“Có phúc đẻ con biết lội…”

08:05, 17/05/2012

Đuối nước được xác định là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em nước ta. Theo báo cáo của ngành Y tế, trung bình mỗi ngày có hàng chục trẻ em bị đuối nước và tình trạng này xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Đuối nước ở nước ta cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do sự chủ quan của phụ huynh khi để con trẻ tự do vui chơi mà không giám sát, quản lý. Cùng với đó là môi trường không bảo đảm an toàn hầu như có ở khắp nơi, từ sông, suối, ao hồ đến các bãi ngập tại các công trình xây dựng… Ngoài ra, còn nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng đuối nước là trẻ không biết bơi và thiếu kiến thức để nhận biết về mức độ an toàn khi tiếp xúc với môi trường nước, lại càng thiếu hiểu biết về cách ứng phó khi có tai nạn xảy ra.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Mùa hè đã về, tuy chưa đến kỳ nghỉ hè, nhưng ngay những ngày đầu mùa nắng này đã xảy ra hàng chục vụ đuối nước thương tâm. Có vụ chết do tắm sông, có vụ đi bắt cua, bắt ốc, sảy chân xuống chỗ sâu, có vụ chết ngay ở vũng nước trên công trường đang thi công… Tai nạn này sẽ còn xảy ra nhiều khi các em được nghỉ học, nếu sự cảnh báo trên đây không được các bậc phụ huynh và toàn xã hội quan tâm.

Nguyên nhân đã được xác định, việc cần làm ngay để giảm thiểu tai nạn đuối nước thương tâm trong dịp hè này là tăng cường công tác quản lý con em của các gia đình và sự quan tâm chăm lo của toàn xã hội. Ngoài việc các gia đình giám sát, quản lý thời gian rảnh rỗi của con trẻ, thì các đoàn thể ở địa phương, nhất là tổ chức Đoàn Thanh niên cần tổ chức các hình thức sinh hoạt hè phong phú ngay tại từng thôn xóm, từng khối phố… để thu hút các em tham gia hoạt động hè bổ ích. Nơi có điều kiện, nên tổ chức các lớp học bơi cho trẻ em trong dịp hè này.

Về lâu dài, cần sớm đưa vào chương trình giáo dục các cấp môn bơi lội cho học sinh. Tất nhiên, về điều kiện cơ sở vật chất hiện nay hầu hết các nhà trường chưa đủ khả năng đưa vào chương trình chính khóa môn học này. Song, không hẳn là không có biện pháp khắc phục. Nếu như có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội, hoàn toàn có thể đưa môn học này vào các chương trình ngoại khóa. Phải đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy bơi cho trẻ trong các độ tuổi, việc này đòi hỏi có sự chung tay, chung sức của toàn xã hội.

Cả xã hội đã nhận ra nguy cơ đuối nước ở trẻ em, đã có thông điệp từ Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB và XH) về chương trình phòng, chống đuối nước với 6 hành động cụ thể. Tuy nhiên, làm thế nào, cách triển khai ra sao, tổ chức nào chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai chương trình này, thì chưa thấy giải pháp cụ thể. 3.500 trẻ em đuối nước trong vòng 5 năm (2005-2010) là con số đau lòng, là lời nhắc nhở xã hội ta phải quan tâm hơn nữa về vấn đề này. Chúng ta thường nói với nhau, dành những gì tốt đẹp nhất cho con trẻ. Trước khi dành những gì tốt đẹp, cần phải bảo đảm sự sống của con em chúng ta./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com