Từ góc nhìn của bảo hiểm y tế

07:03, 15/03/2012

Đến hết năm 2011 đã có 55,7 triệu người tham gia BHYT (chiếm 63,5% dân số). Dự kiến có khoảng 114 triệu lượt người có thẻ BHYT khám, chữa bệnh. Việc điều chỉnh khung giá viện phí sẽ tác động lớn và trực tiếp đến việc chi trả BHYT.

Tại các bệnh viện, bệnh nhân BHYT chiếm từ 70% đến hơn 90% tổng số bệnh nhân. Điều này cho thấy, khi điều chỉnh viện phí có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến chi trả BHYT.

Giá viện phí thấp, nhiều bệnh viện không muốn nhận bệnh nhân BHYT hoặc từ chối thực hiện các dịch vụ được chi trả thấp, đặc biệt là khối các bệnh viện tư nhân. Khi giá các dịch vụ y tế tăng, chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ cho người bệnh BHYT. Đây là yếu tố tích cực, giúp người bệnh BHYT có nhiều lựa chọn hơn trong chăm sóc sức khoẻ và chất lượng dịch vụ từ đó cũng sẽ được nâng lên.

Để giảm bớt khó khăn cho người tham gia và bảo đảm an toàn Quỹ BHYT, việc tăng giá viện phí cần đi đôi với giám sát để nâng cao chất lượng dịch vụ và phải có lộ trình hợp lý. Ảnh: Internet
Để giảm bớt khó khăn cho người tham gia và bảo đảm an toàn Quỹ BHYT, việc tăng giá viện phí cần đi đôi với giám sát để nâng cao chất lượng dịch vụ và phải có lộ trình hợp lý.  Ảnh: Internet

Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực từ việc tăng viện phí, người bệnh cũng chịu nhiều tác động tiêu cực. Đối với bệnh nhân BHYT, tăng viện phí đồng nghĩa với tăng tổng chi phí một lần khám bệnh, một đợt điều trị nội trú và từ đó phần cùng chi trả sẽ tăng, nhất là giá ngày giường bệnh (dịch vụ này được điều chỉnh tăng nhiều nhất). Thí dụ trước đây, bệnh nhân nằm 10 ngày, mức cùng chi trả 20% cho tiền ngày, giường bệnh nội khoa loại một tại các bệnh viện tuyến Trung ương cũng chỉ khoảng 20.000 đồng, nhưng theo mức giá viện phí mới sẽ là 160.000 đồng (chưa kể thuốc và các dịch vụ y tế). Một đợt điều trị hết 10 triệu đồng, bệnh nhân phải cùng chi trả hai triệu (đối với bệnh nhân có thẻ BHYT thuộc hộ nghèo là 500 nghìn đồng) cũng tạo nên những khó khăn nhất định.

Người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi tăng giá viện phí, bởi các dịch vụ y tế điều chỉnh tăng giá lần này có tần suất thực hiện cao tại các bệnh viện tuyến huyện, nơi mà đa số người nghèo đến khám chữa bệnh. Ngoài ra, mức cùng chi trả 5% (đối với người nghèo), 20% (đối với người cận nghèo) là gánh nặng không nhỏ đối với thu nhập của nhóm đối tượng này. Việc tiếp cận dịch vụ y tế đối với người nghèo hiện vốn đã khó khăn, nay tăng viện phí chắc chắn sẽ càng khó khăn hơn, nhất là khi phải sử dụng các dịch vụ y tế chuyên sâu.

Lần điều chỉnh này, cơ cấu của các dịch vụ y tế sẽ được tính đủ hơn so với quy định trước đây (ngoài các chi phí trực tiếp vào người bệnh như thuốc, máu, dịch truyền, vật tư tiêu hao, còn tính thêm các chi phí cho những trang thiết bị y tế cá nhân của thầy thuốc, duy tu, bảo dưỡng, khấu hao trang thiết bị y tế…) nên giá của hầu hết các dịch vụ đều tăng từ ba đến năm lần so với mức cũ.

Đối với Quỹ BHYT: Trong các năm từ 2006-2009, Quỹ BHYT liên tục bị bội chi do mức đóng BHYT thấp. Nhờ việc điều chỉnh mức lương tối thiểu cũng như ngành BHXH ngày càng hoàn thiện công tác quản lý, sử dụng quỹ, đến năm 2010 Quỹ BHYT mới có một phần kết dư. Theo dự báo của BHXH Việt Nam, mức tăng chi khám, chữa bệnh do điều chỉnh giá viện phí từ 8.000-10.000 tỷ đồng trong năm 2012. Nếu áp dụng giá viện phí điều chỉnh từ giữa năm thì năm 2012 Quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối (do quỹ kết dư chuyển từ năm 2011 sang và điều chỉnh mức lương tối thiểu chung từ tháng 5-2012). Dự báo đến năm 2013, để Quỹ BHYT cân đối được, Nhà nước cần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung theo lộ trình đã đề ra.

Mặc dù dự báo năm 2012, 2013 Quỹ BHYT chung của cả nước vẫn có khả năng cân đối, nhưng số lượng các địa phương bị bội chi quỹ chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể (năm 2011 dự kiến có khoảng tám địa phương bội chi quỹ và nhiều địa phương có mức chi hơn 90% quỹ). Việc bội chi sẽ được xem xét điều tiết từ quỹ chung, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn kinh phí để thực hiện công tác khám, chữa bệnh có BHYT tại địa phương vì quá trình cấp bù kinh phí được thực hiện sau khi quyết toán toàn ngành.

Để giảm bớt khó khăn cho người tham gia và bảo đảm an toàn Quỹ BHYT, việc tăng giá viện phí cần đi đôi với giám sát để nâng cao chất lượng dịch vụ và phải có lộ trình hợp lý. Cụ thể, từ năm 2012 đến 2014 thực hiện theo giá thu một phần viện phí như dự thảo sửa đổi điều chỉnh. Từ năm 2015, mới xem xét để bổ sung vào cơ cấu giá các yếu tố khác như công lao động, khấu hao nhà cửa… Đồng thời, các địa phương cũng cần căn cứ vào điều kiện thực tế về kinh tế - xã hội để phê duyệt mức giá phù hợp. Tránh tình trạng như thời gian vừa qua, khi thực hiện Thông tư liên tịch số 03/TTLT-BYT-BTC-BLĐ-TB và XH ngày 26-1-2006, một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, lại phê duyệt mức giá tối đa của khung giá do liên bộ ban hành./.

Theo: nhandan.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com