Đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm giúp người khuyết tật hoà nhập cộng đồng

06:04, 17/04/2012

Cách đây vài năm, đôi mắt của anh Bùi Xuân Linh (33 tuổi) ở Thành phố Nam Định từ chỗ đôi khi nhìn không rõ đã vĩnh viễn không nhìn thấy gì nữa. Phải mất gần 1 năm anh mới bình tâm trở lại trước “bước ngoặt” đau đớn của số phận. Anh trăn trở ngày đêm với suy nghĩ làm gì để nuôi sống bản thân và không trở thành gánh nặng cho gia đình? Đúng lúc đó, anh Linh được Hội Người mù Thành phố Nam Định đến thăm hỏi, động viên và gợi ý cho đi học xoa bóp bấm huyệt. Có lẽ số phận cũng “bù trừ” cho thiệt thòi của anh, cộng với quyết tâm không chịu đầu hàng số phận nên dù lĩnh vực hoàn toàn mới, nhưng anh học nghề rất nhanh. Đến nay, tay nghề của anh đã được nhiều khách hàng tín nhiệm. Anh có mức thu nhập ổn định khoảng 2 triệu đồng/tháng. Không chỉ có việc làm, anh Linh còn tìm được hạnh phúc lứa đôi với người vợ hiền làm thợ may, mắt sáng, đã sinh cho anh một cậu con trai kháu khỉnh.

Học sinh lớp mộc dân dụng ở Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh.
Học sinh lớp mộc dân dụng ở Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh.

Ngoài một số nghề như chẻ tăm tre, sản xuất hàng thủ công tiền công lao động thấp, từ khi được ngành Y tế giúp đỡ, Hội Người mù Thành phố Nam Định đã đưa nghề xoa bóp, bấm huyệt vào dạy cho hội viên, giúp nhiều người có việc làm với thu nhập ổn định. Tuy nhiên, nghề này đòi hỏi người làm phải có sức khỏe tốt và sự khéo léo. Mặt khác, nghề này thường chỉ đông khách vào mùa hè, mùa đông, khách hàng không đều nên thu nhập của hội viên vẫn còn khó khăn. Những năm qua, Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh luôn chú trọng việc đào tạo nghề cho học sinh nhằm giúp các em có việc làm, thu nhập bền vững, có thể tự tin hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, do đối tượng học viên ở đây có nhiều dạng tật, đối với các em bị câm điếc, việc đào tạo nghề còn thuận lợi; các trường hợp chậm phát triển trí tuệ, đao nhẹ, do điều kiện trang thiết bị phục vụ cho công tác phục hồi chức năng còn hạn chế, nên việc dạy nghề cũng khó đạt kết quả như mong muốn. Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có trên 37.700 người khuyết tật, trong đó có 13.278 người được hưởng trợ cấp xã hội, gồm những người không có khả năng lao động hay không có khả năng tự phục vụ bản thân. Như vậy vẫn còn một số lượng khá lớn người khuyết tật còn khả năng lao động, đặt ra nhiệm vụ cho công tác đào tạo nghề, tạo việc làm để họ có cơ hội, điều kiện nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Toàn tỉnh hiện có một trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật và một trường trẻ em khuyết tật ở huyện Giao Thủy có nhiệm vụ dạy nghề cho các em sau khi dạy các em học hết bậc tiểu học. Ngoài ra, ở các trung tâm dạy nghề của các địa phương, các tổ chức hội, nhóm của người khuyết tật như Hội Người mù tỉnh và Thành phố Nam Định, Hội Người khuyết tật tỉnh, các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… đã có nhiều nỗ lực tham gia cùng chính quyền các cấp làm công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn khách quan về tính chuyên nghiệp, nguồn lực về giáo viên, thiết bị, kinh phí nên hiệu quả còn hạn chế. Mỗi năm chỉ có trên dưới 100 người khuyết tật được đào tạo nghề qua các kênh này. Thêm nữa, vấn đề việc làm cho người khuyết tật sau đào tạo cũng còn vướng mắc. Ngoài các trường hợp khuyết tật nhẹ, hoặc các gia đình có điều kiện kinh tế có thể giúp các em tự tổ chức sản xuất tại nhà bằng nghề các em đã học, việc đến làm tại các doanh nghiệp còn nhiều rào cản vì nhiều lý do như doanh nghiệp không thể bố trí nơi sản xuất riêng, bất đồng giao tiếp… Một số chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp tuyển người khuyết tật vào làm việc tuy đã được luật quy định nhưng trong khi thực hiện hoặc chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện, hoặc nếu có thì thủ tục quá rườm rà khiến doanh nghiệp “nản lòng”. Mặt khác, hiện tượng phân biệt đối xử, tâm lý thiếu cảm thông với người khuyết tật trong xã hội vẫn còn khiến nhiều người khuyết tật và gia đình họ còn tự ti, mặc cảm, gây trở ngại cho quá trình hòa nhập cộng đồng. Mặc dù rất khao khát tìm việc làm để tự vươn lên song nhiều người khuyết tật vẫn trong tình trạng “cái khó bó cái khôn”. Người khuyết tật đang rất cần những chương trình, hành động cụ thể, tích cực của toàn xã hội để giúp họ được sống và làm việc bình thường theo khả năng của bản thân./.

Bài và ảnh: Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com