Giải pháp giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

07:07, 11/07/2013

Tỉnh ta là một trong 10 tỉnh, thành phố trong cả nước có tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh cao; năm 2011 là 121 trai/100 gái, năm 2012 là 120 trai/100 gái, 6 tháng đầu năm 2013 là 117 trai/100 gái. Mặc dù cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), nhưng thực tế tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh vẫn có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết là do tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, có con trai để nối dõi tông đường… vẫn còn nặng nề trong số đông người dân. Ba huyện ven biển (chiếm 36% dân số toàn tỉnh), nghề chính của người dân là nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản và làm muối nên cần có con trai để đi biển và gánh vác công việc nặng nhọc. Bên cạnh đó, sự bất bình đẳng giới vẫn còn diễn ra tại một bộ phận không nhỏ dân cư; một số gia đình vì không có con trai đã xảy ra nhiều mâu thuẫn dẫn đến bạo lực gia đình, phần lớn phụ nữ, trẻ em là nạn nhân. Chính sách “mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con” cùng với quan niệm ưa thích con trai cũng đã khiến người dân tìm mọi biện pháp lựa chọn giới tính thai nhi theo ý muốn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng MCBGTKS ngay ở lần sinh thứ nhất. Ngoài ra, chế độ an sinh xã hội đối với người già vẫn còn hạn chế. Hiện nay, số lượng người già của tỉnh ta sống ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ cao, phần lớn không có lương hưu, sống phụ thuộc vào con cái, tư tưởng “trẻ cậy cha, già cậy con”, “Con gái là con người ta” vẫn còn tồn tại nên nhiều người muốn có con trai để nương tựa lúc tuổi già. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng MCBGTKS là do sự lạm dụng kỹ thuật y học trong việc lựa chọn, chẩn đoán giới tính thai nhi…

Các cháu Trường Mầm non Yên Xá (Ý Yên) trong một trò chơi dân gian.
Các cháu Trường Mầm non Yên Xá (Ý Yên) trong một trò chơi dân gian.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện công tác dân số - KHHGĐ. UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá việc kiểm soát MCBGTKS; ngành Y tế xử lý nghiêm việc siêu âm xác định giới tính thai nhi và nạo phá thai vì lý do giới tính. Từ năm 2010, đề án can thiệp giảm thiểu MCBGTKS được triển khai tại 74 xã, phường của 5 huyện, thành phố trong tỉnh. Ngày 17-8-2011, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án can thiệp giảm thiểu MCBGTKS giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí trên 5,7 tỷ đồng từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - KHHGĐ và ngân sách địa phương. Theo lộ trình, đến năm 2015, Đề án sẽ được triển khai tại 186 xã, phường của 10 huyện, thành phố. Mục tiêu của Đề án là thực thi và hoàn thiện hệ thống pháp luật với các nội dung liên quan đến giới tính khi sinh; khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái, gia đình sinh con “một bề” là gái; tăng cường cung cấp thông tin giáo dục truyền thông về giới và MCBGTKS cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai, những người có uy tín trong cộng đồng nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên. Theo đó, đến cuối năm 2015, 80% đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và những người có uy tín ở các địa phương thực hiện Đề án nhận thức được hậu quả của MCBGTKS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 90% cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp thuộc địa bàn Đề án đưa vấn đề thực hiện MCBGTKS vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; có chính sách hỗ trợ thực hiện phù hợp với từng địa phương. 80% cán bộ, nhân viên thực hiện kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm, phá thai; 90% cán bộ dân số, y tế xã, CTV dân số, y tế thôn, đội; 80% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, 100% thai phụ đến khám thai được cung cấp thông tin, kiến thức về giới và giới tính khi sinh. 90% xã, phường triển khai đề án có tổ chức các hoạt động phổ biến pháp luật liên quan đến giới tính khi sinh. 90% cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, xét nghiệm, phá thai được cung cấp tài liệu quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, trong đó 80% cam kết không thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi. 90% cơ sở in ấn, kinh doanh ấn phẩm văn hóa được cung cấp tài liệu quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, 80% cam kết không sản xuất, kinh doanh và tuyên truyền các ấn phẩm lựa chọn giới tính thai nhi. Sở Y tế đã đề xuất với Trung ương hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí thực hiện Đề án can thiệp giảm thiểu MCBGTKS; phối hợp với Sở TT và TT rà soát các ấn phẩm báo chí, các tài liệu, các trang web… tuyên truyền về lựa chọn giới tính khi sinh, đề xuất biện pháp xử lý. Chi cục Dân số - KHHGĐ phối hợp với Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) và Phòng Báo chí, xuất bản (Sở TT và TT) tổ chức cho các đơn vị, phòng khám làm dịch vụ siêu âm, xét nghiệm và các cơ sở sản xuất, buôn bán sách báo, văn hóa phẩm ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh và các quy định liên quan khác. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của MCBGTKS như: tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, CLB… trong đó, tập trung vào các huyện ven biển, vùng nông thôn và đối tượng tiền hôn nhân.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần từng bước khống chế tốc độ gia tăng tình trạng MCBGTKS, tiến tới ổn định, cân bằng giới tính ở tỉnh ta./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com