Triển khai BHYT học sinh, sinh viên: Có luật nhưng vẫn khó khăn !

08:10, 01/10/2010

Theo quy định của Luật BHYT, từ 1-1-2010, học sinh, sinh viên là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT.

 

Cán bộ BHXH Vụ Bản trao thẻ BHYT cho giáo viên và học sinh trường THCS Trần Huy Liệu.  Ảnh: Xuân Thu
Cán bộ BHXH Vụ Bản trao thẻ BHYT cho giáo viên và học sinh trường THCS Trần Huy Liệu.
Ảnh: Xuân Thu

Trong năm học vừa qua toàn tỉnh có 167860 học sinh, sinh viên tham gia BHYT với tổng thu đạt 20,88 tỷ đồng, chiếm trên 40% tổng số học sinh, sinh viên trên toàn địa bàn tỉnh. Cá biệt ở một số địa phương có nhiều học sinh, sinh viên nhưng số tham gia BHYT rất thấp như Trực Ninh có 2653 học sinh, sinh viên, Ý Yên chỉ có 7117 học sinh, sinh viên tham gia. Chưa có đơn vị, địa phương đạt 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo luật định...

Thực tế sau nhiều năm thực hiện BHYT tự nguyện học sinh, sinh viên và gần một năm thực hiện BHYT bắt buộc học sinh, sinh viên có thể khẳng định hiệu quả của loại hình BHYT rất rõ ràng. Trong suốt hàng chục năm qua, số thu BHYT học sinh luôn thấp hơn kinh phí Quỹ BHYT chi trả cho chăm sóc sức khoẻ và khám chữa bệnh cho học sinh, sinh viên. Đơn cử, năm học 2009-2010, tổng thu đạt 20,88 tỷ đồng thì riêng đầu tư chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại các trường học tham gia BHYT là 4,25 tỷ đồng. Theo ước tính của BHXH tỉnh, chi phí khám chữa bệnh cho học sinh, sinh viên trong tỉnh từ quỹ BHYT không  thấp hơn tổng thu. Đó là chưa tính đến  ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ 50% đối với học sinh, sinh viên hộ cận nghèo và 30% đối với diện khác cho mỗi thẻ. Cũng như các năm học trước, năm học 2009-2010, có hàng trăm học sinh, sinh viên không may bị bệnh tật, ốm đau đã được tiếp nhận chi phí cao mà không thể mơ ước điều này từ bất cứ đơn vị bảo hiểm thương mại nào. Như em Trần Hùng Cường, học sinh trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP Nam Định đã được thanh toán trên 104 triệu đồng tiền chữa bệnh.

Hiệu quả như vậy, nhưng tại sao BHYT học sinh, sinh viên vẫn chưa đạt số lượng tham gia theo yêu cầu? Nguyên nhân do thời gian đầu chuyển từ BHYT tự nguyện sang bắt buộc nên nhận thức của nhà trường, xã hội chưa cao. Công tác khám chữa bệnh BHYT ở một số nơi còn tạo ra sự hoài nghi, lo lắng cho người bệnh. Cũng phải kể đến việc mức phí BHYT có mặt bằng giá cao hơn hẳn các loại hình bảo hiểm thương mại. Trong khi đó, đại bộ phận gia đình, học sinh tỉnh ta là nông thôn, thu nhập không cao, phải đóng góp, mua sắm nhiều khoản cho con em trong dịp năm học mới. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do thái độ thiếu quan tâm, chưa “vào cuộc” của chính quyền cơ sở và bản thân ban giám hiệu các nhà trường. Nhìn lại năm học 2009-2010, ngay từ đầu năm học, UBND tỉnh đã có Công văn số 147/UBND-VP7 chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai BHYT học sinh, sinh viên theo luật định. Sở GD-ĐT cũng có công văn liên ngành với BHXH hướng dẫn các đơn vị trường học triển khai nhưng việc chấp hành, thực hiện sự chỉ đạo này ở mỗi nơi mỗi khác dẫn đến kết quả không đồng bộ. Đồng chí Vũ Hữu Từ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trực cho biết: "Ngay sau khi tỉnh chỉ đạo, UBND huyện đã có công văn chỉ đạo Phòng Giáo dục và Ban Giám hiệu các trường trong địa bàn yêu cầu thực hiện BHYT học sinh, sinh viên, giao công tác thực hiện BHYT thành nhiệm vụ, tiêu chí thi đua của từng trường và của ngành GD-ĐT huyện. Sau đó, huyện thường xuyên giám sát, theo dõi, đốc thúc tiến độ thực hiện công tác này". Còn tại huyện Vụ Bản, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Nha cho biết: "Xác định ý nghĩa, hiệu quả của BHYT học sinh, sinh viên, UBND huyện đã tạo điều kiện tốt nhất cho cơ quan BHXH huyện. Đồng thời, giao cho ngành giáo dục huyện rà soát, báo cáo sỹ số học sinh, tiến độ tham gia BHYT theo từng học kỳ để đôn đốc thực hiện !". Đó là lý do tại sao hai huyện có điều kiện còn khó khăn về kinh tế này lại dẫn đầu trong công tác BHYT học sinh, sinh viên. Còn từ phía các trường học. Mặc dù BHXH và ngành GD-ĐT huyện đều tổ chức tuyên truyền, quán triệt nhưng nhiều trường học đã không đưa chủ trương đến với học sinh và gia đình.

Năm học 2010-2011 đã bắt đầu, BHXH Việt Nam đã có đầy đủ cơ chế từ nguồn quỹ chăm sóc sức khoẻ cho các nhà trường đến "hoa hồng" cho các đại lý. UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 169/UBND-VP7 ngày 01-9-2010 chỉ đạo các ngành, địa phương, trường học phải nghiêm túc thực hiện công tác BHYT học sinh, sinh viên. Cũng từ năm học này, đây là công tác đã được luật hoá. Thiết nghĩ cần phải chuẩn bị một cơ chế đủ mạnh để đưa công tác BHYT học sinh, sinh viên vào nền nếp./.

Hoàng Văn

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com