Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi

07:04, 25/04/2012

Tỉnh ta triển khai đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi từ năm 2010. Đến nay, qua đối chiếu với các tiêu chuẩn về phổ cập, đã có 4/5 tiêu chuẩn đạt và vượt. Từ khi thực hiện, đề án đã giúp trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh chuẩn bị tốt kỹ năng, thể lực và tâm thế để bước vào lớp 1.

Học sinh lớp 5 tuổi Trường Mầm non Hải Long (Hải Hậu) được học tập, vui chơi trong điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, khang trang. Bài
Học sinh lớp 5 tuổi Trường Mầm non Hải Long (Hải Hậu) được học tập, vui chơi trong điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, khang trang.

Để thực hiện đề án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho trẻ 5 tuổi đến trường được học tập, vui chơi và nuôi dưỡng như: hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng, huy động trẻ ra lớp 2 buổi/ngày và xây dựng, đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên… Trong các năm 2010 và 2011, toàn tỉnh đã đầu tư gần 127 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giáo dục, trong đó tỉnh đầu tư trên 28 tỷ 139 triệu đồng, cấp huyện đầu tư 14 tỷ 472 triệu đồng, cấp xã đầu tư 55 tỷ 488 triệu đồng và huy động từ công tác xã hội hóa giáo dục và phụ huynh được 28 tỷ 884 triệu đồng. Dự kiến năm 2012, tỉnh sẽ đầu tư khoảng 25 tỷ đồng cho công tác này. Đến nay, toàn tỉnh đã có 260 trường mầm non ở 227/229 xã, phường, thị trấn, trong đó có 258 trường mầm non công lập và 2 trường mầm non tư thục, với tổng số 866 lớp mẫu giáo 5 tuổi và 27.488 trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Trẻ diện phổ cập là 27.313 cháu, đạt 100% trẻ diện phổ cập ra lớp; trẻ khuyết tật hòa nhập là 137/175 trẻ, đạt 78,3%. Số trẻ đi học chuyên cần đạt 99% và trẻ được học 2 buổi/ngày theo chương trình mầm non mới đạt 99,96%. 100% các lớp mầm non 5 tuổi thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới và được bảo đảm các điều kiện thực hiện chương trình. Các hoạt động của trẻ được tổ chức thường xuyên theo chủ đề và chương trình quy định, phù hợp với độ tuổi và khả năng, nhu cầu của trẻ. Giáo viên tổ chức các hoạt động giúp trẻ phát huy hết khả năng khám phá, tìm tòi và tích cực tham gia các hoạt động trên lớp cũng như các hoạt động ngoại khóa. Bước đầu giáo viên đã biết xây dựng công cụ đánh giá kết quả hoạt động của trẻ theo bộ chuẩn phát triển bao gồm 4 lĩnh vực: thể chất, tình cảm và quan hệ xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức và sẵn sàng với việc học, trên cơ sở đó điều chỉnh kế hoạch dạy học bảo đảm phù hợp với khả năng của trẻ. Năm 2012, toàn tỉnh phấn đấu có 6 huyện, tương ứng với 148 xã, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và đến năm 2013 sẽ hoàn thành 4 huyện, thành phố, tương ứng với 79 xã, phường, thị trấn còn lại. Với sự cố gắng của các trường, số trẻ được nuôi ăn bán trú hiện đã đạt 96,5% và đã có 3.957 trẻ được hỗ trợ tiền ăn trưa. Tất cả trẻ đến trường được cân, đo và theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ phát triển, trong đó trẻ có cân nặng bình thường đạt 93,2%, trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 6,8%, trẻ phát triển bình thường về chiều cao đạt 93,6%, trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 6,4%. 100% số trẻ có đủ đồ dùng cá nhân như: khăn mặt, ca cốc uống nước, chăn, gối, đệm… sạch sẽ, an toàn. Cơ sở vật chất trường lớp được các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Đến nay, toàn tỉnh đã có 866 phòng học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi, trong đó có 710 phòng học kiên cố, 100% phòng học bảo đảm an toàn. Ngành GD và ĐT cũng đã phối hợp với các địa phương xây dựng, cải tạo, sửa chữa 149 phòng học, trong đó có 68 phòng xây mới, xóa bỏ hoàn toàn phòng học tạm, học nhờ; đồng thời mua sắm nhiều thiết bị, đồ dùng như giá tủ đựng đồ dùng, đồ chơi, bàn ghế cho cô và trẻ, bảng đa năng, đàn organ, bộ Kidsmart, đồ chơi ngoài trời và bổ sung, thay mới giường, đệm… cho các cháu. Hiện tại, toàn tỉnh đã có 593/866 lớp học 5 tuổi có đủ thiết bị đồ dùng tối thiểu theo quy định của Bộ GD và ĐT và trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư cho các lớp học còn lại nhằm thực hiện tốt đề án theo đúng lộ trình. Việc đầu tư nâng cấp, cải tạo môi trường, cảnh quan sư phạm “xanh, sạch, đẹp, an toàn’’; tổ chức giáo dục và rèn luyện cho trẻ một số hành vi nếp sống văn minh và tổ chức các trò chơi dân gian, tập hát các làn điệu dân ca cho trẻ đã được các nhà trường thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, UBND tỉnh, ngành GD và ĐT đã tập trung phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non trên địa bàn. Trong 2 năm qua, Sở GD và ĐT đã mở 5 lớp bồi dưỡng về chuyên môn, hướng dẫn điều tra, thống kê phổ cập, hướng dẫn sử dụng bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi cho 275 lượt cán bộ quản lý cấp phòng, cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán cấp trường. Các phòng GD và ĐT huyện và thành phố đã tổ chức được 33 lớp bồi dưỡng với 2.366 lượt cán bộ quản lý, giáo viên tham dự nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non mới, bồi dưỡng về công nghệ thông tin và công tác quản lý, thống kê phổ cập cho trẻ. Các phòng GD và ĐT còn phối hợp với các Trung tâm giáo dục thường xuyên mở các lớp đào tạo bồi dưỡng đạt chuẩn và trên chuẩn cho giáo viên, nâng tỷ lệ giáo viên dạy lớp 5 tuổi có trình độ chuẩn và trên chuẩn đạt 100%. Với tổng số 1.298 giáo viên dạy lớp 5 tuổi, trong đó chỉ có 34 người trong biên chế Nhà nước, còn 1.264 người ngoài biên chế được tỉnh quan tâm hỗ trợ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo trình độ đào tạo. Hiện tại, tỉnh đang làm quy trình xét tuyển 1.106 biên chế cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và thực hiện chế độ chính sách theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với 351 giáo viên từ trên 50 đến 55 tuổi, trong đó có giáo viên mầm non 5 tuổi, qua đó động viên đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non tiếp tục phấn đấu vươn lên trong nuôi dạy trẻ.

Tuy nhiên, việc hoàn thiện các tiêu chuẩn thực hiện đề án ở tỉnh ta hiện vẫn gặp một số khó khăn. Toàn tỉnh vẫn còn 151 phòng học cấp 4, thiếu diện tích của lớp cho trẻ 5 tuổi và 273 lớp mầm non 5 tuổi thiếu thiết bị đồ dùng, đồ chơi; 199 khu mầm non có lớp 5 tuổi chưa có đồ chơi ngoài trời, tập trung ở các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Giao Thủy, Xuân Trường và Thành phố Nam Định... Để thực hiện đề án giai đoạn 2010-2015 theo đúng lộ trình và đạt hiệu quả cao, cần có sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành và toàn xã hội để đưa ngành học Mầm non xứng đáng với vai trò của ngành học là nền móng vững chắc trong hệ thống giáo dục, đào tạo trước yêu cầu mới./.

Bài và ảnh: Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com