Hiệu quả chương trình điều trị bằng Methadone ở tỉnh ta

07:07, 11/07/2013

Từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1992 đến nay, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh ta vẫn diễn biến phức tạp và không ngừng gia tăng qua các năm. Đến ngày 31-5-2013, toàn tỉnh có 4.723 người nhiễm HIV, trong đó số người chuyển sang giai đoạn AIDS là 2.353 người, số mắc mới là 93 trường hợp. Tình hình dịch HIV/AIDS tại tỉnh ta vẫn trong giai đoạn tập trung, chủ yếu trong nhóm nghiện chích ma túy (chiếm khoảng 59,8%).

Chăm sóc hỗ trợ người bệnh tại cơ sở điều trị Methadone Thành phố Nam Định. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Chăm sóc hỗ trợ người bệnh tại cơ sở điều trị Methadone Thành phố Nam Định. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Để phòng chống hiệu quả, góp phần giảm thiểu lây nhiễm HIV/AIDS, cùng với việc tăng cường công tác giáo dục truyền thông thay đổi hành vi; phòng, chống, giám sát HIV/AIDS, từ năm 2011 tỉnh ta đã triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Chương trình được triển khai tại Thành phố Nam Định và các huyện Trực Ninh, Giao Thủy, Xuân Trường. Tại Thành phố Nam Định cơ sở điều trị Methadone đặt tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh. Tại 3 huyện, cơ sở điều trị Methadone đặt tại Trung tâm Y tế các huyện. Các cơ sở điều trị Methadone đều có các phòng đón tiếp, phòng tư vấn, phòng cấp phát thuốc Methadone, hội trường, kho bảo quản thuốc… được bố trí hợp lý, thuận tiện cho việc theo dõi, quan sát bệnh nhân và hỗ trợ khi cần thiết; được trang bị đầy đủ dụng cụ thiết bị cần thiết phục vụ việc khám, theo dõi, cấp phát thuốc và điều trị. Đội ngũ cán bộ được tập huấn các kỹ năng điều trị thay thế bằng thuốc Methadone theo quy định của Bộ Y tế. Trong quá trình triển khai, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh thực hiện điều phối các hoạt động chuyên môn; Dự án Life Gap và Dự án phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ kinh phí để triển khai hoạt động. Tại các cơ sở điều trị, cán bộ y tế tiến hành khám, đánh giá sức khỏe bệnh nhân trước, trong quá trình điều trị, tư vấn cho bệnh nhân và gia đình hiểu, tin tưởng vào phương pháp điều trị để hợp tác hiệu quả. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm cần thiết và được cấp thuốc Methadone hằng ngày. Để việc điều trị đạt kết quả cao, hoạt động điều trị thay thế bằng thuốc Methadone còn được lồng ghép với các hoạt động khác của chương trình phòng chống HIV/AIDS và các hoạt động hỗ trợ tâm lý, kinh tế - xã hội. Đến hết ngày 30-6-2013, tổng số bệnh nhân đang điều trị tại 4 cơ sở điều trị là 909 bệnh nhân. Trong đó, Thành phố Nam Định 329 bệnh nhân (254 bệnh nhân đang điều trị liều duy trì, 75 bệnh nhân đang trong giai đoạn dò liều); huyện Giao Thủy 243 bệnh nhân (226 bệnh nhân đang điều trị liều duy trì, 17 bệnh nhân đang trong giai đoạn dò liều); huyện Xuân Trường 239 bệnh nhân (204 bệnh nhân đang điều trị liều duy trì, 35 bệnh nhân đang dò liều), huyện Trực Ninh 98 bệnh nhân (52 bệnh nhân đang điều trị liều duy trì, 46 bệnh nhân đang dò liều). Từ khi tiến hành điều trị đến nay, có tới 97% bệnh nhân tuân thủ quy trình điều trị. Trong và sau quá trình điều trị, đa số các bệnh nhân có cải thiện về mặt sức khỏe; hơn 70% bệnh nhân tăng cân sau khoảng 3 tháng điều trị. Sự cải thiện về sức khỏe tâm thần, chất lượng cuộc sống và quan hệ cộng đồng của bệnh nhân cũng tăng so với trước khi tham gia điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân tham gia điều trị có việc làm tăng từ 24,2% lên 90% sau 9 tháng điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân vi phạm pháp luật cũng giảm dần theo thời gian điều trị. Hầu hết các bệnh nhân đều có mong muốn tham gia điều trị, công tác điều trị còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ gia đình bệnh nhân, do đó việc phối hợp với cán bộ y tế tại cơ sở điều trị có nhiều thuận lợi. Các gia đình có bệnh nhân đang điều trị Methadone tại Thành phố Nam Định đều phấn khởi sau khi con em được điều trị Methadone hằng ngày. Các đối tượng cởi mở, vui vẻ, hòa nhã hơn trong gia đình, quan tâm đến mọi người, không còn phạm tội để có tiền sử dụng ma tuý.

Theo các bác sĩ tại 4 cơ sở điều trị Methadone, việc điều trị thay thế bằng thuốc Methadone giúp người nghiện giảm cảm giác thèm ma túy, giảm tần suất sử dụng các chất dạng thuốc phiện nên giảm các hành vi có nguy cơ lây nhiễm HIV, ổn định cuộc sống và có cơ hội tái hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Chương trình đã đáp ứng được nguyện vọng của người nghiện ma túy, gia đình và cộng đồng, làm giảm số người sử dụng ma túy. Kết quả tại 4 cơ sở điều trị cho thấy chỉ sau 3 tháng điều trị, số người sử dụng ma túy giảm xuống còn 13,6%, sau 6 tháng điều trị còn 10,6% và sau 9 tháng điều trị giảm còn 5,5% (tỷ lệ này căn cứ vào kết quả xét nghiệm nước tiểu dương tính với ma túy). Người nghiện từng bước giảm dần mức độ và tiến tới không lệ thuộc vào ma túy, hồi phục sức khỏe, thay đổi hành vi, lối sống, phục hồi nhân cách. Một số người bắt đầu có nguyện vọng tìm kiếm việc làm. Sử dụng Methadone giúp người nghiện ma túy không còn nỗi lo kiếm tiền bằng mọi giá khi lên cơn thèm thuốc do đó đã làm giảm tội phạm trong xã hội.

Tuy nhiên còn một số tồn tại trong thực hiện điều trị bằng Methadone như: Một số bệnh nhân ý thức kém, hành hung bác sĩ điều trị, cán bộ của cơ sở. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS tái hòa nhập cộng đồng vẫn khá nặng nề làm cho việc triển khai chương trình gặp nhiều khó khăn. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể vẫn còn hạn chế; cán bộ và nhân viên công tác tại các cơ sở điều trị Methadone phải làm việc tất cả các ngày trong tuần trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm, độc hại cao nhưng chưa có quy định cụ thể về chế độ, chính sách đãi ngộ thoả đáng. Điều trị Methadone là một quá trình lâu dài nên để đảm bảo thành công, cần có chế độ chính sách cho cán bộ làm việc tại cơ sở Methadone, cũng như xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy trình kỹ thuật để giúp việc triển khai điều trị Methadone được thuận lợi. Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở Methadone, tiến hành thí điểm xã hội hóa chương trình điều trị Methadone, vì mục tiêu góp phần giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh có liên quan trong nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện, thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 của tỉnh là sẽ mở rộng triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại 10 huyện, thành phố. Sau năm 2015, mỗi huyện, thành phố có tối thiểu một cơ sở điều trị Methadone./.

Thu Trang



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com