Gia đình truyền thống hay gia đình hạt nhân?

09:02, 16/02/2012

Việc lựa chọn cuộc sống gia đình theo mô hình truyền thống có tam, tứ đại đồng đường hay là kiểu gia đình hiện đại một cặp vợ chồng cùng con cái ngày nay tùy thuộc vào hoàn cảnh sống và điều kiện kinh tế xã hội của mỗi dòng tộc, mỗi vùng, địa phương, lãnh thổ. Không có chuẩn mực nào quy định mô hình gia đình cho tất cả. Xu hướng ngày nay thường những đôi bạn trẻ muốn tự lập sau khi kết hôn nên thường xin ra ở riêng. Mô hình gia đình hạt nhân phù hợp với người thoát ly đi công tác nhưng cũng có nhiều cặp vợ chồng trẻ ở cả thành thị và nông thôn muốn “tự lập”. Nói là tự lập nhưng thật ra họ muốn có cuộc sống tự do hơn là ở chung cùng bố mẹ, ông bà. Nhu cầu tự do ngày càng phát triển, đó là muốn tự do trong sinh hoạt, không bị bố mẹ, ông bà kèm cặp bên cạnh, hoặc ngay cả kinh tế, họ cũng muốn có nguồn tài chính độc lập. Cả vấn đề nuôi dạy con cái thời nay nhiều cặp vợ chồng cũng muốn làm theo cách của mình… Và như vậy có sự “xung đột thế hệ” trong mỗi đại gia đình theo truyền thống. Và chính sự ích kỷ cá nhân và ý muốn tự lập đã đẩy những người làm cha mẹ, ông bà đến chỗ khó xử. “Nước mắt chảy xuôi”. Ai cũng thương con thương cháu, muốn có chúng bên cạnh để ngày đêm dạy bảo khuyên răn, chăm sóc… Nhưng có những người lớn bất lực nhìn đàn con trưởng thành đều bứt khỏi tầm tay để đi xây dựng gia đình theo kiểu hiện đại. Bi kịch có những người con mải mê làm ăn, mải mê tiến thân mà bỏ mặc các thế hệ cha mẹ, ông bà trong cảnh cô đơn, thậm chí nghèo khó. Trách nhiệm của những đứa con hiếu thảo đâu rồi? Có gia đình bốn năm người con phương trưởng nhưng bà mẹ già thì chịu cảnh đi ở với mỗi đứa một thời gian. Đến khi bà nằm xuống mà vẫn không yên khi đám tang được tổ chức với sự đóng góp đổ đầu từng đứa con. Sự tan vỡ của gia đình truyền thống ba bốn thế hệ ấm áp dưới mái nhà đã được cảnh báo từ mấy chục năm trước nhưng chưa bao giờ bi kịch gia đình chia đàn sẻ nghé như bây giờ. Đó là một dấu hiệu của sự xuống cấp về đạo đức hay là vì một cuộc sống văn minh? Không, chỉ có sự xuống cấp về đạo đức, sự ích kỷ, sự suy đồi về đạo lý nhiều hơn là ước muốn có cuộc sống gia đình văn minh. Thực tế, có những gia đình ở thành phố và nông thôn hôm nay, nhiều thế hệ cùng chung một mái nhà. Người già có việc của người già, đó là dành thời gian cuối đời dạy bảo các cháu, chăm sóc đàn cháu và coi đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đời mình. Trong khi đó, những thế hệ con, cháu cùng hăng say lao động tạo lập nền tảng kinh tế gia đình, góp sức làm nên sự giàu có sung túc. Trong những gia đình đó, ai cũng được hưởng niềm vui hạnh phúc. Người trẻ được sống trong sự đùm bọc yêu thương của ông bà cha mẹ. Người già thường được con, cháu vấn an, biếu quà, động viên, mong muốn ông bà cha mẹ sống “bách niên giai lão…”.

Không có mô hình nào lý tưởng cho mỗi gia đình. Chỉ có sự đùm bọc yêu thương và chăm sóc nhau của mỗi thành viên là vĩnh cửu. Nhiều người sau khi ông bà, cha mẹ qua đời mới cảm thấy sự thiếu hụt của đời mình không gì lấp nổi. Hãy sống vì nhau, vì những người thân của mình. Đó cũng là một sự hy sinh và đó cũng là một đặc ân mà đôi khi ta vô tình đánh mất./.

Theo: baovanhoa.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com