Ký ức đẹp của người lái xe phục vụ Bác Hồ

08:05, 17/05/2012

“Tôi may mắn được là người lái xe phục vụ Bác Hồ từ năm 1961 đến 1969. Đã hơn 40 năm trôi qua nhưng những ngày tháng sống bên Bác vẫn luôn trong tâm trí tôi, tưởng chừng như chỉ mới ngày hôm qua…”. Đó là những tâm sự của ông Nguyễn Văn Mùi về những kỷ niệm của mình trong những năm lái xe cho Bác Hồ.

Ông Nguyễn Văn Mùi.
Ông Nguyễn Văn Mùi.

Ông Nguyễn Văn Mùi, sinh năm 1931, trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Bắc Cầu, xã Xuân Hùng (Xuân Trường). Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia cách mạng và làm ở xưởng đúc tiền Chính phủ. Đến năm 1951, ông được phân công vào Ban 12, có nhiệm vụ chuyên chở hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược cho tiền tuyến. Trong thời gian đó, ông luôn cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành một lái xe vững vàng về chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời chiến. Hòa bình lập lại (1954), ông được phân công vào đội lái xe phục vụ Bác Hồ. Ông Mùi nhớ lại: “Ban đầu tôi mới chỉ là người lái xe chở các chiến sĩ bảo vệ Bác. Tôi đặt ra cho mình mục tiêu là phải cố gắng làm việc hết sức để góp phần bảo vệ Bác". Nhớ lại thời khắc ấy, ông Mùi không giấu nổi cảm xúc: “Được lái xe phục vụ Bác Hồ, đó là niềm hạnh phúc, nhưng tôi cũng rất lo vì trách nhiệm rất nặng nề khi phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Bác mỗi khi đi trên đường. Đồng chí Kháng (người cận vệ riêng của Bác) đã nói với tôi: Lái xe cho Bác phải nhanh trí, bình tĩnh, kịp thời xử lý chính xác mọi tình huống, không kể sự nguy hiểm tới tính mạng của mình để đảm bảo an toàn cho Bác”.

Trong suốt quãng thời gian lái xe phục vụ Bác, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trách nhiệm được giao, để lại trong ông những kỷ niệm sâu sắc về Người. Ông kể: Bên cạnh Bác, mọi người đều thấy thoải mái, mọi khoảng cách đều bị xóa tan bởi sự hài hước và dí dỏm của Người. Mỗi khi đi công tác, hay tìm hiểu đời sống nhân dân, Bác thường trò chuyện và hỏi mọi người những chuyện xảy ra trên đường. Có lần đang đi trên đường, dù đường thoáng nhưng tôi vẫn cho xe chạy chậm để đảm bảo an toàn cho Bác. Bỗng lúc ấy có chiếc xe ô tô khác vượt lên trước, Bác hỏi: “Xe mình và xe họ, xe nào tốt hơn?”. Lúc ấy tôi lúng túng không biết trả lời sao thì đồng chí Kháng đỡ lời: “Xe mình cũng tốt như xe họ, nhưng để đảm bảo an toàn cho Bác nên đồng chí Mùi giữ tốc độ như thế này là tốt nhất”. Lúc ấy Bác cười, nói: “Hóa ra xe chạy nhanh hay chậm là có chú Kháng cầm trịch chứ gì, vậy thì lần sau không cho chú Kháng đi nữa”. Câu nói hài hước khiến đồng chí Kháng bẽn lẽn đỏ mặt, còn mọi người thì cười vui vẻ.

Là một vị lãnh tụ, được nhân dân tôn kính nhưng trong cuộc sống hằng ngày, Bác là người rất giản dị và gần gũi với tất cả mọi người. Vì vậy, ông Mùi cũng như nhiều anh em khác không ai bảo ai, đều tự nhủ phải học tập Bác trong công việc và cuộc sống hằng ngày. Với ông Mùi thì kỷ niệm sâu đậm nhất trong quá trình lái xe cho Bác chính là món quà bất ngờ của Bác tặng trong ngày cưới. Ông vẫn nhớ như in, vào năm 1957, khi ông lập gia đình, Bác Hồ đã gửi chúc mừng vợ chồng ông 20 đồng. Ông kể “Cả gia đình tôi đều khóc vì cảm động, nhất là bố mẹ tôi. Mọi người đều động viên tôi phải cố gắng công tác thật tốt để xứng đáng với tình thương yêu của Bác dành cho”. Trong cuộc sống hằng ngày, Bác đều hỏi thăm chuyện gia đình, vợ con và bố mẹ của các đồng chí phục vụ. Đồng chí nào có việc gia đình, Bác đều quan tâm, hỏi thăm, động viên và chỉ bảo nên làm gì cho phải… 

Sau khi Bác Hồ mất, theo yêu cầu của tổ chức, ông Mùi lại tiếp tục lái xe cho Bác Tôn. Thời gian lái xe cho Bác Tôn, ông Mùi được quản lý hai chiếc xe, một chiếc Von-ga và một Com-măng-ca. Thế nhưng, cũng như Bác Hồ, chỉ khi nào tiếp khách quan trọng Bác Tôn mới sử dụng xe Von-ga, còn bình thường Bác chỉ dùng xe Com-măng-ca cho dân dã. Ông kể: Bác Tôn thường hay thể dục buổi sáng và môn thể dục Bác ưa chuộng nhất là đạp xe. Thế nhưng để giữ an toàn cho Bác nên sáng nào cũng vậy mỗi khi Bác đạp xe là lại có hai, ba cảnh vệ đạp xe cùng để bảo vệ Bác. Vì là người giản dị không thích làm phiền người khác nên có lần Bác Tôn đã bảo với anh em: Bác già rồi, các chú cứ mặc kệ Bác. Bác không làm sao đâu, các chú cứ ngủ nghỉ cho khỏe, dậy sớm làm gì (Bác Tôn thường dậy và đạp xe tập thể dục vào lúc 5h sáng). Và nhiều lúc, để đỡ phiền phức cho anh em nên có hôm Bác Tôn đã một mình đạp xe ra cổng làm anh em cảnh vệ “trở tay” không kịp…

Trong ngôi nhà ở đường Phương Mai, quận Đống Đa (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Mùi đang sống vui vẻ, quây quần bên cháu con. Điều lắng đọng sau những năm tháng được gần gũi Bác Hồ đó là những đức tính cao đẹp ông đã học được từ vị Chủ tịch nước đáng kính. Ông coi đây là tài sản vô giá của cuộc đời ông, nó thiêng liêng và không gì có thể sánh được. Ông vẫn đang dành thời gian còn lại của mình để truyền dạy cho cháu con đức tính giản dị, khiêm tốn, biết sống thân thiết với mọi người và cũng là để con cháu tự hào vì có một người cha, người ông đã có những năm tháng được sống và làm việc bên cạnh một con người vĩ đại - Hồ Chí Minh./.

Bài và ảnh: Văn Thứ

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com