Nỗi lo về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm ở các chợ nông thôn

07:04, 21/04/2012

Tỉnh ta hiện có 194 chợ nông thôn trong tổng số 213 chợ trên toàn tỉnh, trong đó hầu hết là chợ hạng 3 và chợ hạng 2; gần 2/3 trong số đó là chợ tạm, có quy mô nhỏ, phát triển tự phát. Đằng sau vai trò quan trọng trong việc giao thương, trao đổi hàng hoá, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, chợ nông thôn hiện vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, nhất là công tác vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Ở nhiều chợ nông thôn, việc xả chất thải bừa bãi, không có biện pháp thu gom, xử lý dẫn đến tình trạng rác thải được chất thành đống lưu cữu khu vực xung quanh chợ, rác đổ ngổn ngang ra đường, ra sông, tình trạng nước thải ứ đọng quanh chợ bốc mùi hôi thối, phế phẩm của những mặt hàng tươi sống bị vứt bừa bãi, tràn lan làm cho không khí quanh khu vực chợ bị ô nhiễm. Trong khi đó, các loại bánh trái và đồ ăn như bún, đậu, thịt, thực phẩm và đồ ăn đã qua chế biến, đồ tiêu dùng hằng ngày được bày bán không che đậy... ở ngay cạnh những bãi rác khiến nguy cơ người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm rất cao.

Nhếch nhác, lộn xộn, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường ở chợ An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực).
Nhếch nhác, lộn xộn, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường ở chợ An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực).

Có mặt tại chợ An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực) vào thời điểm hơn 8 giờ sáng, chúng tôi nhận thấy mặc dù chợ được xây dựng kiên cố song môi trường tại đây đang bị ô nhiễm nặng nề. Xung quanh khu vực chợ là những bãi rác lưu cữu từ nhiều ngày đang trong quá trình phân hủy bốc mùi rất khó chịu. Trong chợ, các hàng rau, thịt, đồ tươi sống... được bày bán lộn xộn, hàng bán đồ sống xen lẫn các hàng bán thức ăn chín. Trước cổng chợ, một số người bày bán rau, đồ gia dụng ngay cạnh bãi rác mới hình thành. Ngay phía bên phải cổng chợ là một cửa hàng ăn buổi sáng, người ăn cứ... vô tư ăn trong không khí ngột ngạt và mùi hôi rất khó chịu đang bốc lên từ đống rác. Tại chợ Hôm, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất nghiêm trọng. Mặc dù tại chợ đã có người thu gom rác thải, song rác, túi nilông vẫn vứt bỏ ngổn ngang. Trong chợ có nhiều quầy bán đồ ăn sẵn như giò, chả, nem mọc, bánh rán... nhưng thức ăn không được che đậy hoặc bày trong tủ kính theo quy định. Tại chợ Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực), tình hình vệ sinh môi trường cũng không mấy khả quan hơn khi mà hàng hoá được bày bán ngay cạnh đường đi, xung quanh là những bãi rác thải sinh hoạt không được thu dọn.

Trong những năm qua, hệ thống mạng lưới chợ nông thôn đang từng bước được cải tạo, nâng cấp theo đúng quy hoạch, thu hút nhiều hộ tham gia kinh doanh, góp phần tiêu thụ nông sản và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, công tác quản lý chợ ở nhiều địa phương còn yếu, thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các chợ gây bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân do công tác quản lý vệ sinh môi trường tại các khu chợ còn nhiều yếu kém, đặc biệt là hệ thống tiêu thoát nước thải, khu vệ sinh công cộng và khu thu gom xử lý rác thải chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách cho việc phát triển và quản lý chợ chưa thực sự có tác dụng khuyến khích đầu tư, khai thác chợ. Sự quan tâm chỉ đạo của một số địa phương còn nhiều bất cập. Đội ngũ cán bộ quản lý chợ chưa được đào tạo nghiệp vụ nên công tác quản lý khai thác hoạt động của các chợ còn hạn chế. Quy mô của các chợ còn nhỏ, vẫn còn 50% số chợ chưa có nhà điều hành của ban quản lý, tổ quản lý chợ. Công tác xã hội hóa đầu tư cho chợ còn thấp, chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước... Hiện chỉ khoảng 60% chợ nông thôn trong tỉnh là đạt yêu cầu về vệ sinh môi trường, còn lại đang có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường tại các khu vực chợ nông thôn, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là người trực tiếp buôn bán trong chợ nêu cao ý thức trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường. Các chợ cần thành lập các đội vệ sinh môi trường, trang bị đầy đủ dụng cụ vệ sinh như xe chở rác, chổi quét, quần áo bảo hộ lao động... Bên cạnh đó, các địa phương cần huy động và khai thác các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các chợ theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý các chợ, nhất là công tác quản lý vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát công tác đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm để người kinh doanh được biết và tự giác chấp hành./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com