Chắp cánh những ước mơ

08:02, 20/02/2015

Nét đặc trưng truyền thống ở mỗi người dân Nam Định là hiếu học, chăm lo cho sự học. Hiện nay, ở bất cứ nơi nào, từ thành thị đến nông thôn, từ ngõ xóm đến khối phố, gia đình đến dòng họ đều sôi nổi những hoạt động chăm lo cho sự học. Trong đó, có nhiều gia đình, những ông bố, bà mẹ tuy phải “thắt lưng buộc bụng” cho con ăn học nhưng vẫn luôn ánh lên niềm vui và khát vọng vươn tới tri thức của các con mình, để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

I. Những tấm gương vượt khó nuôi con ăn học thành đạt

Nhắc đến gia đình nông dân nghèo Vũ Thị Như ở thôn Khang Thọ, xã Yên Lương (Ý Yên) nhiều người cảm phục ý chí vươn lên của người phụ nữ góa chồng quanh năm tận tụy, một nắng hai sương chăm sóc mẹ chồng già yếu cùng các con thơ dại nhưng hết mực chăm ngoan, học giỏi. Trong căn nhà mái ngói cũ nát, đơn sơ tuy không có vật dụng gì đáng giá nhưng vẫn ánh lên những tia sáng ấm áp từ những tấm giấy khen của các con và nụ cười vui của chị. Vừa thoăn thoắt băm vội mớ rau cho đàn lợn, chị Như vừa chỉ ra vườn rau trước nhà được trồng xen với những luống hoa đủ sắc màu cho biết: “Năm nay, nhà tôi lại ăn tết to đây, hoa thì đã đầy vườn, đàn gà thì béo tốt, con nào cần bán lấy tiền, con nào để cúng gia tiên, các cháu đã sắp xếp cả rồi. Nhà nghèo nên các con vừa đi học, vừa trồng cấy, chăn nuôi để mẹ đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống và ăn học…”. Tự hào về các con, nhưng đôi mắt chị vẫn ngân ngấn nước. Chồng bị bệnh hiểm nghèo mất sớm, để lại cho chị các con thơ, nợ nần và mẹ già yếu cần chăm sóc mỗi ngày. Bản thân chị cả chục năm trời không dám mua cho mình một tấm áo mới, gắp cho mình một miếng ăn ngon. Nhưng thành quả mà các con mang lại khiến chị vui. Các con chị tuy không có nhiều sách vở, tài liệu như các bạn, đến trường nhiều khi quần áo còn không được lành lặn, nhưng đều phấn đấu đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, nhiều lần được nhận học bổng “Nâng niu tài năng Việt”, học bổng “Anh em Thành Nam” và khen thưởng của các cấp Hội Khuyến học. Ngoài giờ học ở trường, các con chị phải thay nhau chăm sóc ruộng đồng, chăn nuôi gà, lợn, đến kỳ nghỉ hè đều theo mẹ ra xã Yên Ninh đánh giấy ráp cho các cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ… Mặc dù rất thương con, nhưng chị Như lại nghĩ, cứ để các con làm việc theo khả năng để tạo tính tự lập và sống có trách nhiệm với gia đình… Hơn nữa, khi học đại học, các con cũng cần phải đi làm thêm để tích lũy kiến thức cuộc sống và trang trải các khoản chi phí phát sinh. Nghe lời chị, cô con gái đầu mặc dù thi đỗ vào hai trường đại học nhưng em chọn Đại học Lương Thế Vinh Nam Định để học cho bớt phần chi phí và cùng mẹ lo cho các em. Hiện tại em đã có công ăn việc làm ổn định tại một doanh nghiệp ở địa phương. Cô con gái thứ cũng vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định và đã tìm được việc làm. Hiện, cô con gái út Nguyễn Thị Giang học lớp 11 Trường THPT Phạm Văn Nghị…

Quỹ học bổng Anh em Thành Nam tại Nhật Bản trao học bổng cho các em học sinh vượt khó học giỏi của tỉnh.
Quỹ học bổng Anh em Thành Nam tại Nhật Bản trao học bổng cho các em học sinh vượt khó học giỏi của tỉnh.

Cùng quên mình, vượt qua khó khăn để chăm lo cho các con phải kể đến cô giáo Trần Thị Trọng Liên ở xã Trực Mỹ (Trực Ninh). Chồng ốm liệt giường, cô giáo Liên cơm bưng nước rót chăm lo từng giờ cho chồng. Nhìn các con ngày càng lớn khôn, cô nén khó khăn đặt quyết tâm nuôi con ăn học thành tài. Nhà không có vườn, cô cuốc xới 2/3 sân và ngõ để trồng rau, vừa bảo đảm cái ăn cho các con, vừa đem ra chợ bán kiếm tiền mua mắm, muối cho bữa cơm gia đình. Dạy học buổi chiều, buổi sáng cô làm hàng xáo lấy cám nuôi lợn, trấu để đun. Đêm đến, khi các con đã ngủ say, cô lại chong đèn soạn giáo án và đan len thuê. Mùa hè, cô đi chăn vịt, mót lúa, dệt chiếu, làm đậu. Suốt dọc bờ mương của đội 9 trải kín hơn 200 chiếc vó tép của mẹ con cô đơm thả. Những lúc chồng ốm, con đau hay nhiều khi đến kỳ nộp tiền học cho con, cô nén lòng chạy vay hàng xóm rồi tự nhủ lòng mình sẽ cố gắng làm lụng nhiều hơn để trả, quyết không để con phải bỏ học, chồng phải bỏ thuốc. Cảm thông với người phụ nữ sớm tối phải vất vả, họ hàng, làng xóm cũng đứng ra giúp đỡ; người cho các con cô tấm quần, manh áo, người cho quyển sách, bút hay đỡ đần góp công sức khi gia đình cô gặp lúc khó khăn. Không phụ lòng mẹ, các con cô đều ngoan ngoãn và chăm học. Có chiếc xe đạp cũ, đứa học ở gần nhường cho đứa phải học xa. Quần áo cứ đứa lớn mặc chật đến lượt đứa bé... Thời gian cứ lặng lẽ trôi và ước mơ nuôi con ăn học thành tài của cô giáo Liên đã trở thành hiện thực. Người con trai lớn sau khi thi đỗ cả hai trường đại học và chọn Đại học Sư phạm Hà Nội để làm thầy giáo, tiếp tục nối nghiệp mẹ và dìu dắt các em. Tất cả con trai, con gái, con dâu, con rể của gia đình cô đều tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Nhìn các con trưởng thành, cô càng tự hào khi nghĩ về quãng thời gian lam lũ vất vả của mình đã được bù đắp. Điều đó cũng đã được các cấp Hội khuyến học ghi nhận và gia đình cô là tấm gương điển hình gia đình hiếu học được nhân rộng.

II. Khuyến học, khuyến tài - tạo dựng tương lai

Nhiều đoàn khách khi về tham quan, học tập kinh nghiệm làm khuyến học tại Nam Định đã đặt câu hỏi “Ngoài yếu tố truyền thống hiếu học, nguyên nhân gì khiến người dân Nam Định, nhất là người nông dân dành nhiều tâm lực cho công tác khuyến học như thế”. Có rất nhiều câu trả lời cùng những minh chứng sống động từ những gia đình, dòng họ ở khắp các làng quê trong tỉnh. Ông trưởng họ Đặng, xã Nam Hồng (Nam Trực) đã từng phát biểu: “Cả họ Đặng đã và đang dồn sức cho việc học hành của con cháu, những việc khác cứ từ từ rồi tính. Tiện nghi đắt tiền, nhà cao cửa rộng chúng tôi chưa có, nhưng “của để dành” thì rất nhiều. Con cháu thành đạt làm giàu mấy chốc…”. Tại trung tâm giáo dục của dòng họ có một khẩu hiệu đã phai màu cùng năm tháng được viết nắn nót: “Dù khó khăn đến mấy, con cháu họ Đặng cũng quyết tâm học thật tốt, kính thầy mến bạn!”. Chính nhờ quyết tâm đó mà lớp lớp con cháu họ Đặng thi đua học tập thành tài, cống hiến công sức, trí tuệ cho đất nước. Chủ trương khuyến học của dòng họ Đặng xác định rõ: Đã là người họ Đặng nhất định phải tốt nghiệp THPT, nếu không thi đỗ vào đại học và học lên, cũng phải học nghề để thành thợ giỏi. Hiện nay, dòng họ có trên 30 tiến sĩ và thạc sĩ, số con em họ Đặng tốt nghiệp đại học, cao đẳng đã trưởng thành, đi công tác trên khắp mọi miền đất nước và nước ngoài đã lên tới hàng trăm, nhưng dù họ ở đâu cũng luôn tự hào về dòng họ mình, một dòng họ hiếu học và lễ nghĩa.

Xã Hải Phương (Hải Hậu) là một địa phương còn nghèo, nhưng người dân rất đề cao chuyện học. Tinh thần hiếu học ở đây được gây dựng từ thời phong kiến, bây giờ đã ăn sâu vào máu thịt. Gia đình nào không cho con được ăn học tử tế thì sẽ trở nên lạc lõng. Chuyện học không chỉ quan trọng đối với mỗi gia đình mà còn được chính quyền đặc biệt quan tâm, biến thành phong trào thi đua của từng khu, xóm. Hàng chục năm qua, nhờ học mà nơi đây đã sản sinh ra nhiều người hiển đạt, trong đó có nhiều người có học vị tiến sĩ; có nhà có tới 2-3 tiến sĩ. Hằng năm, cả xã có từ 40-50 học sinh thi đỗ vào các trường đại học. Với 48% dân số theo đạo Công giáo, trước đây, con em giáo dân thường chỉ chú trọng đến việc đi nhà thờ để học thánh ca, giáo lý, cầu nguyện… nên lơ là chuyện học hành, chữ nghĩa. Thế nhưng bây giờ, không chỉ ở riêng Hải Phương, nhiều linh mục đã nhiệt thành với sự học của con em giáo dân. Tinh thần khuyến học không chỉ được lồng ghép vào các bài giảng nơi thánh đường mà còn được cụ thể hóa bằng các quỹ khuyến học, khuyến tài của nhà thờ do linh mục tự mở ra. Nhiều học sinh con nhà nghèo đã được cấp học bổng để tiếp tục đến trường; học sinh nữ được khuyến khích học lên cao; học sinh đỗ vào đại học, cao đẳng được tuyên dương, khen thưởng. Trong xã ngoài làng, một gia đình có 2-3 người con đỗ vào đại học là chuyện thường tình. Riêng ở xóm 10 xã Hải Phương, trung bình mỗi năm có trên dưới 10 học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và từ 5-8 em đỗ vào đại học. Số gia đình có con học đại học, cao đẳng chiếm tới 80% dân số của xóm. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn như gia đình ông Phạm Văn Tiểu, bản thân ông đau ốm quanh năm, trong nhà chỉ trông chờ vào cây lúa cùng sự tần tảo nắng sương mà vẫn nuôi được hai người con gái học đại học. Ông Phạm Văn Cõn là bệnh binh 61%, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng vẫn gắng gượng vay mượn, làm thuê để nuôi 2 con học đại học. Chỉ với trên 500 khẩu, các gia đình đều làm nông nghiệp và làm thêm các nghề như: dệt chiếu, dệt vải, nghề mộc, nhưng đến nay, cả xóm đã có trên 100 người có trình độ đại học, cao đẳng và trên 10 người có trình độ thạc sĩ. Đến xóm 10 hôm nay, đi khắp các dong ngõ, gia đình chỉ thấy thấp thoáng những người già và trẻ nhỏ bởi 100% trẻ ở độ tuổi đến trường đều được vận động ra lớp, học sinh học hết THPT đều thi đỗ và đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Những ông bố, bà mẹ đều đang tất bật làm việc để kiếm tiền nuôi con ăn học trưởng thành.

Ước mơ thành đạt của tuổi trẻ giờ đây không chỉ được chắp cánh từ những ông bố, bà mẹ “thắt lưng buộc bụng” nuôi con ăn học mà còn được chăm lo, chắp cánh từ các tổ chức khuyến học, khuyến tài, từ ban khuyến học, chi hội khuyến học dòng họ, thôn làng, nhà chùa, xứ đạo, trường học đến Hội Khuyến học cấp tỉnh. Từ nhiều năm qua, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã đa dạng hóa cách vận động xây dựng quỹ Hội, coi trọng phát huy nội lực của toàn tỉnh là chủ yếu, đồng thời tranh thủ nguồn tài trợ ngoài tỉnh và nước ngoài, phấn đấu các cấp Hội đều xây dựng được quỹ khuyến học để cấp học bổng, giúp đỡ kịp thời học sinh, sinh viên gặp khó khăn, khen thưởng cho giáo viên dạy giỏi, học sinh học giỏi. Năm 2014, tổng số quỹ khuyến học của các cấp Hội quản lý trên 39 tỷ đồng (chưa cộng 30 tỷ đồng quỹ Lương Thế Vinh do tỉnh quản lý để khuyến tài). Trong đó, riêng tỉnh Hội đã tổ chức 18 lần trao học bổng cho 1.572 lượt học sinh. Hội Khuyến học các địa phương, các chi Hội Khuyến học cơ sở cũng đã trao hàng nghìn suất học bổng khen thưởng cho học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, để các em yên tâm, phấn khởi vươn lên giành được những thành tích cao hơn trong học tập, góp phần cùng ngành GD và ĐT giữ vững thành tích nhiều năm liền dẫn đầu toàn quốc về GD và ĐT./.

Bài và ảnh: Thảo Linh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com