Quyết tâm cải thiện Chỉ số PAPI vì sự hài lòng của người dân

07:06, 01/06/2022

Theo báo cáo điểm Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021, tỉnh ta đạt 43,81 điểm, nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số PAPI đóng vai trò như một “tấm gương”, phản ánh được đánh giá của người dân từ bên ngoài khu vực Nhà nước về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của chính quyền để tỉnh soi chiếu về hiệu quả công tác điều hành và cung ứng dịch vụ công trong năm qua. Vì vậy, qua các điểm chỉ số thành phần sẽ hiểu đâu là những vấn đề cần cải thiện trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công.

Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh được đầu tư, xây dựng mới, hiện đại góp phần nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công.
Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh được đầu tư, xây dựng mới, hiện đại góp phần nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công.

So với năm 2020, chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 5,24 điểm, tăng 0,34 điểm do đã tăng tỷ lệ người dân, đặc biệt là những người từ 18 tuổi trở lên, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động thực hiện quyền dân chủ, bao gồm: đi bầu cử, tham gia ý kiến đóng góp và giám sát các dự án xây mới hoặc tu sửa công trình công cộng bằng nguồn huy động người dân đóng góp tự nguyện ở xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú... góp phần cải thiện hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương. Chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,28 điểm, tăng 0,51 điểm nhưng cải thiện không đáng kể so với kết quả năm 2020. Trong đó, nhiều người dân đánh giá rất thấp việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân từ phía chính quyền địa phương bởi phần lớn đều chưa hài lòng với kết quả nhận được; khi có khúc mắc, người dân có xu hướng tiếp cận cán bộ, công chức UBND xã/phường/thị trấn hơn đại biểu dân cử của họ ở HĐND xã/phường/thị trấn. Chỉ số cung ứng dịch vụ công đạt 7,91 điểm, tăng 0,35 điểm do người dân ghi nhận sự cải thiện ở một số mặt về cơ sở hạ tầng cơ bản và an ninh, trật tự ở địa phương, thể hiện qua mức độ hài lòng cao hơn với chất lượng đường sá, tiếp cận nước sạch, thu gom rác thải, dịch vụ y tế cũng như ít phải đối mặt với tội phạm như trộm cắp, đột nhập, cướp giật hơn trước. Giãn cách xã hội và các biện pháp hạn chế đi lại để phòng, chống dịch có thể đã giúp cải thiện điều kiện an ninh, trật tự. Ngoài ra, việc tăng đầu tư công cho nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ bản đã được các cấp chính quyền địa phương áp dụng trong giai đoạn dịch bệnh. Chỉ số quản trị môi trường đạt 3,62 điểm, tăng 0,2 điểm do tỷ lệ cao số doanh nghiệp khẳng định không phải “chung chi” với chính quyền để trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường; tuy nhiên còn nhiều người đánh giá chưa cao việc chính quyền đã xử lý vấn đề môi trường ngay sau khi nhận được thông báo tham gia bảo vệ môi trường của họ. Chỉ số quản trị điện tử đạt 2,67 điểm, tăng 0,02 điểm do người dân nhận diện các cấp chính quyền đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước đưa vào cung ứng dịch vụ công trên môi trường điện tử. Tuy nhiên người dân chưa đánh giá cao sự phúc đáp của chính quyền địa phương và kết quả sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, so với năm 2020, còn 3/8 chỉ số lĩnh vực nội dung của Chỉ số PAPI giảm điểm. Trong đó, chỉ số công khai hóa, minh bạch trong việc ra quyết định (đáp ứng “quyền được biết” về những chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đời sống và sinh kế của người dân) đạt 5,67 điểm, giảm 0,19 điểm. Năm 2021, tỉnh ta chưa có nhiều nỗ lực đáng kể trong tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin 2016. Từ góc độ thực thi Luật Tiếp cận thông tin, chính sách, pháp luật của Nhà nước, rất ít người đã nhận được thông tin họ cần với chất lượng thông tin nhận được là đáng tin cậy; tiếp cận thông tin đất đai của người dân còn rất hạn chế ở các thông tin về kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất. Chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 7 điểm, giảm 0,13 điểm do người dân vẫn phản ánh hiện trạng chung chi để có việc làm trong khu vực Nhà nước vẫn khá phổ biến và có mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn được tuyển vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã (gồm: công chức địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND xã/phường). Tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi “lót tay” còn cao; số người dùng dịch vụ của khối bệnh viện công tuyến huyện cho biết họ phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn cũng tăng nhẹ. Chỉ số thủ tục hành chính công đạt 7,42 điểm, giảm 0,05 điểm do còn nhiều người dân đánh giá thủ tục và dịch vụ hành chính công liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều nhiêu khê hơn so với thủ tục và dịch vụ hành chính liên quan đến chứng thực, xác nhận của các cấp chính quyền và giấy tờ tùy thân được thực hiện ở cấp xã/phường/thị trấn; người làm thủ tục xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường phải đi qua nhiều “cửa”, gặp nhiều người để được giải quyết công việc hơn so với làm các giấy tờ tùy thân khác ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở xã/phường/thị trấn; còn tình trạng chậm trễ trong trả kết quả là điểm yếu nhất trong xử lý hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Người dân khám bệnh tại Phòng khám Đa khoa Đình Cự (Xuân Trường).
Người dân khám bệnh tại Phòng khám Đa khoa Đình Cự (Xuân Trường).

Căn cứ trên kết quả rà soát, phân tích từng vấn đề cụ thể ở 8 chỉ số nội dung, tỉnh xác định các cấp chính quyền, ngành chức năng cần tăng cường phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện Chỉ số PAPI, chịu trách nhiệm trước cấp trên đối với các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao. Phải lưu ý khắc phục những hoạt động trong quản trị và quản lý công chưa được người dân hài lòng. Trong đó, cải cách đồng bộ, hiệu quả thủ tục hành chính liên quan đến người dân, tổ chức, thủ tục, quy trình giải quyết công việc nội bộ giữa cơ quan hành chính Nhà nước. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về công khai, minh bạch các thông tin về: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án, công trình đầu tư, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù, tình hình thu, chi ngân sách địa phương và các nội dung về chế độ, chính sách của người dân. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tổ chức khảo sát thường xuyên mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức về triển khai các chế độ, chính sách liên quan đến người dân; tiếp nhận, giải quyết kịp thời thắc mắc, phản ánh, kiến nghị, góp ý và đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế, thiếu sót nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của người dân thông qua các buổi tiếp dân định kỳ, các cuộc làm việc, tiếp xúc cử tri. Tiếp tục rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm thời gian và chi phí của người dân, tổ chức; kịp thời cập nhật, công khai đầy đủ thủ tục hành chính theo quy định; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, giúp người dân, tổ chức có thể thực hiện dịch vụ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.

Bằng việc gia tăng các giải pháp, các cấp chính quyền, ngành chức năng hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy để người dân tin tưởng hơn vào chính quyền, cảm nhận được quyền lợi chính đáng của mình được đảm bảo, giúp giải phóng tiềm năng của từng cá nhân; từ đó đóng góp tích cực vào những nỗ lực phục hồi và phát triển bền vững của tỉnh, đặc biệt sau những tác động tiêu cực to lớn của dịch COVID-19 năm 2021 vừa qua./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com