Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông

07:03, 20/03/2012

Hiện nay, các cấp học trong tỉnh, từ tiểu học đến THPT đều thực hiện chương trình dạy tiếng Anh cho học sinh theo quy định của Bộ GD và ĐT. Riêng bậc tiểu học, do môn tiếng Anh được đưa vào giảng dạy như một môn học tự chọn, nên đến nay có 99,2% học sinh các khối lớp 3, 4, 5 được học với thời lượng 2 tiết/tuần (trừ một phần nhỏ học sinh học tiếng Pháp, tiếng Nga). Yêu cầu của việc dạy ngoại ngữ trong các trường phổ thông là học sinh có thể giao tiếp thông qua kỹ năng nghe, hiểu và nói, sau đó mới là đọc hiểu và viết. Điều này thể hiện rất rõ trong kết cấu của sách giáo khoa hiện hành. Tuy nhiên, trên thực tế, với cách dạy và học hiện nay, hầu như các em chỉ tập trung vào việc học từ vựng và nắm chắc ngữ pháp để đáp ứng được với các kỳ thi, ít chú ý đến khả năng nghe và nói. Bên cạnh đó, lượng kiến thức trong sách tương đối nhiều nhưng do thời lượng mỗi tiết học ít, giáo viên không thể bảo đảm tất cả các yêu cầu đặt ra. Bởi thế, những tiết dạy có tính tương tác cao giữa thầy và trò rất ít mà chỉ tập trung vào phần từ vựng, ngữ pháp và làm bài tập. Mặt khác, dù tất cả giáo viên dạy tiếng Anh ở các cấp học đều đạt chuẩn về bằng cấp, nhưng do được đào tạo bằng nhiều nguồn khác nhau như học chính quy, tại chức và từ nhiều trường cao đẳng, đại học khác nhau trong cả nước nên chất lượng không đồng đều, đa phần phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa đổi mới, nên việc truyền thụ cho học sinh gặp khó khăn... Ngoài ra, một số trường chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất cho môn học này. Việc dạy tiếng Anh ở các trường chủ yếu dùng băng, đĩa, đài cát sét và tranh ảnh, chưa có nhiều trường xây dựng được phòng học ngoại ngữ theo tiêu chuẩn, sĩ số của mỗi lớp học đông,  không bảo đảm độ chuẩn để đạt hiệu quả giảng dạy tốt...

Cô và trò Trường Tiểu học Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) trong giờ học ngoại ngữ. Ảnh: Xuân Thu
Cô và trò Trường Tiểu học Mỹ Hưng (Mỹ Lộc)
trong giờ học ngoại ngữ.
Ảnh: Xuân Thu

Năm học 2010-2011, Bộ GD và ĐT triển khai kế hoạch dạy thí điểm môn tiếng Anh cho học sinh tiểu học, bắt đầu từ khối lớp 3 nhằm khắc phục những hạn chế trong dạy môn ngoại ngữ, tăng dần khả năng sử dụng ngoại ngữ của học sinh. Phương pháp chủ đạo là dạy ngôn ngữ giao tiếp, hoạt động dạy và học được tổ chức thông qua môi trường giao tiếp đa dạng, phong phú với các hoạt động tương tác (trò chơi, bài hát, kể chuyện, câu đố, vẽ tranh…), các hoạt động cá nhân, theo cặp và nhóm. Theo phương pháp này, học sinh được luyện tập kết hợp các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; giáo viên tạo cơ hội tối đa cho học sinh sử dụng tiếng Anh trong lớp học, trong đó đặc biệt chú trọng tới hai kỹ năng nghe và nói nhằm giúp học sinh giao tiếp đơn giản một cách tự tin. Tại tỉnh ta, đã có 5 trường tiểu học: Nam Tân (Nam Trực), Thị trấn Gôi (Vụ Bản), Trần Quốc Toản, Hùng Vương, Phạm Hồng Thái (TP Nam Định) được chọn dạy thí điểm trong năm học này. Các trường này đều đạt chuẩn về cơ sở vật chất, mỗi lớp 35 học sinh, trường dạy 2 buổi/ngày và cả 5 giáo viên được đi tập huấn và kiểm tra trình độ của Bộ GD và ĐT đều đạt chuẩn yêu cầu. Sở GD và ĐT sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho các trường thí điểm, đồng thời tiếp tục chỉ đạo các nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh, đặc biệt là các kỹ năng nghe, nói cho học sinh, quan tâm đến việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo môi trường học tập bám sát điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường và có kế hoạch đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy, học môn ngoại ngữ... Đây là tín hiệu vui không chỉ đối với giáo viên và học sinh các trường tiểu học thực hiện chương trình dạy tiếng Anh thí điểm và cho cả bậc học khi được triển khai đại trà, mà còn từng bước đáp ứng được yêu cầu dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông trong xu thế hội nhập./.

Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com