Quy hoạch các tuyến đường bộ mới tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

08:06, 13/06/2022

Với mục tiêu xây dựng và từng bước hoàn chỉnh, hiện đại hóa mạng lưới giao thông vận tải (GTVT) tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đảm bảo phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ khoa học, ổn định, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kết nối vùng; kết nối đô thị vùng với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia bền vững, ngày 26-5-2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 970/QĐ-UBND phê duyệt bổ sung quy hoạch tuyến đường gom hai bên đường cao tốc Bắc Nam phía Đông kết nối liên vùng tỉnh Nam Định đến tỉnh Hà Nam; Tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định - Đường cao tốc Bắc - Nam (tuyến tránh giảm tải cho Quốc lộ 10) và tuyến nhánh vào quy hoạch phát triển giao thông đường bộ tỉnh Nam Định đến năm 2030. 

Quốc lộ 21 qua địa bàn thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) được đầu tư hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện lưu thông.
Quốc lộ 21 qua địa bàn thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) được đầu tư hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện lưu thông.

Tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía Đông qua địa phận tỉnh Nam Định (từ đường 495B, tỉnh Hà Nam đến cầu Nam Bình trên sông Đáy) dài khoảng 23,5km. Hệ thống đường gom 2 bên tuyến cao tốc hầu như chưa được xây dựng, hiện tại có một số đoạn cục bộ thì đường nhỏ hẹp chỉ bảo đảm cho nhân dân sản xuất nông nghiệp. Để khai thác lợi thế quỹ đất hai bên đường cao tốc Bắc Nam, hình thành các khu, cụm công nghiệp thì phải quy hoạch hạ tầng giao thông đồng bộ, liên hoàn. Vì vậy việc quy hoạch tuyến đường gom hai bên đường cao tốc, kết nối các trục: đường 495B (Hà Nam) và đường tỉnh 485 (Nam Định), đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với cao tốc Bắc Nam, các tuyến Quốc lộ 10 và 38B sẽ tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp dọc 2 bên tuyến cao tốc Bắc Nam đã và đang được quy hoạch. Nam Định nằm ở phía Nam đồng bằng sông Hồng, kết nối với cả nước theo hai hướng chính qua đường cao tốc Bắc Nam là hướng phía Bắc theo Quốc lộ 21B vào nút giao Liêm Tuyền và hướng phía Nam theo Quốc lộ 10 vào nút giao Cao Bồ. Hiện nay, hướng phía Bắc theo Quốc lộ 21B đã được đầu tư đồng bộ theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng (đoạn qua địa phận Nam Định theo quy mô cấp I đồng bằng); hướng phía Nam đường Quốc lộ 10 là đường cấp III đồng bằng (mặt đường rộng 11m) là hướng có lưu lượng giao thông lớn vì không chỉ tỉnh Nam Định mà còn phục vụ các tỉnh, thành phố Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh kết nối với các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên mặt bằng chật hẹp, không thể mở rộng đường được vì tiếp giáp với đường sắt và các khu dân cư tập trung đông đúc.

Từ nhu cầu giao thông hiện tại và dự báo tương lai, đồng thời để đảm bảo cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì cần thiết phải quy hoạch tuyến đường gom hai bên đường cao tốc Bắc Nam phía Đông kết nối liên vùng tỉnh Nam Định đến Hà Nam; Tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định đến đường trục phát triển kinh tế biển Nam Định (giảm tải cho Quốc lộ 10) và tuyến nhánh, quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo Quyết định của UBND tỉnh, tuyến đường gom hai bên đường cao tốc Bắc Nam phía Đông kết nối liên vùng tỉnh Nam Định đến Hà Nam gồm: Tuyến đường gom phía Tây (phía phải theo hướng Hà Nội - Ninh Bình) có điểm đầu kết nối với đường tỉnh 495B, thôn Chanh Thượng, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) và điểm cuối đê tả Đáy (cầu Nam Bình, giáp ranh tỉnh Nam Định với tỉnh Ninh Bình), chiều dài tuyến khoảng 20,5km; tuyến đường gom phía Đông (phía trái theo hướng Hà Nội - Ninh Bình) có điểm đầu kết nối với tuyến nhánh của đường tỉnh 495B tại vị trí đầu cầu An Khoái, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) và điểm cuối tại đê tả Đáy (cầu Nam Bình, giáp ranh Nam Định với Ninh Bình), chiều dài tuyến khoảng 21km; tổng chiều dài hai tuyến đường gom phía Tây và phía Đông khoảng 41,5km, quy mô tối thiểu đường cấp III đồng bằng, mỗi tuyến 4 làn xe, tổng bề rộng nền đường khoảng 17m, phạm vi giải phóng mặt bằng khoảng 40m. Tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định đến đường trục phát triển kinh tế biển Nam Định và tuyến nhánh gồm: tuyến chính (thành phố Nam Định đến đường trục phát triển kinh tế biển Nam Định) dài 19,6km (gồm 2 đoạn, có điểm đầu nối với cuối đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Nam Định, cách đường Song Hào 0,5km; điểm cuối tại đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cách nút giao Cao Bồ khoảng 3,5km). Tuyến nhánh 1 có tổng chiều dài 7,2km theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, quy mô tối thiểu 4 làn xe, nền đường rộng 17m, phạm vi giải phóng mặt bằng tối thiểu 60m; điểm đầu trên tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định với đường trục phát triển kinh tế biển Nam Định, cách nút giao với quốc lộ khoảng 1km về phía thành phố Nam Định, điểm cuối trên tuyến đường tỉnh 485B, cách bến phà Kinh Lũng khoảng 1km. Tuyến nhánh 2 dài khoảng 3km, theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, quy mô tối thiểu 4 làn xe, nền đường 17m, phạm vi giải phóng mặt bằng tối thiểu 60m.

Theo phương án quy hoạch tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định đến đường cao tốc Bắc Nam (tuyến tránh giảm tải cho Quốc lộ 10) và tuyến nhánh sẽ giải quyết hai mục tiêu chính là: giảm tải phần lớn lưu lượng giao thông trên đoạn tuyến 20km Quốc lộ 10 từ vành đai 1 thành phố Nam Định (cầu vượt đường sắt Lộc An) đến cao tốc Bắc Nam (nút giao Cao Bồ) do tuyến đường quy hoạch mới chỉ dài hơn tuyến cũ 1,5km nhưng có quy mô cấp cao, tầm nhìn thoáng thì gia tăng khả năng thu hút người lái các phương tiện chọn lưu thông trên tuyến đường mới. Đồng thời, phương án quy hoạch tuyến đường bộ mới còn góp phần thực hiện một phần kế hoạch đầu tư thuộc Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định và góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định đến đường cao tốc Bắc Nam được quy hoạch dài 19,6km thì có 4,1km trùng với tuyến đường mới trong quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định (từ đường đôi Nguyễn Văn Cừ, khu đô thị Đồng Quýt đến đường vành đai 2). Mặt khác, hiện nay tỉnh đang đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới kết nối từ đường Song Hào qua cầu vượt sông Đào (thành phố Nam Định) đến tuyến đường bộ ven biển tại huyện Giao Thủy với quy mô đường cấp I đồng bằng (nền đường rộng 39m); Tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định đến đường cao tốc Bắc Nam được nghiên cứu quy hoạch theo hướng kết nối từ đường Song Hào đi theo đường đôi Nguyễn Văn Cừ đến đường cao tốc Bắc Nam sẽ kết nối thông suốt hai tuyến đường mới này với nhau, phát huy hiệu quả đầu tư tổng thể. Tuyến nhánh 1 kết nối với đường tỉnh 485B theo hướng qua cầu Kinh Lũng (hiện tại đang là phà Kinh Lũng) sang các huyện Nam Trực, Trực Ninh, đồng thời phát huy quỹ đất nông nghiệp rộng và có vị trí rất thuận lợi của huyện Vụ Bản. Tuyến nhánh 2 kết nối tuyến đường bộ thành phố Nam Định - đường cao tốc Bắc Nam với đường gom hai bên đường cao tốc phát huy hiệu quả của các tuyến đường và lưu lượng giao thông không phải qua nút giao Cao Bồ gây mất an toàn giao thông; khai thác lợi thế các cảng đường thuỷ trên sông Đáy và quỹ đất hai bên tuyến đường mới. 

Để quản lý việc thực hiện đầu tư phát triển giao thông đúng quy hoạch, UBND tỉnh giao Sở GTVT công bố rộng rãi phương án tuyến, tổng hợp ý kiến của các sở, ngành có liên quan, báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh lại khi cần thiết. Hướng dẫn các đơn vị quản lý đường tổ chức cắm mốc chỉ giới theo quy hoạch để quản lý quy hoạch và hành lang bảo vệ đường bộ, phân loại đặt tên và số hiệu đường theo quy định của Chính phủ và Bộ GTVT về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Các sở, ban, ngành có liên quan cập nhật tuyến đường vào quy hoạch từng ngành, từng lĩnh vực, lấy tuyến đường bộ mới làm cơ sở, định hướng, xây dựng phát triển kinh tế các ngành, lĩnh vực có liên quan. Các địa phương khu vực tuyến đi qua phải cập nhật các tuyến đường vào quy hoạch tổng thể cũng như quy hoạch phát triển chung của vùng, để có giải pháp phân bổ, sử dụng tài nguyên đất đai, dành quỹ đất xây dựng các tuyến đường mới cho hợp lý. Đồng thời có chính sách, giải pháp hỗ trợ việc tái định cư, tái sản xuất phù hợp cho người dân, tránh thất thoát lãng phí. UBND thành phố Nam Định và các huyện có trách nhiệm quản lý chặt chẽ hành lang an toàn đường bộ, quản lý hệ thống kết cấu công trình đường bộ bao gồm cả hệ thống giao thông tĩnh, đường thủy nội địa trên địa bàn theo phân cấp.

Quy hoạch bổ sung tuyến đường gom hai bên đường cao tốc Bắc Nam và tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định đến đường trục phát triển kinh tế biển Nam Định (tuyến tránh giảm tải cho Quốc lộ 10) và tuyến nhánh phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định và quy hoạch phát triển GTVT quốc gia; hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, liên thông, đủ khả năng kết nối đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững kinh tế của tỉnh và của khu vực định hướng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Trong tương lai, các tuyến đường bộ mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như góp phần kết nối Nam Định với các khu vực liền kề và cả nước; là tiền đề cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com