Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp

07:02, 14/02/2012

Trong các trường học, giáo viên chủ nhiệm lớp được đánh giá là hạt nhân trong quá trình giáo dục phát triển toàn diện và hoàn thiện nhân cách học sinh. Vì vậy, ngoài việc thực hiện tốt công tác chuyên môn trong các giờ lên lớp, giáo viên chủ nhiệm thường phải tổ chức các hoạt động giáo dục, quan tâm tới từng học sinh, chăm lo việc rèn luyện đạo đức, hành vi và những biến đổi về tâm sinh lý của các em, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của học sinh với ban giám hiệu nhà trường, với giáo viên bộ môn và gia đình các em. Giáo viên chủ nhiệm còn có vai trò cố vấn cho học sinh tổ chức các hoạt động trên lớp, hoạt động ngoài giờ và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh (đối với học sinh THCS, THPT) trước khi các em chuyển cấp… Với tầm quan trọng của công việc, không ít giáo viên nếu không có kinh nghiệm xử lý tình huống hoặc do chênh lệch về tuổi tác, không hiểu hết được tâm sinh lý lứa tuổi thì sẽ không hoàn thành được vai trò của mình. Theo quy định của ngành GD và ĐT, thời lượng công tác chủ nhiệm lớp chiếm 4,5 tiết/tuần. Tuy nhiên, thực tế công việc chủ nhiệm lớp chiếm gấp nhiều lần thời lượng ấy. Cô giáo Quỳnh Anh, giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo tâm sự: “Qua nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm, tôi thấy, để làm tốt công tác chủ nhiệm thì mỗi giáo viên phải có cái nhìn tinh tế và bao quát đối với lớp, phải nắm được tâm tư tình cảm, tâm lý, cá tính của mỗi em, đôi khi phải tâm sự với các em, để biết các em đang nghĩ gì và cần những gì, từ đó mới có được những biện pháp phù hợp để giúp đỡ, giáo dục sát với từng em. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm lớp cũng cần thường xuyên liên hệ với các giáo viên bộ môn để nắm tình hình học tập, rèn luyện của học sinh trong lớp để kịp thời uốn nắn, động viên các em…”.

Cô giáo Đỗ Thị Thuý, Trường tiểu học A Xuân Ninh (Xuân Trường) nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp được học sinh và phụ huynh tin yêu.
Cô giáo Đỗ Thị Thuý, Trường tiểu học A Xuân Ninh (Xuân Trường) nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp được học sinh và phụ huynh tin yêu.

Giáo viên chủ nhiệm lớp có vai trò quan trọng trong các hoạt động giáo dục học sinh nhưng hiện nay, việc xây dựng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều giáo viên nhận nhiệm vụ với tinh thần miễn cưỡng nên trong công tác chỉ triển khai nhiệm vụ ban giám hiệu giao theo cách hành chính, thiếu sự quan tâm, tìm hiểu về tâm, sinh lý lứa tuổi, không nắm bắt được những diễn biến thay đổi tâm lý để phát hiện và uốn nắn kịp thời những lệch lạc của học sinh. Nhiều giáo viên chủ nhiệm khi tiếp nhận thông tin từ học sinh, đã không kịp thời xử lý tình huống, ảnh hưởng đến việc đảm bảo tính khách quan, trung thực của dư luận, ý kiến của tập thể học sinh. Hiện nay, khi ngành GD và ĐT đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào nhà trường, thì sự vất vả của giáo viên chủ nhiệm lại tăng lên với những hoạt động ngoài giờ lên lớp, nhưng giáo viên chủ nhiệm lại chưa được học cách tổ chức các hoạt động này một cách bài bản… Mặt khác, do công việc của giáo viên chủ nhiệm nhiều, nhưng tiền phụ cấp cho công tác này lại không tương xứng, số giờ dạy trên lớp của giáo viên được giảm không đáng kể nên không khuyến khích được sự nhiệt tâm, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm. Mặc dù trong những năm gần đây, công tác xây dựng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm đã được ngành GD và ĐT quan tâm như tổ chức các lớp bồi dưỡng thường niên trong dịp hè, để giáo viên chủ nhiệm cũng như cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục hiểu được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm; bồi dưỡng những kỹ năng cần thiết khi thực hiện nhiệm vụ công tác, trong đó giáo viên được nghe, được chia sẻ những kinh nghiệm hay, những bài học tốt để áp dụng vào thực tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, công tác giáo viên chủ nhiệm đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến do công tác bồi dưỡng còn ít cả về thời gian, phương pháp và lý luận. Trong khi đó, quá trình đào tạo ban đầu ở các trường sư phạm chỉ chú trọng những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy, chưa chuẩn bị cho sinh viên đầy đủ những đòi hỏi từ thực tiễn về năng lực làm công tác giáo viên chủ nhiệm. Một số nhà trường chỉ đánh giá công tác của giáo viên chủ nhiệm lớp thông qua chất lượng giảng dạy chứ ít quan tâm đến chất lượng quản lý lớp...

Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm trong tình hình mới, ngành GD và ĐT cần xây dựng chương trình bồi dưỡng thường xuyên, khuyến khích các đơn vị bình bầu, suy tôn danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi, tạo các phong trào thi đua, tìm tòi, học hỏi, chăm lo công tác giáo viên chủ nhiệm, khuyến khích giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm lớp để thông qua đó trao đổi, học hỏi, rút kinh nghiệm trong công tác. Các trường sư phạm cũng cần chú trọng đến dạy kỹ năng công tác làm chủ nhiệm lớp cho sinh viên, để khi ra trường, các giáo viên có thể trở thành những giáo viên chủ nhiệm, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com