Hiệu quả từ dự án rừng ngập mặn ở Giao Thủy

07:06, 13/06/2013

Huyện Giao Thủy là một trong ba huyện ven biển của tỉnh được triển khai dự án rừng ngập mặn (RNM) do Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Đan Mạch tài trợ từ năm 1997. Những năm qua, cùng với các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân trong huyện đã luôn quan tâm đến công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ RNM để giảm thiểu những tác hại do thiên tai gây ra. Đến nay, sau gần 16 năm triển khai, RNM đã phát huy vai trò trong công tác phòng ngừa thảm họa, cải thiện môi trường sinh thái, là “bức tường xanh” chắn sóng, góp phần bảo vệ hệ thống đê điều, chống xâm lấn của biển, đồng thời RNM cũng giúp cải thiện môi trường sinh thái và là nơi sinh sống, phát triển của nhiều loài hải sản, làm phong phú thêm nguồn động vật ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

RNM ở Giao Thủy góp phần nâng cao khả năng ứng phó và thích nghi với tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời RNM đã tạo sinh kế cho hàng nghìn người dân ở các xã ven biển của huyện.
RNM ở Giao Thủy góp phần nâng cao khả năng ứng phó và thích nghi với tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời RNM đã tạo sinh kế cho hàng nghìn người dân ở các xã ven biển của huyện.

Ban đầu, dự án được triển khai tại 8 xã, thị trấn ven biển gồm: Giao An, Bạch Long, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Phong, Giao Thiện, Giao Nhân và Thị trấn Quất Lâm với tổng diện tích hơn 4.000ha với các loại cây trồng như trang, đước và bần. Kết thúc dự án của Hội CTĐ Đan Mạch, huyện được Hội CTĐ Nhật Bản tiếp tục tài trợ trên cơ sở kế thừa từ dự án của Hội CTĐ Đan Mạch và được triển khai tại 4 xã: Giao Phong, Bạch Long, Giao Xuân và Giao An với diện tích 50ha. Để chăm sóc và bảo vệ RNM, Ban điều hành dự án đã thành lập các chốt bảo vệ rừng ở các xã, mỗi chốt có 6 thành viên và nhóm tình nguyện viên, đồng thời mở 8 lớp tập huấn cho hơn 1.000 hội viên và tình nguyện viên CTĐ địa phương về kỹ thuật trồng, quản lý, chăm sóc bảo vệ RNM. Để tăng cường tuyên truyền về RNM rộng rãi trong cộng đồng, Ban điều hành dự án còn phát 2.500 tờ rơi cho các gia đình, treo 50 áp-phích tại các điểm công cộng và trung tâm các xã ven biển… Ở một số xã như Giao An, Giao Xuân, Bạch Long được đầu tư các điều kiện phục vụ cho công tác bảo vệ rừng như nhà bảo vệ, thuyền máy, phao cứu sinh, hệ thống biển báo, đèn bão... Do làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và từ tác dụng thực tế của RNM, người dân các xã ven biển đã nâng cao nhận thức và có ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng. Diện tích RNM của huyện đều phát triển tốt, trong đó xã Giao An diện tích cây sống, phát triển tốt đạt 90%; các xã Giao Xuân, Bạch Long trên 80%, Thị trấn Quất Lâm, xã Giao Phong trên 60%... Đồng chí Lê Thị Mừng, Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Giao Thủy cho biết, RNM được trồng ở những vùng xung yếu vừa có tác dụng phòng ngừa thảm họa biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng hộ chắn sóng đê biển vừa mang lại giá trị kinh tế về nguồn lợi thuỷ sản. RNM đã tạo ra môi trường trú ngụ thuận lợi cho nhiều loài hải sản như: giun biển, ngao, vạng, mực, tôm, cá, hàu… mang lại nguồn thu đáng kể góp phần cải thiện đời sống kinh tế của nhân dân trong vùng. Người dân các xã ven biển của huyện đều được hưởng lợi từ đánh bắt thuỷ sản dưới tán rừng ngập mặn góp phần xoá được đói nghèo. Tại xã Giao An là một trong những xã triển khai thành công dự án RNM (với diện tích rừng lớn nhất tỉnh, trên 600ha), đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân như: thu, lượm, đánh bắt tôm, cua, sò, ngao, hàu… tăng thêm thu nhập; bảo vệ các khu đầm nuôi tôm, vạng, cua, hạn chế thiệt hại do bão gió, giúp người dân yên tâm nuôi trồng hải sản, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương... Từ RNM, nhiều hộ dân xã Giao An còn phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Tuấn Tài ở xóm 19 nuôi hàng chục đàn ong mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng; ông Trần Quang Kỳ ở xóm 10 mỗi năm thu từ 4 đến 5 tạ mật… Dự án RNM còn giúp nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ làm đăng, đánh lờ, chài lưới đánh bắt thủ công…Anh Nguyễn Văn Ân, ở xóm 11 cho biết, gia đình anh trước kia kinh tế chủ yếu dựa vào canh tác 5 sào lúa, thời gian rảnh rỗi đi làm thuê cho các chủ đầm khác, những năm gần đây hai vợ chồng anh đã không phải đi làm thuê nữa mà tự đánh bắt thủ công ở các khu RNM, nhờ đơm đó, đăng, bắt thủ công hai vợ chồng bình quân mỗi ngày cũng thu được từ 200-300 nghìn đồng, nhờ đó, kinh tế gia đình ngày một ổn định, có điều kiện lo cho con cái ăn học. Hay ông Vũ Đức Phương, một chủ đầm nuôi tôm, ngao với diện tích hơn 2ha ở xóm 12 cho biết, từ ngày có RNM, nhiều hộ dân đã quai đê làm đầm nuôi trồng hải sản, không còn sợ bị sóng biển đánh vỡ bờ đầm, nước biển không tràn vào được, duy trì được độ mặn ổn định, phục vụ canh tác của người dân.

Bên cạnh những thành công đã đạt được, công tác bảo vệ và phát triển RNM ở Giao Thủy vẫn còn gặp phải một số khó khăn do địa hình phức tạp, bị ảnh hưởng nhiều do thuỷ triều và thời tiết. Bên cạnh đó, công tác khảo sát, quy hoạch loài cây trồng RNM chưa sát hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, dẫn đến một số diện tích cây trồng không thể phát triển được thành rừng, thậm chí bị chết phải trồng đi trồng lại nhiều lần. Để khắc phục tình trạng này và tiếp tục mở rộng diện tích rừng, thời gian tới Hội CTĐ huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai xây dựng dự án phục hồi và phát triển RNM ven biển, đồng thời khảo sát thực địa kỹ hơn để trồng những loại cây phù hợp với điều kiện đất đai; phối hợp cùng với Sở NN và PTNT tổ chức trồng mở rộng RNM ven biển trên các bãi trống, đồng thời trồng bổ sung, nâng cấp một số diện tích RNM tự nhiên ven biển sẵn có, tạo thành mạng lưới vùng đệm RNM xanh tốt nhằm bảo vệ bền vững Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Mặt khác, tiếp tục nâng cao năng lực cán bộ quản lý dự án; động viên cán bộ, hội viên, các hộ trồng rừng tích cực chủ động trồng, bảo vệ rừng, đề xuất các phương thức khai thác nguồn lợi từ RNM với phương châm “Lấy rừng nuôi rừng”. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền về lợi ích của RNM trong các tầng lớp nhân dân, góp phần bảo tồn diện tích rừng ở
địa phương./.

Bài và ảnh: Văn Thứ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com