Thương thì không cho roi, vọt

02:02, 23/02/2012

Ngày nhỏ tôi cũng từng bị đòn, bị cha mẹ đánh bằng những chiếc roi tre, đôi khi là những chiếc đũa cả... Lúc ấy thấy tủi thân lắm, và cũng cứ băn khoăn tự hỏi không biết mình có phải là con ruột của bố mẹ không, hay chỉ là con nuôi nên bố mẹ không thương, mới đánh đau đến vậy.

Trẻ em cần được gia đình và toàn xã hội bảo vệ chăm sóc.  Ảnh: PV
Trẻ em cần được gia đình và toàn xã hội bảo vệ chăm sóc. Ảnh: Internet

Ấy là suy nghĩ rất trẻ con, chứ thực ra, sau mỗi trận đòn, đêm nằm ngủ mẹ lại ôm tôi thật chặt. Mẹ xoa vào những vết roi lằn trên mông, rồi xuýt xoa "con ngoan thì đâu đến nỗi bị mẹ đánh đòn...”. Lớn hơn một chút, tôi hiểu rõ rằng sau mỗi trận đòn trút xuống con cái, bố mẹ cũng chẳng sung sướng gì, thậm chí còn thấy day dứt nữa. Tất cả xuất phát từ cuộc sống khó khăn, trong khi người lớn mải miết lo chạy ăn, chạy mặc từng bữa, lo cho con cái được học hành thì những đứa trẻ lại không chịu nghe lời, lười học, hay đánh nhau, không chịu giữ gìn quần áo, sách vở... Chúng làm cho người lớn bực trong lúc họ mệt mỏi, ăn đòn là đương nhiên rồi...

Nhưng thời ấy giờ đã xa. Thời ấy hình như nhiều trẻ em như tôi cũng hay bị ăn đòn. Thời ấy khái niệm quyền trẻ em, công ước về quyền trẻ em là cái gì đó cực kỳ xa lạ... Đến tận bây giờ, nhiều người lớn vẫn khăng khăng quan điểm giáo dục trẻ em tức là "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi...”. Nhưng cuộc sống hôm nay đã khác nhiều rồi. Khi lập gia đình và có con, tôi kiên quyết không dạy con bằng roi vọt như bố mẹ mình năm nao nữa. Thế hệ những đứa trẻ trạc tuổi con tôi giờ cũng hiểu biết hơn nhiều so với độ tuổi của bố mẹ chúng khi xưa. Trẻ em được giáo dục kỹ năng sống, được trang bị kiến thức về Quyền Trẻ em. Con trai tôi còn có thể nói vanh vách rằng trẻ em có 4 nhóm quyền cơ bản. Đó là quyền được sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia. Rằng năm 1990, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em...

Lòng dặn lòng như vậy, nhưng có một lần, vì bực quá tôi đã lỡ tay đánh con đau. Con vừa ôm mặt khóc mếu, vừa bảo: Con sẽ gọi điện đến đường dây tư vấn 18001567, mách với họ rằng mẹ vừa hành hung con... Tôi chợt sững cả người. Con tôi thấy tôi luống cuống thì nghĩ là tôi sợ có ai đến bắt đi, lại quay ra an ủi tôi: "Lần sau mẹ đừng đánh con nhé, con không gọi tổng đài đến bắt mẹ nữa đâu...”. Nghe con nói nước mắt tôi cứ trào ra. Cả đêm đó, tôi không thể nào ngủ được. Tôi nói với con rằng: Về lĩnh vực quyền trẻ em, con hiểu biết hơn mẹ. Mẹ sẽ không bao giờ đánh con nữa, nhưng con cũng phải hứa không được làm mẹ phiền lòng. Còn tôi thì tự hứa với bản thân mình, đó là lần đánh con duy nhất...
Nhờ các phương tiện truyền thông, thời gian qua nhiều vụ bạo hành trẻ em đã được đưa ra ánh sáng. Điều đau lòng là không chỉ cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế... mà nhiều trường hợp ngay cả cha mẹ ruột cũng hành hung đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra. Người lớn đã ra tay đến độ tàn ác, khiến những đứa trẻ dù có được giải cứu, được chữa chạy chu đáo, tận tình, nhưng chắc chắn vết hằn trong tâm trí không thể nào xóa đi được. Nếu thử tự đánh những ngón đòn ấy vào cơ thể mình, không hiểu người lớn có thấy đau đớn không. Trong khi cuộc sống ngày một phát triển, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 hoặc 2 con. Thậm chí có nhiều người thuốc thang chạy chữa mãi vẫn chưa có được mụn con nào, thì xã hội vẫn đầy rẫy những trẻ em không được nâng niu, phải sống một kiếp người cơ cực so với bạn bè cùng trang lứa... Đáng buồn hơn, khi những đứa trẻ ngày càng hiểu rõ hơn về quyền trẻ em mà chúng đáng được hưởng, thì vẫn còn quá nhiều người lớn thờ ơ và cố tình không quan tâm tới điều này.

Tôi tin rằng, vẫn còn rất nhiều vụ bạo hành trẻ em nữa chưa bị phát hiện, ở đâu đó vẫn còn những đứa trẻ sống không có tuổi thơ. Ẩn nấp sau những đám cưới, những cuộc tình đơm hoa kết trái vội vàng, không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng được cha mẹ dành trọn tình yêu thương. Nghĩ đến đây, tôi lại thấy lòng như xát muối. Tôi không nhớ chính xác bài thơ của tác giả nào, chỉ biết đó là một bản dịch từ tiếng Tây Ban Nha, có tựa đề Quyền trẻ em. Mà trong đó, những mong muốn của con trẻ xuất phát từ những điều bình dị: "Chúng em mong được mọi người tôn trọng. Cũng như được giúp đỡ khi cần. Được hưởng sự yêu thương chăm sóc. Được dạy dỗ để biết sẻ chia...”./.

Theo: daidoanket.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com