Thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

08:05, 11/05/2022

Tính đến hết năm 2021, bên cạnh những kết quả tiêu biểu đạt được tại 106 xã, thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao và 600 thôn, xóm, tổ dân phố đã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu thì Chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao của tỉnh còn một số hạn chế cần tập trung tháo gỡ, thúc đẩy. Trong đó, việc thực hiện tiêu chí thu nhập ở nhiều địa phương chưa thực sự bền vững, cần chú trọng nâng cao chất lượng.

Gia đình ông Lại Văn Quang xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) phát triển nghề sản xuất mắm tôm truyền thống.
Gia đình ông Lại Văn Quang xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) phát triển nghề sản xuất mắm tôm truyền thống.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, việc hoàn thành đạt chuẩn tiêu chí thu nhập luôn là thách thức không nhỏ đối với nhiều địa phương do hầu hết các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh khu vực nông thôn có quy mô nhỏ và vừa nên năng lực “bứt tốc” trong đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu còn hạn chế. Năm 2021, dù lọt vào tốp 11 tỉnh, thành phố có tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước (GRDP bình quân đầu người đạt 5,8 triệu đồng/người, tăng 5,90% so với năm trước) nhưng tỉnh ta cũng nằm trong xu thế chung toàn quốc bị giảm sút đáng kể về chỉ tiêu thu nhập bình quân của người lao động do tác động xấu của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Theo đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Năm 2022, toàn tỉnh sẽ tập trung thực hiện các tiêu chí khó của chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện nhiệm vụ nâng chất tiêu chí thu nhập. Tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, phân cấp trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, nhất là các đồng chí trong BCH Đảng bộ cấp huyện, Ban thường vụ Đảng uỷ cấp huyện phụ trách xã; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các xã, thôn/xóm rà soát, đánh giá kết quả xây dựng MTM kiểu mẫu, nâng cao, đặc biệt là khả năng hoàn thành tiêu chí thu nhập theo diễn biến thực tế tại địa phương, nhất là trong bối cảnh còn chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Từ đó, có biện pháp, chương trình gỡ vướng thiết thực, hiệu quả, đảm bảo đạt kết quả bền vững suốt lộ trình thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, các địa phương phải bám sát các quy định, hướng dẫn mới nhất của các cấp chính quyền từ Trung ương, tỉnh đến huyện về thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu, nâng cao; trong đó, phải đặc biệt lưu ý Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 được Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký ban hành theo Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 8-3-2022. Cụ thể, các xã của tỉnh Nam Định phải đạt mức thu nhập bình quân đầu người năm 2022 từ 53 triệu đồng/người trở lên mới đạt tiêu chuẩn xã NTM; từ 64 triệu đồng/người trở lên mới đạt tiêu chuẩn xã NTM nâng cao. Tiếp tục bám sát tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18-6-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 16-7-2021 của UBND tỉnh để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong tiêu chí thu nhập của chương trình xây dựng NMT nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. 

Theo đó, các huyện, thành phố tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng tầm quy mô, năng lực, phát triển kinh tế nông thôn ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu theo hướng hiện đại, văn minh. Để nâng chất tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao, các huyện, thành phố đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được hưởng các chính sách của Trung ương, đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành một số cơ chế chính sách của tỉnh khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn. Chú trọng hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, người lao động trong công tác đào tạo kỹ năng gắn với nhu cầu của thị trường, trang bị bằng cấp, cho vay vốn, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, giúp tiếp cận thị trường lao động chính thức. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tiên tiến trong cả nông nghiệp, công nghiệp; hỗ trợ xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa, xuất khẩu. Trong sản xuất nông nghiệp, tập trung hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp và cơ cấu theo các nhóm sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn an toàn. Phát triển nhanh các hình thức tích tụ ruộng đất để tổ chức “cánh đồng lớn liên kết theo chuỗi giá trị” và các mô hình kinh tế. Tiếp tục thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm đặc sản địa phương và lợi thế vùng miền. Đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 293/QĐ-UBND ngày 30-1-2019 của UBND tỉnh và các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh giai đoạn 2021-2030; tập trung triển khai các cơ chế chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất từng bước tiếp cận thị trường bền vững theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với Chương trình OCOP; hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa gắn với truy xuất nguồn gốc và bảo hộ sở hữu trí tuệ; chú trọng xây dựng mô hình hỗ trợ cấp và quản lý mã số vùng trồng, vùng nuôi thủy sản chủ lực; tăng cường tiếp cận và ứng dụng các nội dung của Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là các ứng dụng của nông nghiệp số vào tổ chức sản xuất hàng hóa, áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại hóa sản phẩm. Các xã, thị trấn đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại địa bàn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ. Phát triển công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông thôn và phát triển sản phẩm OCOP làng nghề; ưu tiên phát triển các ngành nghề ít gây ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách, thị trường tiêu thụ ổn định. Rà soát, kiểm tra, yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường đúng quy chuẩn. Tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản ở các xã ven biển. 

Nam Định phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp trên 1,7 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn dưới 0,15%. Đến năm 2050, trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của cả nước, với nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường; nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh - sạch - đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận với đô thị./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com