Tập trung phát triển thủy sản có giá trị kinh tế cao

08:05, 06/05/2022

Hiện nay, toàn tỉnh có 16 nghìn ha nuôi thủy sản, tập trung chủ yếu ở các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng với nhiều hình thức nuôi khác nhau như trong ao, đầm, bể, lồng... Những năm qua, các ngành chức năng, các địa phương đã chú trọng đầu tư hoạt động nuôi trồng, đồng thời hướng dẫn người dân chuyển đổi những đối tượng con nuôi có giá trị kinh tế thấp sang có giá trị cao, hiệu quả bền vững.

Mô hình nuôi cá chạch sụn của người dân huyện Nghĩa Hưng.
Mô hình nuôi cá chạch sụn của người dân huyện Nghĩa Hưng.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã tạo điều kiện để người dân trên địa bàn tỉnh mở rộng diện tích sản xuất, tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư cơ sở vật chất; chỉ đạo Phòng NN và PTNT các huyện phối hợp tổ chức các lớp tập huấn phổ biến, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến về nuôi thủy sản giúp các hộ nuôi nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương và các cơ sở nuôi thủy sản không ngừng tìm kiếm những biện pháp, chính sách đầu tư phát triển, cải tạo nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi, kêu gọi, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào nuôi đa dạng các đối tượng thủy sản; tích cực nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Sở NN và PTNN cũng chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp các địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản, đảm bảo chủ động, tích cực, kịp thời và hiệu quả. Công tác cải tạo, chăm sóc, quản lý các ao, đầm nuôi được người dân chú trọng thực hiện. Với việc tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nên sản lượng nuôi thủy sản toàn tỉnh năm 2021 đạt 121.131 tấn, tăng 6,08% so với năm 2020, đạt 103,8% kế hoạch đề ra. Nuôi tôm là một trong những đối tượng chủ lực được nhiều địa phương duy trì nuôi thâm canh với diện tích 3.370ha. Sản lượng tôm nước lợ ước đạt 6.703 tấn, tăng 8,77% so với năm 2020, đạt 97,2% so với kế hoạch; trong đó diện tích nuôi tôm sú 2.300ha, sản lượng tôm sú ước đạt 2.628 tấn, tăng 4,04% so với năm 2020; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 1.070ha, tăng 70ha so với năm 2020 sản lượng ước đạt 3.875 tấn, tăng 10,75% so với năm 2020. Một số vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tại các xã Giao Thiện, Giao Phong (Giao Thủy); Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều (Hải Hậu); Nam Điền, Rạng Đông (Nghĩa Hưng)… đã đem lại nguồn thu nhập ổn định, đời sống người dân ngày một cải thiện. Nhiều mô hình nuôi siêu thâm canh đạt hiệu quả cao, cho năng suất trên 20 tấn/ha. Bên cạnh tôm, ngao cũng là một trong những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, được nhiều người dân nuôi thả. Trong năm 2021, các vùng nuôi ngao thương phẩm trong tỉnh đang phát triển ổn định trở lại, diện tích nuôi ngao tại Nghĩa Hưng được mở rộng thêm, diện tích nuôi ngao tại Giao Thủy ổn định nhưng nhiều diện tích thả giống muộn hơn so với các năm trước. Năm 2021, diện tích nuôi ngao đạt 2.350ha, sản lượng ước đạt 43.234 tấn, tăng 4,42% so với năm 2020. Hàng năm, các địa phương trong tỉnh cung cấp từ 35-50 nghìn tấn ngao thương phẩm và hàng chục tỷ con ngao giống ra thị trường. Các hộ nuôi ngao giống, nuôi ngao thương phẩm có thu nhập trung bình trên 300 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã và đang áp dụng nhiều hình thức đa dạng hóa nuôi thủy sản như nuôi kết hợp, xen ghép nhiều đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích nhằm hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất, như nuôi cá nước ngọt kết hợp với nuôi tôm thẻ chân trắng, hay nuôi tôm sú xen ghép với cá song, cá vược, cá bống bớp… Một số đối tượng thủy sản như ba ba, lươn, chạch đồng… cũng được người dân trong tỉnh quan tâm nuôi thả, đem lại thu nhập cao. Cơ sở sản xuất giống và nuôi ba ba thương phẩm của anh Lương Minh Cường ở xã Hợp Hưng (Vụ Bản) được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến. Hiện tại, anh Cường nuôi khoảng 80% ba ba xanh, còn lại là các giống khác như: ba ba gai, ba ba Mỹ, ba ba sông Hồng… Hàng năm, trang trại sản xuất và cung cấp ra thị trường hơn 200 nghìn con giống và trên 50 tấn ba ba thương phẩm với giá ba ba xanh 300 nghìn đồng/kg, ba ba gai 450 nghìn đồng/kg, ba ba Mỹ 600 nghìn đồng/kg… doanh thu hàng tỷ đồng.

Để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản nuôi trồng, nâng mức thu nhập cho người nuôi, thời gian tới, Sở NN và PTNT và các địa phương tiếp tục chỉ đạo người dân phát triển nuôi trồng thủy sản theo liên kết chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; chú trọng nuôi nước ngọt, nước mặn lợ theo quy hoạch, nhất là nuôi tôm theo hướng thân thiện với môi trường, đạt hiệu quả và bền vững. Phấn đấu năm 2022 toàn tỉnh mở rộng diện tích nuôi thủy sản lên 16.015ha với tổng sản lượng là 127.500 tấn./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com