Xiết chặt hệ tại chức

09:02, 16/02/2012

Lâu nay chất lượng đào tạo hệ thống ĐH-CĐ ở nước ta luôn được xem là có vấn đề về chất lượng, trong đó đào tạo hệ tại chức ngày càng sa sút. Nguyên Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Thiện Nhân từng thẳng thắn, tổng số sinh viên tại chức chiếm hơn 50% trong các trường ĐH là nguồn thu quan trọng, nếu xiết lại sẽ ảnh hưởng ngay đến "nồi cơm”. Năm nay Bộ GD và ĐT kiên quyết giảm mạnh số lượng đào tạo hệ tại chức, có thể xem đó là tín hiệu đáng mừng của ngành giáo dục.

Quá dễ dãi cấp bằng tại chức

Hệ tại chức là hệ đào tạo không chính quy, vốn còn được gọi chệch ra là hệ "vừa làm, vừa học”. Nhưng xét trên toàn hệ thống ĐH, gọi là "vừa làm, vừa học” cũng chưa hoàn toàn chính xác, bởi điều đó chỉ dành cho những đối tượng phần lớn đang làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị doanh nghiệp. Tại Trường ĐH Vinh, nhiều năm qua đào tạo một loại hình tại chức có đầu vào là học sinh vừa tốt nghiệp THPT (chưa đi làm), lấy điểm thấp hơn chính quy; hình thức đào tạo liên tục, quy chuẩn, khá chất lượng. Nhưng đó chỉ là trường hợp hãn hữu trên cả nước, phần lớn các trường ĐH tuyển sinh, chiêu sinh một cách ồ ạt, đào tạo tràn lan, học phí và các khoản phụ phí theo giá... trên trời.

Hình ảnh thường thấy ở các lớp học tại chức. Ảnh: Internet
Hình ảnh thường thấy ở các lớp học tại chức. Ảnh: Internet

Cách đây ít năm, khi đại biểu Quốc hội chất vấn về chất lượng của hệ đào tạo tại chức, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Thiện Nhân lúc đó đã không ngần ngại chỉ rõ, hệ tại chức chính là nguồn thu lớn, là "nồi cơm” quan trọng của các trường ĐH. Đây là nguồn thu quan trọng (ngoại trừ những trường đặc thù không đào tạo, hệ này thường chiếm 1/2 tổng số sinh viên các trường), mà nếu bị siết chặt, nhiều trường sẽ lao đao vì thiếu hẳn nguồn thu kinh phí.

Nhiều trường đại học mở cửa tại chức thoải mái cả đầu vào lẫn đầu ra bởi cần nguồn thu lớn; người học cần bằng cấp. Chất lượng thì "mênh mông” ít được kiểm tra giám sát. Có cán bộ đi học, nhận được tấm bằng cử nhân nhưng kiến thức vẫn không hơn lúc mới vào trường là mấy. Thực trạng trên tồn tại và kéo dài bởi vấn nạn mê bằng cấp hình thức, học cho có tấm bằng đủ tiêu chuẩn lên chức, đề bạt... Đào tạo chính quy hay không thì bằng cấp tốt nghiệp vẫn là... cử nhân ĐH!

Tại nhiều nước, việc quy hoạch nhân lực cán bộ được lựa chọn quy chuẩn ngay từ đầu. Nếu có tiếp tục học nâng cao, sẽ được bố trí nghỉ hoàn toàn trong thời gian đào tạo. Vì chất lượng kiến thức được đặt lên hàng đầu. Còn tại nước ta, phần lớn mục tiêu chính là có bằng cử nhân ĐH để được quy hoạch, bổ nhiệm. Khi đi học vẫn ăn lương đầy đủ, được chu cấp bằng tiền nhà nước, học vào thời gian hành chính, trong khi chất lượng không đảm bảo, đôi khi nhờ người học, có người điểm danh hộ, làm bài thi hộ.

Hướng tới chất lượng, thắt chặt quản lý

Năm vừa qua, UBND Thành phố Đà Nẵng đã gây "sốc” cho dư luận khi nói không với tuyển dụng cán bộ công chức có bằng ĐH tại chức. Mới đây, Đà Nẵng còn ban hành quyết định gây nhiều quan tâm dư luận về chấn chỉnh cán bộ công chức không được phép đi học trong giờ hành chính. Quyết định đó tuy chưa phải là giải pháp tối ưu, nhất là trong điều kiện chất lượng cán bộ tại nhiều địa phương hiện nay còn yếu kém, cần phải bồi dưỡng, đào tạo thêm. Nhưng mặt tích cực khá rõ.

Đó là thái độ dứt khoát đối với nạn sính bằng cấp, thẳng thắn nhìn vào sự yếu kém của đào tạo tại chức và sự lãng phí khi sử dụng cán bộ không đạt chuẩn trình độ. Thực tế, nhiều cán bộ rất giỏi, làm việc hiệu quả hăng say, kinh nghiệm đầy mình, nhưng không có bằng cấp nên không được trọng dụng. Nhiều người không năng lực, nhưng vẫn được cử đi học, có bằng cấp về tức khắc được bổ nhiệm.
Điều này phần nào lý giải vì sao trong những năm qua, hàng loạt cử nhân tại các địa phương ra trường, không xin được việc nếu không có "quan hệ”, không phí "bôi trơn”. Những cơ quan, đơn vị mà các tân cử nhân này nộp đơn xin việc dường như đã bị "đặt chỗ” từ trước. Một sự chảy máu tri thức quá lớn, gây lãng phí cho xã hội và hình thành nghịch lý "thiếu nhân tài, thừa bằng cấp”.

Khi hệ thống ĐH cho "ra lò” hàng loạt cử nhân vênh về trình độ, không đạt yêu cầu, nhà tuyển dụng có quyền từ chối hay lựa chọn chất lượng bằng cấp. Nếu Bộ GD và ĐT không cương quyết đưa ra những động thái cụ thể chấn chỉnh đào tạo ĐH, sự bất cập trong sử dụng bằng cấp sẽ vẫn là câu chuyện muôn thuở.

Theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Bùi Văn Ga, kỳ tuyển sinh năm 2012 chính thức siết chặt và thu hẹp hệ đào tạo ĐH tại chức. Theo đó, "chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm, liên thông chỉ được xác định bằng 50% so với tổng chỉ tiêu hệ chính quy của mỗi trường”. Việc đào tạo tại chức sẽ được thanh kiểm tra, đánh giá theo đúng các tiêu chí quy định; sẽ nghiêm túc xử lý hoặc đình chỉ tuyển sinh nếu phát hiện những trường hợp sai phạm. Quy định trên sẽ khiến nhiều trường bị giảm đột ngột một khoản thu khá lớn. Nhưng có thể hy vọng, Bộ GD và ĐT sẽ từng bước làm mạnh tay hơn. Không thể làm ngơ trước tình trạng các trường ĐH "thương mại hoá” mô hình đào tạo này chỉ vì cần kinh phí. Quá dễ dãi đào tạo tại chức, hàng loạt thế hệ cử nhân yếu kém ra lò sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội./.

Theo: daidoanket.vn

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com