Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa

07:06, 27/06/2022

Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu nhiều áp lực: Chi phí sản xuất tăng do giá xăng, dầu tăng đã tác động làm tăng giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao; việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero COVID” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, chậm trễ trong giao nhận hàng hóa ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp... Trong bối cảnh đó, cùng với nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu vượt khó. Nhờ đó, trong khó khăn xuất khẩu toàn tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng (giá trị hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.305 triệu USD, tăng 10,3% so cùng kỳ năm ngoái), là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh.

Dệt sợi tại Công ty Cổ phần Dệt nhuộm Sunrise Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản).
Dệt sợi tại Công ty Cổ phần Dệt nhuộm Sunrise Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản).

Theo Sở Công Thương, giữa bối cảnh thị trường Trung Quốc thực hiện chiến lược “Zero COVID”, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh vẫn đang phải xuất khẩu hàng hóa thông qua hợp tác với các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu lâu năm của nước ngoài, các ngành chức năng của tỉnh đã khuyến cáo các doanh nghiệp cân nhắc thấu đáo trong lựa chọn ngân hàng thanh toán, tăng cường biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài. Các ngành chức năng đã khuyến cáo các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu tận dụng tối đa những ưu đãi trong 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết giữa Việt Nam và các nước, nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được thực hiện từ ngày 1-1-2022 để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa. Nhờ tiếp cận, khai thác được lợi thế từ các FTA nên phần nào cũng giúp các doanh nghiệp xuất khẩu được hàng hóa tại nhiều thị trường mới và lớn hơn. Các ngành cũng tập trung xây dựng, hình thành khung cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại nhằm phục vụ kết nối, liên thông với hệ sinh thái xúc tiến thương mại số theo hướng dẫn của Bộ Công Thương; đồng thời đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy phát triển ngoại thương và thương mại trong nước. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa để gia tăng cơ hội tiếp cận đối tác tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nước ngoài. Cụ thể, đã kết nối, hỗ trợ 10 doanh nghiệp dệt may của tỉnh tham gia khóa tập huấn nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế ngành dệt may năm 2022 do Cục Xúc tiến thương mại và Tổ chức Xúc tiến thương mại Canada (TFO Canada) tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng zoom; hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh giao thương doanh nghiệp Nhật Bản tại hội chợ Triển lãm thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên - Gia Lai năm 2022; hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh giao thương với một số doanh nghiệp Hàn Quốc trong khuôn khổ Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc 2022” nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc tại thành phố Thanh Hóa; kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp xuất khẩu phía Bắc và Bắc Trung Bộ tại chương trình Xúc tiến thương mại ở thành phố Hà Nội.

Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu, dù phải đối mặt với các ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 như đứt gãy chuỗi cung ứng, tắc nghẽn dịch vụ logistics khiến chi phí vận chuyển tăng liên tục, thiếu hụt container rỗng nhưng bằng nhiều cách làm khác nhau, các doanh nghiệp đã cố gắng linh hoạt thích ứng, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Theo ngành Công Thương, thị trường xuất khẩu trọng yếu của hàng dệt may Nam Định nhiều năm gần đây là Mỹ, châu Âu, đây là các thị trường đòi hỏi cao về tiêu chuẩn, chất lượng nên việc xuất được vào thị trường này là minh chứng giúp các doanh nghiệp khẳng định được vị thế sẵn có về năng lực phục vụ, chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn của tỉnh đã đầu tư dây chuyền, thiết bị chủ động sản xuất thành công nhiều loại nguyên liệu trong chuỗi giá trị ngành dệt may. Nhờ đó, các doanh nghiệp dệt may của tỉnh, nhất là các doanh nghiệp dệt sợi như Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định, Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định, Công ty cổ phần Dệt may Sơn Nam... đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội hành lang thị trường rộng mở để thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường xuất khẩu trong bối cảnh một số hiệp định có ràng buộc về quy tắc xuất xứ nguyên liệu “từ sợi trở đi” như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các ngành hàng chủ lực khác cũng có cách thích ứng linh hoạt để phát triển. Theo Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lợi Phùng Đình Thông, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) chia sẻ: Là doanh nghiệp có uy tín, chỗ đứng tại thị trường nhiều nước như: Đức, Nhật Bản, Hà Lan... trong ngành cơ khí phục vụ ngành khai khoáng, nhiệt điện, xi măng, hóa chất, chế tạo máy nên Công ty luôn chú trọng nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc không ngừng cải tiến chất lượng các sản phẩm. Với việc nghiên cứu và thiết kế thành công lò nhiệt luyện liên tục tự động kết hợp giải pháp internet vạn vật (IoT) điều hành giám sát thu nhập dữ liệu từ xa, Công ty tự động hóa các quy trình và cắt giảm chi phí vận hành, cải thiện chất lượng sản phẩm, giúp nâng tầm thương hiệu, tiếp tục thu hút được nhiều khách hàng lớn ở các thị trường nước ngoài mới. 

Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Nam Định đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu thông qua hoạt động kết nối cung cầu xuất khẩu, tham gia hội chợ triển lãm quốc tế. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch cần tích cực chuyển sang xuất khẩu chính ngạch; chú trọng nghiên cứu nhu cầu thị trường để tham mưu sản xuất các mặt hàng phù hợp với nhu cầu của thị trường trên thế giới; phấn đấu để đưa thêm một số sản phẩm của tỉnh xuất khẩu để vừa giải quyết việc làm, vừa nâng cao giá trị của sản phẩm, xây dựng và quảng bá được thương hiệu hàng hóa của tỉnh ở thị trường quốc tế. Về phía các doanh nghiệp, cần thường xuyên có trao đổi, thông tin về tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu với các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất khẩu hàng hóa; tiếp tục đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm có chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu.

Với các nỗ lực, giải pháp kể trên, toàn tỉnh hướng tới mục tiêu đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu kim ngạch năm 2022, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com