"Người đem tin" mỗi sáng

08:06, 21/06/2013

“Báo Công an nhân dân hôm nay có bài… báo… có bài…” những tiếng rao báo “vắt vẻo” theo chân người bán báo dạo bắt đầu một ngày mới. Trong khi đó, tại một ngã tư, hoặc một vỉa hè nào khác của thành phố, những chiếc bàn cũ kỹ, những chiếc xe đẩy được các chị, các cô, các anh dùng để bày làm sạp báo. Khách đi qua vội vàng, tay chỉ vào sạp gọi mua một tờ báo rồi lại phóng xe đi tiếp. Nhịp mưu sinh một ngày của người bán báo bắt đầu…

Chân dung những “người đem tin” mỗi sáng

Làm nghề này như nuôi “con mọn”, tương đối nhàn hạ, thu nhập chỉ đủ phụ thêm tiền mua rau hằng ngày, thích ngày nắng, sợ những ngày mưa… là tâm sự chúng tôi được những “người đem tin” mỗi sáng kể cho nghe. Trong số họ, có những người mới chỉ theo nghề bán báo được khoảng 5 năm, nhưng cũng có những người gắn bó ngót phân nửa đời người. Và, sau mỗi quầy báo, không thiếu những niềm vui, nỗi buồn đọng lại. Tuy nhiên, trong số họ, ai cũng xác định đây là “nghiệp”, vui là chính, còn khỏe ngày nào, còn bán báo ngày đó.

Khu vực trước Bưu điện tỉnh, đường Trần Phú, đường Hà Huy Tập vốn được coi là “thủ phủ” của các sạp báo tại Thành phố Nam Định. Ở đây, hằng ngày tập trung khoảng 4-5 sạp báo. Có những sạp tương đối lớn, lại có những sạp, người mở tranh thủ bán buôn thêm khi kết hợp các công việc khác như bán hàng nước. Khu vực này, nghiễm nhiên được coi là nơi bán báo lâu đời nhất của thành phố, với những người làm nghề có thâm niên trên dưới 20 năm.

Ông Hoàng Kim Hùng bên sạp báo có tuổi đời 25 năm.
Ông Hoàng Kim Hùng bên sạp báo có tuổi đời 25 năm.

Ông Hoàng Kim Hùng, mở sạp báo đối diện Bưu điện tỉnh tính đến nay cũng đã được 25 năm. Hai mươi năm trước, ông chuyển sạp báo từ bên trái Bưu điện tỉnh sang ngồi phía đối diện. Công việc hằng ngày của ông bắt đầu từ 7h hoặc 7h30 phút buổi sáng và thường kết thúc vào khoảng 5h-6h chiều. Trong khoảng thời gian đó, ông dành hơn 1 giờ để nghỉ trưa. Ông Hùng có mặt 365/365 ngày cả năm ở sạp báo, bởi theo ông, “nghỉ một ngày là “chết” rồi. Vì có những tờ báo, tạp chí phải đặt trước cả tháng, nửa tháng, 1 tuần mới có. Hôm đó mình lại nghỉ, nghỉ cũng vẫn phải lấy báo, vẫn phải trả tiền. Không bán thì mình chịu thiệt. Các đại lý chỉ chiết khấu cho người bán 10%. Bán 10 tờ, tính ra mới lãi được 1 tờ báo. Nếu một ngày mình “ế” một tờ, không trả lại được 1 tờ báo cho đại lý, coi như mình làm không công”. Hiện, mỗi ngày ông lấy khoảng 100 tờ với khoảng 10 đầu báo, tạp chí về bán. Ông cho biết thêm: “Các loại báo mà người đọc hay mua bây giờ là An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu, báo Pháp luật, báo Bóng đá… Một số tạp chí cũng bán tương đối chạy như Hạnh phúc gia đình, Thế giới phụ nữ, Đẹp, Hoa học trò, Tiếp thị và Gia đình…”. 25 năm làm nghề bán báo, khách hàng của ông đa phần là khách “ruột”. Chỉ cần khách dừng xe trước sạp, ông đã biết ngay khách sẽ mua loại báo gì. Có thâm niên bán báo nên sạp của ông tương đối đông khách. Mỗi ngày ông bán được khoảng 100 tờ báo, tạp chí các loại. Trừ chi phí, ông thu được khoảng 50-70 nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, để bán được báo ngoại trừ việc phải siêng đi bán để giữ chân khách quen còn phải có đầu óc tính toán hết sức chặt chẽ nhằm đảm bảo báo không bị ế. Ông chia sẻ: “Lượng khách quen thuộc sẽ đảm bảo lượng báo họ mua mỗi ngày. Tuy nhiên, bán báo cũng cần quan tâm tính thời sự xã hội hoặc theo thời vụ. Ví dụ, báo Bóng đá thì phải xem đêm đó có trận cầu nào thu hút nhiều sự quan tâm của giới hâm mộ không? Hay như báo Hoa học trò, nếu ngày phát hành là ngày học sinh đi học thì lấy nhiều còn ngày nghỉ thì phải giảm xuống… Trong thời buổi khó khăn này phải chịu khó nghiên cứu thị hiếu, mối quan tâm của từng đối tượng bạn đọc mới mong có lãi. Nếu không biết điều chỉnh số lượng, báo lấy về rất dễ bị lâm vào tình trạng bán không hết, thâm hụt vốn. Nói chung, cũng như nhiều nghề buôn bán khác, chúng tôi cũng cần phải có đầu óc kinh doanh”, ông Hùng vui vẻ cho biết.

Tiếp chuyện chúng tôi, anh Nguyễn Hoàng Hải, ngồi sát sạp báo của ông Hùng tay vẫn thoăn thoắt ghim báo. Anh cho biết: “Từ khoảng 7h đến 9h sáng tôi bận liên tục. Khoảng thời gian đó cũng là lúc đông khách nhất. Tờ báo nào bán chạy thì tôi tranh thủ rọc rồi ghim trước cho khách lấy. Tờ nào bán chậm hơn thì ghim sau. Một ngày tôi bán cũng được khoảng 60-70 tờ báo, tạp chí. Tính cả tháng, thu nhập sau khi trừ chi phí đi còn ngót nghét 2 triệu đồng. Với số tiền đó, tôi xác định việc bán báo chỉ là nghề phụ”. Để duy trì cuộc sống gia đình, anh Hải làm thêm rất nhiều nghề khác. Buổi sáng anh tranh thủ mở sạp, buổi chiều thì trông xe đạp, xe máy, có khách gọi anh sẵn sàng chạy xe ôm…

Chị Nguyễn Thị Hường gắn bó với sạp báo trên đường Hàn Thuyên cũng đã được 15 năm. Trên sạp báo của chị hầu như có rất nhiều các đầu báo đang “hot” hiện nay như Pháp luật, An ninh thế giới, Bóng đá… Chị tâm sự, “tùy theo nhu cầu của người đọc để lấy báo. Mỗi ngày tôi lấy khoảng 100 tờ với trên 12 đầu báo các loại”. Có vị trí đẹp, ngồi gần đầu đường Hàn Thuyên lại ít phải cạnh tranh với các sạp báo khác nên sạp của chị hầu như đông khách. Khách hàng của chị đa phần là khách quen từ nhiều năm nay. Trừ chi phí, mỗi ngày chị lãi được 70 nghìn đồng.

Buồn, vui nghề bán báo

Chị Nguyễn Thị Hường, đường Hàn Thuyên luôn tay luôn chân với sạp báo.
Chị Nguyễn Thị Hường, đường Hàn Thuyên luôn tay luôn chân với sạp báo.

Khi có việc gì đó phải về quê, chị Hường phải nghỉ bán 1, 2 hôm. Cả năm xoay xở với sạp, công việc bán báo đối với chị như “con thơ”, chị Hường cũng muốn nghỉ ngơi. Nhưng nghỉ được 1 hôm đến hôm thứ 2 chị thấy “xốn xang” nhớ cái sạp báo của mình. Chị lại thức dậy sớm, lo đi lấy báo, bày biện sạp, sáng tối tất bật. Thu nhập chẳng được bao nhiêu nhưng chị coi, cái “lãi” lớn nhất của nghề là được đọc, được tiếp cận với nhiều thông tin. Cũng giống chị Hường, những người bán báo như ông Hùng, anh Hải xem nghề bán báo như một niềm vui. Anh Hải chia sẻ, 10 năm qua tôi quen không biết bao nhiêu là khách. Các mối quan hệ cũng vì thế mà mở rộng thêm. Vui nhất là biết được nhiều người, tiếp xúc được với nhiều thành phần trong xã hội. Khách hàng của anh, nhất là các cụ cao tuổi thường cầm tờ báo đọc ngay tại chỗ. Khi đọc, các cụ còn trao đổi thêm nhiều vấn đề mà xã hội đang quan tâm, qua đó giúp anh mở mang thêm kiến thức. Cái “được” của người bán báo là như vậy nhưng khi nhắc đến những khó khăn của nghề, hầu hết người được hỏi ai cũng lắc đầu. Người bán báo được hưởng chiết khấu thấp, chưa kể rủi ro trong nghề tương đối cao. Gặp hôm mưa to gió lớn, báo lấy về nhiều, không bán được, coi như cả ngày lỗ vốn. Một số đầu báo bán không hết có thể trả lại được, nhưng nhiều đầu báo không trả lại được. Lúc đó người bán chỉ có nước “hóa giá” báo thành “giấy vụn”… Theo anh Hải, hiện Thành phố Nam Định có khoảng 40 sạp báo lớn nhỏ, người bán báo lấy báo ở 3 đại lý lớn là đại lý của ông Triệu, anh Vinh và Bưu điện tỉnh. Thu nhập bình quân của người bán báo bây giờ trung bình từ 20-70 nghìn đồng/ngày. Với số tiền đó, hầu như không ai trong số họ xác định đó là nghề chính. Anh Hải cho biết thêm, nếu không làm thêm một số công việc khác, chúng tôi không thể “sống” được với nghề. Có chăng thì chỉ phụ với gia đình được tiền mua rau, các chi phí nhỏ hằng ngày.

Khoảng 3, 4 năm về trước được coi là thời kỳ “hoàng kim” của những người bán báo trong thành phố. Khi đó, thu nhập bình quân của họ vào khoảng 100-150 nghìn đồng/ngày. Hai năm trở lại đây, số lượng báo bán ra bị giảm ở hầu hết các đầu báo, năm sau luôn giảm hơn năm trước. Cũng không ít ngày sạp báo của người bán phải trả ngược báo ế lại cho nhà cung cấp. Nguyên nhân được những người bán phân tích là do hệ thống báo mạng phát triển nhanh và thông tin trên các tờ báo hầu hết đều giống nhau nên độc giả chỉ chọn mua một hoặc hai tờ thay vì mua vài ba tờ liền như trước kia. Lượng khách quen của các sạp báo hiện giảm nhiều nhất ở đối tượng người trẻ tuổi vì muốn biết thông tin gì họ đã đọc báo mạng. Số độc giả còn lại hiện giờ là các cụ hưu trí hoặc những người buôn bán kinh doanh, họ thường mua báo vào lúc sáng sớm hoặc khi đã tối muộn. Chính vì thế, để tránh cảnh báo “thiu”, các chủ sạp phải chịu khó mở cửa thật sớm và dọn về thật muộn mới mong bán được hết số báo đã lấy về trong ngày.

Sẽ còn nhiều “nỗi niềm” của những người bán báo khác trong thành phố mà chúng tôi chưa kịp gặp, chưa kịp ghi lại chân dung. Trong nhịp sống vội vã, hằng ngày các chủ sạp báo vẫn đều đặn mở hàng. Điều đáng quý, dù với nguồn thu nhập ít ỏi họ vẫn miệt mài trong hành trình mang thông tin đến với mọi người./.


Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com