Đảm bảo VSATTP trong các lễ hội

05:02, 18/02/2012

Trên địa bàn tỉnh có hơn 100 lễ hội mùa xuân diễn ra từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch hằng năm. Lễ hội là một sinh hoạt văn hoá tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tham gia. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn một số bất cập, nhất là vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tại hội chợ Viềng Xuân Nhâm Thìn và Lễ hội Khai ấn Đền Trần vừa diễn ra, ban tổ chức các lễ hội có nhiều đổi mới trong việc bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông, việc chấp hành các quy định về VSATTP tại các nhà hàng đã có nhiều chuyển biến tích cực… nhưng không ít các quán ăn tại khu vực di tích, nơi diễn ra lễ hội còn nhếch nhác, không đảm bảo VSATTP.

Nguy cơ mất VSATTP từ các điểm bán hàng rong trước cửa Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định).
Nguy cơ mất VSATTP từ các điểm bán hàng rong trước cửa Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định).

Đầu xuân thời tiết mưa phùn, độ ẩm cao, nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các  bệnh lây lan qua thực phẩm là rất lớn. Trong dịp Lễ hội Khai ấn Đền Trần vừa qua, tại khu vực Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc), hàng quán bày bán la liệt đồ ăn ngay như bánh dầy, xúc xích, bánh đúc, bánh chưng và các loại hoa quả… không được che đậy, không có tủ kính bảo vệ. Những người bán hàng ăn tại các lễ hội hầu hết là người dân địa phương tranh thủ kinh doanh trong những ngày diễn ra lễ hội nên không được tập huấn về VSATTP, không đeo khẩu trang, không dùng găng tay khi chế biến thức ăn cho khách; dưới đất, giấy ăn, lá gói… vứt bừa bãi. Khi các cơ quan chức năng đến kiểm tra, người kinh doanh tìm mọi cách đối phó nên việc phát hiện và xử phạt các hành vi vi phạm quy định về VSATTP trong lễ hội gặp khó khăn. Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia lễ hội cũng còn hạn chế. Nhiều người đi lễ “sắm” những mâm lễ mặn với đủ cả xôi, gà, lợn. Sau khi lễ xong, họ trải ni lon, giấy báo trong khuôn viên di tích để nghỉ ngơi, ăn uống, vứt rác bừa bãi… Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Trong kế hoạch thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP” năm 2012 từ ngày 10-1 đến ngày 10-2-2012, với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 và các lễ hội”, Ban Chỉ đạo VSATTP tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm những nội dung cơ bản của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn liên quan; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các cơ sở cung cấp thực phẩm phục vụ Tết và các lễ hội. Mục tiêu đề ra là giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và trong thời gian diễn ra lễ hội so với cùng kỳ năm 2011. Chuẩn bị cho chợ Viềng Xuân năm 2012, Ban tổ chức chợ Viềng Xuân Vụ Bản thành lập tiểu ban VSATTP và tổ chức hàng chục lượt kiểm tra; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ kinh doanh phải bảo đảm các tiêu chí về VSATTP như phải sử dụng nước sạch trong chế biến thực phẩm, vệ sinh bát đũa, dụng cụ… nguồn gốc thực phẩm phải rõ ràng, đặc biệt không để du khách cũng như người kinh doanh xả rác bừa bãi. Nhờ đó trong dịp chợ Viềng Xuân Nhâm Thìn không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều người kinh doanh vì lợi nhuận vẫn cố tình vi phạm các quy định về VSATTP; còn du khách thì “khuất mắt trông coi”, biết là mất VSATTP nhưng vẫn sử dụng. Ngoài ra, tình trạng tùy tiện nâng giá hàng ăn với du khách và chế biến thức ăn còn mất vệ sinh, nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng, thực phẩm ôi thiu trà trộn vào các quán ăn trong lễ hội vẫn còn. Ban tổ chức đã xử phạt 3 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các xã Trung Thành và Kim Thái. Trong và sau chợ Viềng Xuân 2012, Ban tổ chức đã tập trung chỉ đạo cho đơn vị chức năng tiến hành thu gom rác; tổ chức rắc vôi bột và các hóa chất theo quy định của ngành Y tế nhằm phòng chống dịch bệnh tại các điểm chợ thuộc 3 xã Kim Thái, Trung Thành và Thị trấn Gôi…

Trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều lễ hội lớn như Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản); lễ hội chùa Lương (Hải Hậu); hội làng La Xuyên (Ý Yên); lễ hội làng Ngọc Tiên (Xuân Trường)… Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm VSATTP trong lễ hội, Ban tổ chức lễ hội và chính quyền các địa phương cần tăng cường biện pháp quản lý các cơ sở kinh doanh thực phẩm, yêu cầu bảo đảm các điều kiện thiết yếu như nước sạch, quầy tủ hàng, phương tiện bảo quản...; kết hợp tổ chức tập huấn, giám sát, tăng cường kiểm tra. Người đi lễ cần nêu cao ý thức bảo đảm ATVSTP từ việc lựa chọn các cửa hàng kinh doanh dịch vụ đảm bảo đến việc tham gia giữ gìn vệ sinh chung ở lễ hội, không vứt rác, thức ăn thừa bừa bãi, hạn chế ăn uống ngay trong khu vực lễ hội./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com