Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề

07:05, 24/05/2012

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 37 cơ sở dạy nghề với trên 2.000 cán bộ, giáo viên và nhân viên, trong đó có 1.466 giáo viên. Đối với 26 cơ sở dạy nghề do tỉnh quản lý, giáo viên có trình độ cao đẳng và đại học chiếm 61%, trình độ sư phạm dạy nghề đạt chuẩn có 71%. Giáo viên có trình độ tin học (bằng B) và ngoại ngữ (bằng B) 40-57%. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh chóng các đơn vị, cơ sở dạy nghề trong một thời gian ngắn đã dẫn đến thiếu nguồn giáo viên đạt yêu cầu. Nhiều trường, cơ sở dạy nghề do địa phương quản lý, nguồn kinh phí chủ yếu dựa vào ngân sách và các chương trình dự án nên không đủ năng lực tài chính để thu hút giáo viên giỏi hay đầu tư cho giáo viên được học tập nâng cao tay nghề.

Hướng dẫn học sinh thực hành ở Trường Cao đẳng nghề Nam Định.
Hướng dẫn học sinh thực hành ở Trường Cao đẳng nghề Nam Định.

Tại hội nghị bàn giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề do UBND tỉnh tổ chức đầu năm nay, các ý kiến của các trường, cơ sở dạy nghề đều khẳng định năng lực giáo viên quyết định chất lượng dạy nghề. Các trường muốn nâng cao chất lượng đào tạo nghề, khẳng định thương hiệu thì phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề. Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Ngọc Hân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Nam Định cho rằng: Đối tượng và mục tiêu của dạy nghề là đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề nên cần thiết phải có đội ngũ giáo viên lành nghề để truyền dạy cho học sinh. Theo yêu cầu này, những năm qua các trường đã chú trọng áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng giáo viên. Các trường, cơ sở dạy nghề đã động viên cán bộ, giáo viên tích cực tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước để nâng cao trình độ. Đối với các giáo viên có nguyện vọng đi tu nghiệp ở nước ngoài, nhất là nâng cao tay nghề thực hành, nhiều trường thực hiện cơ chế hỗ trợ kinh phí “50-50” (nhà trường và giáo viên cùng gánh chịu chi phí). Phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” này đã phát huy hiệu quả rõ nét.

Nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề là nhu cầu cấp thiết của các trường, cơ sở dạy nghề. Trước hết lãnh đạo các nhà trường và đội ngũ giáo viên dạy nghề phải nâng cao nhận thức về yêu cầu này để có giải pháp thiết thực. Ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, đội ngũ giáo viên các trường nghề phải tăng cường việc tự học tập trau dồi kiến thức, rèn luyện nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo được sự tin cậy của các học viên. Đây chính là chìa khóa để cho hoạt động dạy nghề phát triển bền vững. Việc các trường, cơ sở dạy nghề cần nhận thức rõ và có giải pháp khắc phục một trong những hạn chế của nhiều trường dạy nghề hiện nay là chương trình đào tạo thiếu hấp dẫn, chưa tương thích với yêu cầu làm việc thực tế trong doanh nghiệp. Các trường cần đổi mới chương trình đào tạo, gắn với năng lực thực tế, kỹ năng nghề. Những giáo viên dạy nghề cũng cần tăng cường thời gian đi thực tế ở các doanh nghiệp để tiếp cận được các kỹ năng, công nghệ sản xuất mới. Ngoài ra, cần tăng cường các yếu tố giám sát chất lượng như kiểm định chất lượng theo phương pháp kiểm định tiên tiến trên thế giới để đánh giá năng lực của các cơ sở đào tạo; tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho người học nghề và người tham gia thị trường lao động...

Bộ tiêu chuẩn cho giáo viên dạy nghề mới đây đã được ban hành. Giáo viên, giảng viên dạy nghề sẽ được đánh giá theo chuẩn cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực nghề nghiệp. Về năng lực chuyên môn, giáo viên sơ cấp nghề tối thiểu phải tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Giáo viên trung cấp và cao đẳng nghề phải tốt nghiệp đại học hoặc đại học sư phạm kỹ thuật trở lên, chuyên ngành phù hợp với nghề giảng dạy. Giáo viên cao đẳng nghề phải có trình độ tin học, ngoại ngữ cao hơn so với giáo viên trung cấp nghề. Hiện nay, cả nước có 107 nghề cấp độ quốc gia, 26 nghề cấp độ quốc tế và 49 nghề cấp độ khu vực. Về chương trình 107 nghề quốc gia, Tổng cục Dạy nghề đang hoàn thiện 35 bộ chuẩn. Các trường, cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh cần bám sát các chương trình này để có định hướng đào tạo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề. Các trường cũng cần rà soát lại các ngành nghề đào tạo của trường, xác định các nghề trọng tâm thế mạnh để tập trung đầu tư thích đáng cho đội ngũ giáo viên các ngành nghề đó. Đặc biệt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 chủ yếu theo phương pháp cầm tay chỉ việc nên các đơn vị đào tạo cần xây dựng đội ngũ giáo viên thực hành có kỹ năng tay nghề tốt./.

Bài và ảnh: Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com