Xây dựng văn hóa giao thông - Không chờ… đủ yếu tố

09:07, 05/07/2010

Chấp hành nghiêm chỉnh quy định về ATGT.   Ảnh: Dương Đức
Chấp hành nghiêm chỉnh quy định về ATGT.                Ảnh: Dương Đức
"Tháng An toàn giao thông" năm 2009 được Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia phát động với chủ đề "Văn hóa giao thông" (VHGT), cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng và toàn xã hội đối với lĩnh vực này. Để tạo dựng VHGT không thể ngày một, ngày hai, mà cần một thời gian dài, thực hiện đồng bộ các giải pháp...

Nhiều thói quen, hành vi xấu cần loại bỏ

Giáo sư Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho biết: Được sự ủy quyền của Ủy ban ATGT quốc gia, trung tâm bắt đầu triển khai một chương trình hoạt động văn hóa trên toàn quốc nhằm tuyên truyền, vận động rộng rãi việc xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông của các tầng lớp nhân dân.

Sự lộn xộn, ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các đô thị lớn, tai nạn giao thông gia tăng… gây thiệt hại lớn về người, tài sản, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như: Hệ thống hạ tầng giao thông chậm phát triển, công tác quản lý còn nhiều bất cập… nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản được cộng đồng xác nhận, đó là ý thức, văn hóa của người tham gia giao thông ở nước ta còn nhiều hạn chế.

VHGT trước hết là ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT. Tại các quốc gia phát triển, VHGT trở thành thói quen, ứng xử đương nhiên; người cố tình vi phạm, làm trái sẽ bị lạc lõng. Còn ở nước ta, thói quen đó mới bắt đầu hình thành ở một bộ phận nhỏ người tham gia giao thông. Nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam phải lắc đầu khi tham gia giao thông, chứng kiến cảnh tượng giao thông hỗn độn, chen lấn, mất an toàn, mạnh ai nấy đi… Nhiều vi phạm về trật tự ATGT ngang nhiên diễn ra giữa "thanh thiên bạch nhật" nhưng không bị lên án, xử lý nghiêm. Giao thông ở các thành phố lớn, nhất là tại các điểm giao cắt, kể cả khi có đèn tín hiệu, cũng rất dễ trở nên rối loạn, nếu không có CSGT làm nhiệm vụ. Phần lớn các vụ va chạm, tai nạn giao thông, người ta ít nghe thấy lời xin lỗi, mà ngay lập tức là những câu văng tục, to tiếng, thậm chí "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay"; không ít vụ dẫn đến thương tích, án mạng…

Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra xử lý tai nạn giao thông (Cục C26, Bộ Công an) cho rằng: Việc đi đúng phần đường, dừng đúng vạch sơn, chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, hoặc cảnh sát giao thông… là những quy định "phổ thông" nhất, nhưng nhiều người tham gia giao thông vẫn lấn, vượt, không chấp hành... Đường hơi ùn tắc một chút là những người đi sau cố nhoi lên, lấn đường, đi cả xe lên vỉa hè hoặc quay đầu... Sự nóng vội, thiếu ý thức đó trong chốc lát gây ùn tắc, rối loạn giao thông. Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để phơi hàng hóa, nông sản, để vật liệu xây dựng, buôn bán, trao đổi hàng hóa… cùng những hình ảnh không đẹp, hành vi thiếu văn hóa, gây cản trở, nguy hiểm cho người tham gia giao thông, cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội để đấu tranh, loại bỏ.

Cụ thể hóa "tiêu chí" văn hóa giao thông

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Hồ Nghĩa Dũng, tạo dựng VHGT không thể là công việc ngày một, ngày hai, mà cần một thời gian dài, thậm chí cả một thế hệ. Tuy nhiên, trước mắt phải tích cực xây dựng chiến lược giáo dục văn hóa giao thông cho cộng đồng một cách thiết thực, hiệu quả ngay từ bây giờ, nhằm hạn chế tối đa sự tổn thất về người và tài sản do tai nạn, ùn tắc giao thông.

Các chuyên gia, nhà quản lý giao thông đều cho rằng, khi ý thức chấp hành luật giao thông của người dân chưa trở thành thói quen thường trực, thì đây vẫn là một trong những nguy cơ lớn làm gia tăng tai nạn và ùn tắc giao thông... Để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đòi hỏi phải có nhiều điều kiện, trong đó có việc khắc phục bất cập về cơ sở hạ tầng và hiệu lực quản lý của nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT. Tuy nhiên, chúng ta không chờ hội đủ các điều kiện nêu trên mà ngay từ bây giờ phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, nhất là VHGT, nhằm tạo thói quen ứng xử có văn hóa, coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống, là biểu hiện văn minh của người tham gia giao thông.

Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, được sự ủy quyền của Ủy ban ATGT quốc gia, đã xây dựng dự án với mục tiêu huy động sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức văn hóa nghệ thuật, các nhà báo, văn nghệ sĩ, nhà giáo… góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho cộng đồng bằng các chương trình phù hợp, sinh động, thiết thực, hấp dẫn. Hai nội dung cơ bản của dự án được xác định gồm: "Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, tạo điều kiện cho cộng đồng có hiểu biết đầy đủ, đúng đắn, tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT" và "Xây dựng ý thức cộng đồng, tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, thái độ ứng xử văn hóa của mỗi người khi tham gia giao thông".

Văn hóa giao thông là một vấn đề lớn, không chỉ tuyên truyền bằng khẩu hiệu mà phải có những nội dung cụ thể, thiết thực; phải làm kiên quyết, phối hợp nhiều biện pháp đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài, kết hợp giữa giáo dục và cưỡng chế, tạo sự chuyển biến thật sự ý thức của người tham gia giao thông. Thượng tá Trần Sơn (Cục C26, Bộ Công an) cho rằng: Nhiều tiêu chí về VHGT đã được thể hiện trong Luật Giao thông đường bộ, như: Đi đúng phần đường, giúp đỡ người già, trẻ em, người tàn tật; cứu giúp người bị tai nạn; đội mũ bảo hiểm cho trẻ em; không dùng còi xe trong khu vực đô thị từ 22 giờ đêm đến 5 giờ sáng… Do vậy, việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, nâng cao hiểu biết, ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông trong cộng đồng nói chung, người trực tiếp tham gia giao thông phải được đặt lên hàng đầu. VHGT cũng chính là việc thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông.

Chuyển biến về nhận thức không dễ có được trong thời gian ngắn, nhất là những bất cập, quá tải của hệ thống giao thông cản trở không nhỏ việc tạo dựng thói quen tốt. Để xây dựng VHGT, cần có sự chung tay giúp sức của nhiều ngành, tạo môi trường thuận lợi để mỗi người dân cảm thấy thoải mái thực hiện trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông./.

Phạm Quân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com