Nghĩa Hưng chống lãng phí trong lĩnh vực xây dựng cơ bản

08:05, 13/05/2022

Được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua, các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản ở huyện Nghĩa Hưng được triển khai với lượng vốn lớn và ngày càng có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, xây dựng cơ bản cũng là lĩnh vực dễ xảy ra các hiện tượng thất thoát, lãng phí không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư mà còn tác động xấu tới thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Nghĩa Hưng đã tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện.

Thi công dự án cải tạo, nâng cấp đường trung tâm huyện Nghĩa Hưng trên địa bàn thị trấn Liễu Đề.
Thi công dự án cải tạo, nâng cấp đường trung tâm huyện Nghĩa Hưng trên địa bàn thị trấn Liễu Đề.

Theo báo cáo của UBND huyện, năm 2021 tổng giá trị xây lắp ngành xây dựng đạt 2.178 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 16,3% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp đạt 1.446 tỷ đồng; công trình giao thông đạt 423 tỷ đồng; công trình điện 142 tỷ đồng; công trình thủy lợi 167 tỷ đồng. Để thực hiện chống thất thoát, lãng phí nguồn lực đầu tư trong xây dựng cơ bản, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng. Đồng thời, bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực, huyện Nghĩa Hưng chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; tiến hành cắt giảm, giãn tiến độ, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả thấp; bổ sung vốn cho các dự án đã có khối lượng hoàn thành, bảo đảm giải ngân 100% kế hoạch được giao; thực hiện đúng thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công và các Chỉ thị số: 14/CT-TTg ngày 28-6-2013 và 07/CT-TTg ngày 30-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm của tỉnh, huyện, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của huyện. Trong bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản, huyện thực hiện đúng nguyên tắc tập trung, ưu tiên phân bổ cho các dự án thực sự cần thiết, dự án hoàn thành chưa quyết toán và dự án chuyển tiếp, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư để bảo đảm cho các dự án được thực hiện một cách hiệu quả, tiết kiệm. Các cơ quan, đơn vị quản lý, phê duyệt, triển khai dự án đầu tư thực hiện đúng trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, kiên quyết không phê duyệt các công trình, dự án khi không bố trí đủ nguồn vốn thực hiện, hạn chế tối đa nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh. Đồng thời UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục đổi mới kế hoạch hoá công tác đầu tư xây dựng cơ bản theo hướng chủ động cân đối các nguồn vốn từ đầu năm, các nguồn vốn được bổ sung trong năm đảm bảo phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, xử phạt nghiêm minh các vi phạm về chất lượng và tiến độ công trình. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải công khai dự án tại xã, thị trấn để đẩy mạnh sự giám sát của cộng đồng dân cư và các đoàn thể với các dự án trên địa bàn. 

Bằng các giải pháp đồng bộ nêu trên, trong giai đoạn năm 2017 đến nay, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực xây dựng cơ bản huyện Nghĩa Hưng đạt nhiều kết quả khả quan. Trong năm 2017 huyện đã thẩm tra quyết toán được 27 công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản với giá trị đề nghị quyết toán là 53,835 tỷ đồng, giá trị chấp nhận quyết toán là 53,19 tỷ đồng, giá trị giảm trừ là 645 triệu đồng. Trong năm 2018 toàn huyện thực hiện thẩm tra quyết toán được 105 công trình và hạng mục công trình (trong đó có 55 công trình xây dựng nông thôn mới) với giá trị đề nghị quyết toán là trên 96,082 tỷ đồng, giá trị chấp nhận quyết toán là trên 95,124 tỷ đồng, giá trị giảm trừ trên 958 triệu đồng. Bước sang năm 2019 huyện Nghĩa Hưng thực hiện thẩm tra quyết toán được 106 công trình và hạng mục công trình với giá trị đề nghị quyết toán là trên 84,136 tỷ đồng, giá trị chấp nhận quyết toán là trên 83,340 tỷ đồng, giá trị giảm trừ gần 795,7 triệu đồng. Năm 2020 huyện thực hiện thẩm tra quyết toán được 37 công trình và hạng mục công trình với giá trị đề nghị quyết toán là trên 139,657 tỷ đồng, giá trị chấp nhận quyết toán là trên 138,547 tỷ đồng, giá trị giảm trừ là trên 1,109 tỷ đồng. Trong năm 2021 huyện thực hiện thẩm tra quyết toán được 17 công trình và hạng mục công trình với giá trị đề nghị quyết toán là trên 90,167 tỷ đồng, giá trị chấp nhận quyết toán là trên 89,774 tỷ đồng, giá trị giảm trừ là 396,548 triệu đồng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2022 và thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống lãng phí, thất thoát trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Trong đó, ngoài các giải pháp đã triển khai thực hiện thời gian qua, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt việc quản lý các quy hoạch: quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung đô thị Rạng Đông đến năm 2040; quy hoạch chung khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông đến năm 2040; quy hoạch chung xây dựng thị trấn Liễu Đề đến năm 2030. Rà soát, lập quy hoạch chung xây dựng thị trấn Quỹ Nhất và quy hoạch chung xây dựng các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tập trung huy động quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; bố trí kế hoạch nguồn vốn để xử lý dứt điểm đầu tư trong xây dựng cơ bản. Tập trung ưu tiên, bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản cho các dự án cần thiết, cấp bách và tạo động lực cho thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Nguồn vốn đầu tư được bố trí cho các danh mục công trình trên cơ sở nhu cầu thực tế, tập trung vào các dự án trọng điểm, không đầu tư dàn trải. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ triển khai, thi công các dự án đã được phê duyệt đảm bảo chất lượng; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đồng thời tích cực, chủ động tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh và các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com