Nghĩa Phong sau 2 năm xây dựng nông thôn mới

07:07, 24/07/2012

Xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) có 8.149 khẩu với gần 2.300 hộ; địa bàn dân cư được chia thành 15 thôn đội sản xuất. Sau 2 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Nghĩa Phong đạt được một số kết quả bước đầu. Đồng chí Hà Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Quan điểm xây dựng NTM ở Nghĩa Phong là khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; tích cực tranh thủ các nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn, nhằm xây dựng Nghĩa Phong thành xã nông thôn mới vào năm 2015.

Thời gian đầu triển khai xây dựng NTM, xã đã tiến hành lập quy hoạch đồng ruộng, đồng thời tiến hành dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng để phục vụ mục tiêu sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Bên cạnh đó, xã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện 5 tiêu chí là: xây dựng thiết chế nhà văn hóa thôn; xây dựng kênh mương cứng; quy hoạch vùng vụ đông; làm đường trong khu dân cư; đường ra đồng phục vụ sản xuất. Đến tháng 4-2012, toàn xã đã xây 7 nhà văn hóa thôn, xây 5,3km kênh mương cứng (trong đó có 2km đáy cứng). Về công tác dồn điền đổi thửa, đến nay, các thôn đội trong xã đã giao ruộng cho các hộ dân với tổng số 2.561 hộ nhận ruộng, tổng diện tích 521,6ha, gồm 1.610 thửa chính, và 3.721 thửa phụ, bình quân 1,45 thửa/hộ. Đất công của xã được dồn tập trung vào các vùng lớn, trong đó, mỗi thôn đội có 1-2 vùng. Để đạt được các tiêu chí đề ra, xã đã đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong xây dựng NTM. Các tổ chức đoàn thể, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, mỗi đoàn thể nhận đảm nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên chủ trì, vận động hội viên và nhân dân tham gia xây dựng nhà văn hoá xóm, vận động nhân dân hiến đất, góp vốn xây dựng đường giao thông xóm và giao thông nội đồng; đẩy mạnh các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình, khu dân cư xóm, tập trung công tác hướng nghiệp, dạy nghề và việc làm cho thanh niên. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay. Tiêu biểu như thôn đội 5, khi được chọn là đơn vị điểm của xã triển khai xây dựng NTM, đã phát huy dân chủ thảo luận, quyết định các mức đóng góp phù hợp với khả năng, điều kiện của thôn đội, nhất là các hộ đảm nhận cải tạo nhà ở, ao, vườn, công trình vệ sinh, giải phóng mặt bằng đường thôn xóm. Trong quá trình xây dựng NTM, nhân dân đội 5 đã tự nguyện hiến 3.000m2 đất để mở rộng hành lang, đường dong xóm, xây dựng 1,5km kênh mương với kinh phí trên 400 triệu đồng; làm đường ra đồng dài 2.645m, rộng 5m; 4km đường giao thông khu dân cư; xây mới và đưa vào sử dụng nhà văn hóa với kinh phí trên 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhiều con em quê hương và các doanh nghiệp trên địa bàn đã tự nguyện đóng góp xây dựng các hạng mục công trình từ 20-30 triệu đồng. Hiệu quả trong xây dựng NTM ở đội 5 là bài học kinh nghiệm của xã Nghĩa Phong trong việc phát huy tính dân chủ và vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM của xã Nghĩa Phong giai đoạn 2011-2015, thì 2 nhóm công trình do nhân dân thực hiện và nhà nước hỗ trợ là hơn 41 tỷ đồng. Cụ thể là các nhóm công trình: Cải tạo, nâng cấp, làm mới đường bê tông trong khu dân cư của 15 thôn (hơn 16,6km); mở rộng các tuyến đường ra đồng (gần 40km); kiên cố hóa kênh mương cấp III; kiên cố hóa nhà ở dân cư... Để triển khai các nhóm công trình, 100% hộ dân ở Nghĩa Phong nhất trí, đồng thuận đóng góp kinh phí, ngày công, hoa màu, hiến đất với bình quân mức đóng góp toàn xã để xây dựng NTM là hơn 1,2 triệu đồng/khẩu. Trong năm 2012, xã Nghĩa Phong phấn đấu huy động các nguồn lực để triển khai xây dựng các hạng mục công trình với kinh phí là trên 6,6 tỷ đồng, trong đó, nhân dân tự nguyện đóng góp với số tiền hơn 3,3 tỷ đồng.

Phát huy những thành quả bước đầu, để đạt mục tiêu xã NTM vào năm 2015, xã Nghĩa Phong phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm; giá trị thu nhập trên 1ha đạt 113 triệu/ha; tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 10%; 100% số dân sử dụng điện sinh hoạt, sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 50%. Xã đã đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả là thúc đẩy sản xuất phát triển, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển CN-TTCN, dịch vụ; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vững an ninh, trật tự, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, y tế, trường học, chợ, nhà văn hoá, khu thể thao, thông tin liên lạc, nhà ở... theo hướng hiện đại, khang trang đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân./.

Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com