Đổi thay ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng

02:05, 30/05/2013

Nhìn trên bản đồ địa giới hành chính, xã Hải Toàn (Hải Hậu) giống hình số 1 thẳng đứng, nhân dân sống quần tụ tại 2 làng An Nhân và An Nghiệp. Theo sử sách, đầu thế kỷ thứ 19, vùng đất này còn là những bãi sú vẹt hoang hóa. Trải qua thời gian, người dân Hải Toàn đã chung sức, đồng lòng cải tạo vùng đất sình lầy thành một vùng quê trù phú, “bờ xôi ruộng mật”. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi đây đã trở thành một vùng căn cứ cách mạng. Chi bộ Đảng của xã được thành lập từ năm 1947 với 6 đảng viên là nòng cốt trong các phong trào đấu tranh cách mạng của quê hương. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ và ác liệt, toàn xã có 18 liệt sỹ, 5 thương binh, 62 người được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến. Đảng bộ, quân và dân Hải Toàn đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Đường liên xóm xã Hải Toàn được bê tông hoá, tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân.
Đường liên xóm xã Hải Toàn được bê tông hoá, tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân.

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, quân và dân trong xã đã đoàn kết, chung sức chung lòng đẩy nhanh sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Với lợi thế đồng đất rộng, màu mỡ, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã, nhân dân Hải Toàn tập trung thâm canh các giống lúa đặc sản cho giá trị kinh tế cao. Đến nay, trên đồng đất Hải Toàn, các giống lúa đặc sản luôn chiếm trên 90% trong đó có trên 55ha chuyên trồng lúa tám, 90,8ha vùng sản xuất lúa cao sản trên mô hình cánh đồng mẫu lớn. Bên cạnh đó, xã quy hoạch 71ha chuyên trồng cây vụ đông với những giống cây trồng có giá trị kinh tế cao như: dưa chuột bao tử, bí xanh, đậu tương và 8ha trồng cây cảnh, cây giống. Sau hơn 10 năm thực hiện đề án “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu mùa vụ” của UBND huyện, Hải Toàn đã trở thành điển hình về sản xuất cây vụ đông và lúa đặc sản, đưa giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác đạt trên 80 triệu đồng/năm. Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất hai vụ lúa, phong trào cải tạo vườn tạp, trồng cây cảnh, cây thế cũng được đẩy mạnh. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, xã mở thêm nghề đan bẹ chuối, móc hộp sợi xuất khẩu, trồng nấm… tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Sản xuất phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, xã đã xoá hết nhà tranh tre dột nát từ năm 2007. Năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo còn 7%, giảm 2,9% so với năm 2011, trên địa bàn xã không còn hộ khó khăn.

Xã Hải Toàn hôm nay đã có nhiều khởi sắc! Các công trình "điện, đường, trường, trạm" được đầu tư xây dựng khang trang, đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, những con đường ra đồng mới được đổ bê tông vẫn còn nguyên màu xi măng trắng. Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ xã khoá XXIII (nhiệm kỳ 2010-2015), xã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi trực tiếp phục vụ sản xuất theo quy hoạch. Đồng chí Trần Duy Nghiệp, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết, từ 2010 đến nay, xã đã khởi công xây dựng 5 cụm công trình lớn của xã gồm trụ sở UBND xã, trạm y tế xã, 2 trường mầm non, sửa chữa trường tiểu học xã và xây dựng bãi xử lý rác thải với tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng. Đối với khối công trình của các xóm, xã ưu tiên cho việc xây dựng nhà văn hoá xóm, sau đó đến xây dựng đường giao thông nội đồng. Đến nay, 12/12 xóm của xã đã có nhà văn hoá với mức đầu tư mỗi nhà văn hóa từ 200-250 triệu đồng; đã bê tông hoá 16,6/21km đường nội đồng, 12km đường nội làng, 100% đường dong ngõ xóm. Toàn bộ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng đều do ngân sách xã và nhân dân tự nguyện đóng góp. Cùng với các công trình của xã đầu tư, được sự quan tâm của Nhà nước, trong năm 2012, trên địa bàn xã đã có thêm 2 công trình lớn là Nhà máy nước Toàn An có tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng và kè sông Ngòi Cau 10 có tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng. Hai công trình này hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện bức tranh nông thôn mới trên quê hương Hải Toàn. Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, Đảng bộ xã còn thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Hằng năm, 100% chi bộ đều đạt danh hiệu chi bộ trong sạch, vững mạnh, chính quyền và các đoàn thể đều đạt danh hiệu tiên tiến. Đảng bộ xã trên 20 năm liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tặng Bằng khen trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Sự nghiệp y tế, giáo dục của Hải Toàn luôn đứng trong tốp đầu của huyện, trung bình mỗi năm toàn xã có trên 100 học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Toàn xã có 12/12 xóm, 4 cơ quan đạt danh hiệu làng văn hoá, cơ quan có nếp sống văn hoá, các hủ tục, TNXH được đẩy lùi. Tình hình an ninh, chính trị, TTATXH được giữ vững...

Với hướng đi đúng đắn, trong đó có bài học kinh nghiệm về xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; phát huy dân chủ, tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, xã Hải Toàn đã trở thành một điểm sáng của huyện Hải Hậu. Sự hoà quyện giữa “ý Đảng, lòng dân” đã tạo nên sức mạnh nội lực giúp Hải Toàn vượt qua mọi khó khăn cùng nhau chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Hoài Phương


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com