Đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt

07:08, 12/08/2022

Với nhiều lợi ích thiết thực, ngày càng nhiều người dân lựa chọn xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong giao dịch, mua sắm thông qua các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: Ví điện tử, Mobile Banking, Internet Banking, mã QR... hoặc thanh toán gián tiếp qua các tổ chức tín dụng. Để tạo cơ sở pháp lý, thúc đẩy TTKDTM, góp phần xây dựng chính quyền số, ngày 15-6-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND về phát triển TTKDTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Hướng dẫn khách hàng đăng ký dịch vụ VCB Digital Bank trên điện thoại thông minh tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam   Chi nhánh   Nam Định.
Hướng dẫn khách hàng đăng ký dịch vụ VCB Digital Bank trên điện thoại thông minh tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Nam Định.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh, từ năm 2021 đến nay hoạt động TTKDTM trên địa bàn tỉnh có sự phát triển, cơ sở hạ tầng cho thanh toán tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết 31-6-2022, toàn tỉnh có 215 máy ATM, 435 máy POS với 1.238.569 thẻ ATM đã được phát hành. Tổng số giao dịch qua máy POS là 67.647 lượt, tổng giá trị giao dịch qua máy ATM là 18.426 tỷ đồng. Cùng với mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch, các phương tiện, dịch vụ thanh toán của các đơn vị được vận hành thông suốt, ổn định, khả năng xử lý các giao dịch thanh toán với tốc độ cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, an toàn và bảo mật cao. Đặc biệt, lĩnh vực thanh toán điện tử trong dịch vụ hành chính công cũng được đẩy mạnh. Nhiều nhóm dịch vụ công đến nay đã được triển khai thanh toán bằng các phương thức điện tử đem lại sự thuận tiện, an toàn, nhanh chóng cho người dân. Có thể kể đến như các dịch vụ thu hộ: thuế, điện, nước, cước viễn thông, học phí, viện phí, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm; ngoài ra, các dịch vụ thanh toán qua QR Code, tài khoản ngân hàng trên nền tảng internet của người dân cũng tăng đột biến từ 30 đến 150%.

Để phát triển TTKDTM trong giai đoạn tiếp theo, tại Kế hoạch số 81/KH-UBND tỉnh đặt mục tiêu giai đoạn 2022-2025 TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%. 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác. 100% các huyện, thành phố, các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có các điểm chấp nhận TTKDTM. Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20-25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh internet đạt 35-40%/năm. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%. Trên 90% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức TTKDTM; các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM.

Căn cứ vào các mục tiêu cụ thể này, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, như: thanh toán qua QR Code, mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), ví điện tử… Tiếp tục phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, cung ứng các dịch vụ gia tăng khác; tập trung hoàn thành chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, gia tăng dịch vụ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác. Tại địa bàn các huyện, các tổ chức tín dụng tập trung khuyến khích phát triển các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM phù hợp với hành vi tiêu dùng ở khu vực nông thôn. Tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh TTKDTM trên thiết bị di động gắn với việc triển khai dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Đối với khu vực dịch vụ hành chính công, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan: Sở Tài chính, Cục thuế tỉnh, Chi cục Hải quan Nam Định, Kho bạc Nhà nước Nam Định nghiên cứu triển khai các giải pháp khuyến khích TTKDTM trong công tác quản lý. Tiếp tục hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, với hạ tầng của các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc để phục vụ yêu cầu phối hợp thu ngân sách Nhà nước, tăng cường triển khai chi ngân sách Nhà nước bằng phương thức TTKDTM. Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; tăng cường kết nối giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống một cửa điện tử của các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện khuyến khích thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí. Các sở, ngành liên quan chỉ đạo các trường học, bệnh viện, trường dạy nghề xây dựng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, phối hợp với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán đẩy mạnh thu tiền học phí, viện phí không dùng tiền mặt; đẩy mạnh triển khai kết nối và cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các công ty điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị đẩy mạnh phối hợp với ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu tiền sử dụng dịch vụ, tiền điện, nước... bằng phương thức TTKDTM. Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai các giải pháp để hoàn thiện hạ tầng, cơ sở dữ liệu, thúc đẩy thanh toán điện tử trong các chương trình trợ cấp an sinh xã hội, chi trả lương hưu,

trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp. Các sở, ngành tập trung vận động, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại, doanh nghiệp hoàn thiện, tăng cường kết nối, tích hợp giữa hạ tầng thanh toán điện tử của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán với hạ tầng của các đơn vị chấp nhận thanh toán, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thanh toán điện tử trong thương mại điện tử (TMĐT), tại các điểm bán lẻ và thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ trực tuyến; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên thiết bị di động (như QR Code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc, ví điện tử) để thúc đẩy TMĐT phát triển. Làm tốt công tác giải quyết phản ánh khiếu nại tranh chấp trực tuyến trong TMĐT, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch.

Song song với phát triển hệ thống phục vụ TTKDTM, công tác an toàn, an ninh, bảo mật hệ thống thanh toán cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao. Theo đó, NHNN Chi nhánh tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán. Tăng cường cơ chế hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin giữa NHNN chi nhánh tỉnh với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan để kịp thời phát hiện, phòng ngừa, điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán; chia sẻ thông tin nhằm ngăn chặn, phòng ngừa nguy cơ lợi dụng hoạt động thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng, chống rửa tiền trong hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, đảm bảo hoạt động thanh toán an toàn, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong TTKDTM. Xây dựng kế hoạch, triển khai các chương trình truyền thông, tuyên truyền, giáo dục tài chính với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, có tính lan tỏa trong cộng đồng, hướng tới các đối tượng như người dân vùng nông thôn, người yếu thế trong xã hội, người chưa có tài khoản ngân hàng, học sinh, sinh viên, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, người tiêu dùng ít có cơ hội tiếp xúc công nghệ... qua đó giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng sản phẩm, dịch vụ TTKDTM. Vận động, khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ có các hình thức miễn, giảm phí, khuyến mãi, giảm giá... đối với khách hàng khi sử dụng các phương thức TTKDTM để thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Bảo vệ người tiêu dùng trong TTKDTM; phối hợp giải đáp thắc mắc, xử lý khiếu nại nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; xây dựng cẩm nang về TTKDTM cho khách hàng.

Với vai trò là cơ quan đầu mối, thời gian tới, NHNN chi nhánh tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các chi nhánh tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc triển khai, ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại với chi phí hợp lý, tốc độ thanh toán nhanh, đơn giản, tiện dụng và chất lượng cao. Lựa chọn mô hình phù hợp, từng bước cân đối phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán qua ngân hàng giữa thành thị và nông thôn, tạo nền tảng vững chắc để xã hội hóa giao dịch, thanh toán và TMĐT./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com