Hội Nông dân Vụ Bản đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

08:06, 12/06/2012

Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi ở huyện Vụ Bản tiếp tục phát triển sâu rộng. Các cấp HND trong huyện đã tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Hằng năm, các cấp HND trong huyện phối hợp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề cho hàng chục nghìn lượt hội viên, nông dân. Các cấp hội đã phối hợp với trạm khuyến nông, trạm BVTV huyện tổ chức 15 lớp tập huấn chuyển giao KHKT về quy trình kỹ thuật thâm canh lúa, màu vụ xuân, quy trình kỹ thuật gieo sạ với 780 người tham gia; phối hợp với Cty TNHH Thương mại VIC tổ chức chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lợn, sử dụng thuốc thú y và thức ăn gia súc Con Heo Vàng tại xã Đại Thắng cho 90 người; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội nghị chuyển giao kỹ thuật nuôi cá nước ngọt tại xã Tam Thanh cho 70 chủ trang trại và hộ chăn nuôi tham gia. Phối hợp với Viện Sinh học nhiệt đới (Bộ NN và PTNT) tổ chức 4 hội nghị tập huấn chuyển giao KHKT sử dụng hợp chất sinh học ET chăm sóc lúa vụ xuân năm 2011 tại 3 xã Thành Lợi, Quang Trung, Hợp Hưng và Thị trấn Gôi cho 600 hội viên. HND huyện còn phối hợp với Cty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao tổ chức hội nghị tập huấn kỹ thuật chăm sóc lúa và sử dụng phân bón NPK Lâm Thao tại xã Liên Minh và Thị trấn Gôi cho 160 hội viên. Việc tổ chức tập huấn, phổ biến nâng cao kiến thức, áp dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần tạo ra phong trào thi đua SXKD giỏi trong nông dân. Đến nay toàn huyện đã có 113 trang trại. Chủ các gia trại, trang trại chủ động liên kết hợp tác trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo các tổ chức nghề nghiệp. Toàn huyện hiện có 23 CLB; trong đó có 4 CLB chăn nuôi, 2 CLB cây cảnh, 5 CLB kinh tế trang trại, 2 CLB nông dân với pháp luật. Xã Hiển Khánh đã thành lập Hiệp hội trang trại gồm 11 thành viên, góp vốn gần 35 triệu đồng. HND xã Tân Khánh thành lập CLB những người sản xuất theo mô hình trang trại với 25 thành viên, góp vốn 40 triệu đồng để hỗ trợ nhau. Trong quá trình thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch vùng chuyển đổi sản xuất, các cấp HND trong huyện đã vận động hội viên phát huy nội lực, tìm tòi, sáng tạo để phát triển kinh tế. Từ đó, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất và đã hình thành các trang trại tổng hợp. Tiêu biểu như ông Trần Văn Thảo, thôn Làng Mới (xã Đại Thắng) đã chuyển đổi diện tích thùng đào ven đê và đất vườn thành khu vườn cây cảnh diện tích 2.700m2, thu nhập đạt 300 đến 400 triệu đồng/năm; anh Trần Quốc Trưởng, xã Liên Bảo trồng cây cảnh thu nhập 150-200 triệu đồng/năm.

Trang trại nuôi thủy sản của ông Ngô Văn Xanh, xóm Bàn Kết, xã Tân Khánh (Vụ Bản), doanh thu 800 triệu đồng/năm.
Trang trại nuôi thủy sản của ông Ngô Văn Xanh, xóm Bàn Kết, xã Tân Khánh (Vụ Bản), doanh thu 800 triệu đồng/năm.

Cùng với việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, các cấp hội còn hỗ trợ hội viên phát triển ngành nghề theo phương thức kết hợp giữa sản xuất tập trung với phân tán tại gia đình; trong đó các cơ sở sản xuất đóng vai trò hạt nhân cung ứng vật tư, hướng dẫn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Các ngành nghề tiểu thủ công mỹ nghệ được duy trì và phát triển, thu hút nhiều lao động trong lúc nông nhàn như: đan cót, sơn chắp ở xã Liên Minh, Vĩnh Hào, Cộng Hòa; dệt may ở Thành Lợi, Cộng Hòa, Minh Thuận; rèn ở Quang Trung…; nghề may tại các xã Hiển Khánh và Tân Khánh đã thu hút trên 150 lao động có thu nhập bình quân gần 2 triệu đồng/người/tháng.

Tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, thời gian tới, HND Vụ Bản tích cực vận động nông dân thực hiện “dồn điền đổi thửa” tạo thuận lợi cho sản xuất, cơ giới hóa và chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất... Tập trung xây dựng các mô hình kinh tế hộ, kinh tế gia trại, trang trại điểm, phù hợp với từng cơ sở từ đó rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng. Tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn dịch vụ hỗ trợ vì lợi ích và thu nhập của nông dân để tạo sự gắn bó giữa nông dân với tổ chức Hội. Thông qua các hợp đồng kinh tế, hợp đồng trách nhiệm tín chấp để tạo vốn, giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, HND các cấp chủ động phối hợp với các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức hướng dẫn tập huấn, tiếp thu những tiến bộ mới, những kinh nghiệm về nuôi trồng cây con có giá trị kinh tế cao tới hộ nông dân để giúp nông dân nâng cao kiến thức áp dụng vào thực tế; vận động và khuyến khích nông dân phát triển ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập. Tăng cường phối hợp liên kết hợp tác xây dựng các loại hình kinh tế hợp tác thông qua tổ chức hội nghề nghiệp, CLB, đồng thời vận động nông dân tích cực tham gia đổi mới kinh tế HTX theo Luật HTX nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, góp phần hỗ trợ kinh tế hộ phát triển./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com