Vì sao sàn giao dịch việc làm chưa thu hút người lao động ?

04:06, 30/06/2010

Tra cứu thông tin tuyển dụng lao động tại Sàn giao dịch việc làm của tỉnh.    Ảnh: Xuân Thu

Tra cứu thông tin tuyển dụng lao động tại Sàn giao dịch việc làm của tỉnh.

                                                                        Ảnh: Xuân Thu

Chương trình "Giải quyết việc làm - giảm nghèo" giai đoạn 2006-2010 của tỉnh đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho hơn 10 nghìn người. Cùng với các giải pháp, sự ra đời của sàn giao dịch việc làm là phương tiện thúc đẩy việc hoàn thành mục tiêu đề ra về giải quyết việc làm. Ngày 10-3-2010, sàn giao dịch việc làm tỉnh đã chính thức đi vào hoạt động với phiên giao dịch việc làm đầu tiên. Tuy nhiên, sau 4 phiên giao dịch, thực tế cho thấy sàn giao dịch việc làm chưa phát huy hết vai trò, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp và người lao động tìm đến giao dịch, tìm kiếm cơ hội về việc làm.

Tại phiên giao dịch đầu tiên diễn ra ngày 10-3-2010, con số về nhu cầu tuyển dụng là rất đáng phấn khởi: 63 doanh nghiệp với 13046 việc làm cần tuyển dụng nhưng chỉ có khoảng 2000 lao động lên sàn tìm việc, trong đó có 1250 lao động tham gia phỏng vấn tại sàn và chỉ có 304 lao động được tuyển dụng. Ở 3 phiên giao dịch tiếp theo (diễn ra vào ngày 10 hàng tháng) số liệu thống kê cho thấy các chỉ số giao dịch đều giảm dần. Phiên giao dịch lần 2 có 27 doanh nghiệp cần tuyển dụng cho 5604 việc làm, có 750 lao động lên sàn, 377 lao động tham gia phỏng vấn và 106 lao động được tuyển dụng tại sàn. Phiên giao dịch lần 3 có 25 doanh nghiệp cần tuyển dụng 5612 lao động, có 320 lao động lên sàn, 70 lao động được tuyển dụng tại sàn. Đến phiên giao dịch lần 4 chỉ có 22 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng 1322 lao động, có 395 lao động đến sàn với 87 lao động được tuyển dụng tại sàn. Ngoài ngày diễn ra phiên giao dịch, người lao động đến sàn, tần suất đăng ký tìm việc và tra cứu thông tin việc làm rất thấp. Tuy nhiên, thực tế của thị trường lao động tỉnh ta thời gian qua diễn biến khác hẳn. Đại diện ban quản lý các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh đều cho biết nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp hiện nay tương đối lớn. Về vấn đề lao động, cơ quan lao động các địa phương đều có số liệu lao động thất nghiệp, lao động chưa có việc làm tương đối lớn. Ngoài ra, đây còn là thời điểm tốt nghiệp, bắt đầu tìm kiếm việc làm của hàng nghìn học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân sàn giao dịch việc làm không sôi nổi vì người lao động thiếu thông tin về sàn. Chị Phạm Thị Thực, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) cho biết: "Tôi vừa bỏ việc ở Cty may Garnet, đang muốn tìm việc mới. Không biết sàn giao dịch việc làm ở đâu và cũng chẳng biết đến đấy có tìm được việc không nên đành đi gõ cửa các Cty may ở KCN Hoà Xá, nhờ bạn bè hỏi hộ. Một tuần rồi chưa tìm được việc…". Đối với người lao động ở huyện càng thiếu thông tin, nhiều người chưa biết sàn giao dịch việc làm là gì, để làm gì…

Với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, nguyên nhân thờ ơ với sàn giao dịch việc làm cũng tương tự. Hầu hết các chủ doanh nghiệp đều biết về sự ra đời của sàn giao dịch việc làm, không ít người có nhu cầu tuyển dụng đã rất phấn khởi. Anh Phạm Khắc Chiến, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân ở CCN An Xá cho biết: "Tôi cũng đến tham dự phiên giao dịch đầu tiên, nhưng sau đó không thấy thêm thông tin gì về sàn. Tháng 5 vừa qua, Cty tuyển hơn 20 công nhân, nhưng không biết lên sàn có tuyển được lao động không, nên thôi". Nhiều chủ doanh nghiệp khác cũng có ý kiến giống anh Chiến là không có thông tin về sàn để cập nhật, đồng thời thấy chưa tin tưởng vào việc đến sàn sẽ tuyển dụng được lao động… Với nhận thức như vậy từ cả người lao động và chủ doanh nghiệp, việc tụt giảm các chỉ số trong 4 phiên giao dịch vừa qua là điều khó tránh khỏi. Sàn giao dịch việc làm đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường lao động lưu thông qua hiệu quả hoạt động. Nhưng trước hết, sàn giao dịch việc làm phải thu hút được các doanh nghiệp và người lao động. Như vậy, sàn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin qua phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức đến các đơn vị có liên quan đến việc làm như khu, cụm công nghiệp, các trường dạy nghề, cơ quan, doanh nghiệp, chính quyền địa phương… Bên cạnh đó, phải xây dựng cơ chế cập nhật đầy đủ thông tin về việc làm, trong đó lấy sàn giao dịch làm trung tâm để chắp nối, giải quyết quan hệ cung - cầu về việc làm. Chỉ khi đó, hiệu quả của sàn mới được phát huy, không chỉ thu hút người lao động, doanh nghiệp ở mỗi phiên giao dịch hàng tháng mà còn là điểm đến thường xuyên để có cơ hội tìm được công việc tốt hơn. Về lâu dài, sàn giao dịch việc làm cần quan tâm việc nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp lớn với số lượng mỗi đợt lên tới hàng nghìn lao động và tổ chức các hoạt động lớn về việc làm như hội chợ việc làm, ngày hội việc làm, tuần lễ việc làm…

Văn Đông

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com