Vốn tín dụng chính sách giúp giảm nghèo bền vững ở xã Nghĩa Thái

08:05, 31/05/2022

Được sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nghĩa Hưng trên địa bàn xã Nghĩa Thái đã phát huy tốt hiệu quả góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước giúp đỡ người yếu thế tiếp cận và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Được vốn tín dụng chính sách tiếp sức, ông Phạm Văn Chân (đứng giữa) ở xóm 3, đã đầu tư sản xuất, kinh doanh cá giống đem lại thu nhập ổn định.
Được vốn tín dụng chính sách tiếp sức, ông Phạm Văn Chân (đứng giữa) ở xóm 3, đã đầu tư sản xuất, kinh doanh cá giống đem lại thu nhập ổn định.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 cũ, ông Đinh Văn Hậu ở xóm 3 giờ chỉ có thể ngồi yên trên ghế để nói chuyện do chân đã bị thương tật, đi lại hết sức khó khăn. Ông Hậu cho biết: “Năm 2017, tôi bị tai nạn giao thông làm gẫy xương đùi. Vết thương bị hoại tử, để giữ được tính mạng tôi phải cưa 1 đoạn xương chân. Nhưng chân tôi vẫn chưa thể lành lặn hẳn do đoạn xương không hàn gắn được tiếp tục bị hoại tử. Suốt 5 năm qua, tôi phải thuyên chuyển qua nhiều bệnh viện tuyến Trung ương để chữa trị nhưng chưa khỏi dứt điểm được. Hiện tại, chân tôi vẫn đang phải điều trị với chi phí hết sức tốn kém. Kinh tế gia đình chững lại, tôi phải bỏ việc sản xuất cá giống, vợ tôi cũng thường xuyên đau ốm do bị rối loạn tâm thần nên hoàn cảnh kinh tế gia đình hết sức khó khăn”. Thấu hiểu và chia sẻ với khó khăn của gia đình ông, tháng 3-2022, Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng đã hỗ trợ, giải ngân cho ông Hậu vay 80 triệu đồng theo chương trình hộ cận nghèo để đầu tư nuôi lợn giống và lợn thịt. Ông Hậu phấn khởi cho biết: “Dự kiến sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng ô chuồng để nuôi đôi con lợn nái và 20 con lợn thịt”. Rời nhà ông Hậu, chúng tôi tìm đến hộ ông Phạm Văn Chân, một hộ cận nghèo khác của xóm 3. Tranh thủ phút nghỉ tay kéo lưới cá giống xuất cho khách, ông Chân chia sẻ: “Cuối năm 2021, chúng tôi đã được Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng giải ngân cho vay 80 triệu đồng để đầu tư cải tạo kè ao nuôi và tích trữ thêm cám cá. Số vốn trên đã hỗ trợ gia đình rất nhiều để vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 và bão giá cám thời gian qua”. Tính ra, 5 sào ao của gia đình ông Chân mỗi năm thu được 2 lứa cá, trừ chi phí, gia đình ông thu về được hơn 30 triệu đồng. Kinh tế ổn định nên việc hoàn trả gốc, lãi đều được ông thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. 

Ông Lê Văn Son, tổ trưởng tổ tiết kiệm uỷ thác qua Hội Nông dân ở xóm 3 cho biết: Tổ chúng tôi có 41 tổ viên, trong đó có 39 tổ viên còn dư nợ với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đầu tư các mô hình sinh kế bền vững, gia tăng thêm thu nhập, từng bước ổn định kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống như hộ ông Phạm Văn Chân với mô hình nuôi cá truyền thống, ông Nguyễn Văn Chuẩn với mô hình nuôi bò sinh sản... Đối với nhiều gia đình, vốn tín dụng chính sách trở thành “cứu cánh” cho kinh tế gia đình họ. Bởi với ưu điểm thủ tục đơn giản, lãi suất thấp, không mất phí hồ sơ, thời gian cho vay dài và giải ngân ngay tại xã, tạo cơ hội giúp người dân thu nhập thấp, các đối tượng chính sách tiết kiệm thêm chi phí, tự tin đầu tư các mô hình kinh tế bền vững đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đàm Văn Điềm chia sẻ thêm: “Để các chủ trương của Đảng và chính sách của Chính phủ đến đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, Ngân hàng CSXH huyện đã thực hiện niêm yết công khai, minh bạch, đầy đủ 100% các thủ tục, chính sách tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo tại điểm giao dịch của xã và luôn duy trì, kiện toàn tổ tiết kiệm và vay vốn tại 10 thôn, xóm trên địa bàn xã. Đây là giải pháp hữu hiệu để giúp người dân thuận tiện vay vốn và cán bộ tín dụng liên tục theo dõi, kiểm tra, giám sát trong quá trình sử dụng vốn vay của người dân. Ban Thường vụ Hội Nông dân cũng thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của các hộ sau khi được giải ngân. Đối với hộ vay vốn nước sạch là 45 ngày sau giải ngân; sau 1 tháng đối với các hộ vay vốn phát triển kinh tế hộ. Vì thế, nguồn vốn vay tín dụng chính sách trên địa bàn xã đều phát huy hiệu quả tối đa trên đồng ruộng, kinh tế vườn trại. Đời sống người dân nghèo và các đối tượng chính sách không ngừng được nâng cao, ý thức người dân trong “có vay, có trả” được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Việc thu gốc, thu lãi hàng tháng đều đặn. Toàn xã không có nợ quá hạn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Số hộ nghèo qua các năm đều giảm tích cực. Nhiều hộ sau khi được thụ hưởng nguồn vốn, kinh tế cải thiện đã chủ động rút khỏi danh sách hộ nghèo để nhường cho các hộ khó khăn hơn như hộ chị Đinh Thị Cúc, chị Dương Thị Mừng ở xóm 3… Hiện tại, tổng dư nợ của 8 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn xã là xấp xỉ 25 tỷ đồng với 716 hộ còn dư nợ. Các chương trình tín dụng ưu đãi chủ yếu tập trung vào cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (10 tỷ 228 triệu đồng với 554 hộ), cho vay hộ cận nghèo (7,7 tỷ đồng với 118 hộ), cho vay hộ mới thoát nghèo (4,9 tỷ đồng với 70 hộ). Vốn tín dụng chính sách tại địa phương được uỷ thác cho vay qua Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên với tổng cộng 22 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, Hội Nông dân quản lý 12 tổ vay vốn với 271 hộ còn dư nợ, số tiền là 12 tỷ 904 triệu đồng; Đoàn Thanh niên quản lý 10 tổ vay vốn với 345 hộ còn dư nợ, số tiền là 12 tỷ 92 triệu đồng. 

Thời gian tới, UBND xã Nghĩa Thái tiếp tục chỉ đạo các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội trong xã đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách giảm nghèo; đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, chú trọng hỗ trợ hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi kết hợp với công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com