Trẻ em và áp lực học hành

08:04, 19/04/2012

Do tác động nhiều chiều của xã hội cộng thêm sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ nên hiện nay trẻ em đang phải chịu áp lực từ việc học hành, nhiều em có tâm lý mệt mỏi, nặng nề với việc học tập, thậm chí có em còn sợ phải đi học.

Rèn chữ cho học sinh lớp 1 ở Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (TP Nam Định).
Rèn chữ cho học sinh lớp 1 ở Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (TP Nam Định).

Nhìn vào thời khóa biểu của em Nguyễn Thu Thủy, học lớp 5 ở Thành phố Nam Định có thể thấy em đã phải học nhiều thế nào. Buổi sáng học 4 tiết, buổi chiều học các môn nâng cao, tự chọn tại trường; từ 17h30 đến 19h30 học thêm ở nhà cô giáo. Về nhà vừa tranh thủ tắm rửa, ăn cơm, em lại phải ngồi vào bàn làm hết các bài tập cô giao và chuẩn bị sách vở cho ngày học tiếp theo. Thuỷ còn luôn được bố mẹ nhắc nhở: “Chuẩn bị vào lớp 6 rồi đấy, phải cố gắng có kết quả học tập tốt để thi vào trường Trần Đăng Ninh”… Sự kỳ vọng của bố mẹ đối với con cái là điều dễ hiểu nhưng nếu vượt quá khả năng của trẻ sẽ tạo ra áp lực, gây căng thẳng cho trẻ, có thể dẫn tới trẻ bị stress. Các em luôn lo lắng, nếu không làm được điều bố mẹ mong muốn sẽ bị mắng, chì chiết, nhất là trong các kỳ thi học sinh giỏi, thi chuyển cấp lên THCS, THPT và đại học. Tình trạng lo lắng thường xuyên sẽ khiến trẻ mất dần tự tin là mình không có khả năng học tập tốt. Nhiều em còn cảm thấy ghen tỵ hoặc xấu hổ với các bạn học giỏi hơn mình… Hơn nữa, sau một năm học tập miệt mài, căng thẳng, trẻ thường háo hức mong chờ đến kỳ nghỉ hè để được nghỉ ngơi, vui chơi thỏa thích. Thế nhưng, không chỉ ở thành phố, thị trấn mà ngay cả ở các vùng nông thôn, nhiều em vẫn phải đi “học hè” tại những lớp được mở nhỏ lẻ của các thầy, cô giáo theo yêu cầu của bố mẹ hoặc qua sự gợi ý của thầy cô. Việc học thêm trong hè được tổ chức cho mọi đối tượng học sinh, ở mọi khối lớp. Mặc dù cường độ học tập trong hè của các em ít hơn nhưng do vừa trải qua một năm học căng thẳng nên hầu như các em đều không cảm thấy thoải mái, chủ động trong việc học. Nhưng, do tâm lý của cha mẹ, sợ trong quãng thời gian nghỉ hè nếu lơ là với việc ôn tập lại kiến thức cho các em, đến khi vào năm học mới các em sẽ quên và khó vào “nếp”. Vả lại, nhiều bậc phụ huynh dù cũng muốn con được thoải mái vui chơi trong dịp hè nhưng thấy các gia đình khác cho con đi học thêm, học trước chương trình nên cũng không yên tâm để con ở nhà. Đặc biệt, với các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, việc cho con học trước chương trình đã gây ra nhiều vấn đề cho các nhà quản lý giáo dục và dư luận xã hội, bởi không chỉ gây áp lực cho trẻ mà còn phản khoa học, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Thực tế cho thấy, những học sinh học trước chương trình khi vào học chính thức thường ít bỡ ngỡ, rụt rè và ít vất vả hơn trong việc học. Tuy nhiên điều này không kéo dài lâu, bởi các em khác thường tập trung và hào hứng với bài giảng, trong khi những trẻ đã biết trước thường không chú ý, không hứng thú và hăng hái học. Thậm chí có những trẻ thấy mọi thứ đối với mình đều đơn giản nên không nỗ lực, cố gắng, chủ quan ngay từ khi ở lớp học đầu đời. Ngoài ra, trẻ đi học trước chương trình nếu không được dạy một cách bài bản, rất dễ mắc những lỗi về tư thế ngồi, cầm bút sai. Từ đó, trẻ dễ bị vẹo lưng, cận thị và dễ bị mỏi tay, điều này ảnh hưởng nhiều khi học lên các lớp trên.

Cùng với áp lực về thời gian học tập và sự kỳ vọng của cha mẹ đối với việc học hành, các em còn chịu áp lực bởi kiến thức nặng nề của chương trình giáo dục. Không chỉ học sinh, các thầy cô giáo và phụ huynh, mà nhiều nhà quản lý, chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, chương trình sách giáo khoa hiện nay, nhất là đối với chương trình tiểu học còn quá nặng, kiến thức dàn trải. Chưa bao giờ các em phải học nhiều môn học như bây giờ, mỗi môn học lại có lượng kiến thức rất nhiều khiến các em khó khăn trong việc lĩnh hội, chưa kể còn phải tham gia nhiều phong trào, hoạt động giáo dục khác một cách thụ động, không phát huy được sở thích cá nhân. Chỉ riêng học sinh lớp 1, các em phải học 8 môn chính khóa là Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên xã hội, Hát nhạc, Mỹ thuật, Thủ công, Thể dục, thêm 2 môn tự chọn là Ngoại ngữ và Tin học, tức là 10 môn học với 30 tiết học trong một tuần, chưa kể phải tham gia các hoạt động vẽ tranh về chủ đề phòng chống ma túy, an toàn giao thông, sưu tầm tranh ảnh về phong cảnh đất nước, quê hương, động vật… Lớp càng cao thì số môn học, giờ học càng tăng thêm. Học sinh học bán trú ngày 2 buổi ở trường, nhưng tối vẫn phải học và làm nhiều bài tập cô giáo giao. Nếu tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi ở trường, các em phải tham gia nhiều lớp học thêm nữa nên áp lực học tập càng tăng. Nhìn vào bàn học tập và chiếc cặp sách của các em, người lớn không khỏi cảm thấy thương và lo cho các em. Khi đến trường, các em phải khoác chiếc cặp to, nặng nề với các loại vở, sách giáo khoa, dụng cụ học tập và nhiều cuốn sách tham khảo. Sự quan tâm, lo lắng của phụ huynh cùng với việc cho phép xuất bản ồ ạt các loại sách tham khảo ở từng khối lớp khiến các em ngập giữa một “biển” kiến thức và khó xác định được đâu là sách hay, sách đúng. Trong tất cả các môn học đều có các loại sách tham khảo nên để nghiên cứu toàn bộ sách tham khảo là một việc quá sức đối với khả năng tiếp nhận và quỹ thời gian của các em.

Khi xã hội ngày càng phát triển, trẻ em càng cần được sự quan tâm, dạy bảo và định hướng tốt của người lớn, nhất là tránh tình trạng áp đặt đối với việc học hành, bởi tùy từng hoàn cảnh, điều kiện, tâm lý và sở thích, năng lực, các em có sự tiếp thu và khả năng học tập khác nhau. Nhà trường và phụ huynh cần tránh gây áp lực đối với các em để các em được sống hồn nhiên, trong sáng cùng lứa tuổi, có thể phát triển năng lực của bản thân. Đặc biệt, trong các dịp nghỉ hè, các bậc cha mẹ cần định hướng cho con em mình học tập những môn thể dục, thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, võ thuật… để các em được thư giãn, giải trí và phát triển hài hòa, tránh tạo áp lực căng thẳng cho các em trước khi bước vào một năm học mới./.

Bài và ảnh: Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com