Hội CCB huyện Ý Yên giúp nhau phát triển kinh tế

07:05, 17/05/2022

Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Ý Yên hiện có 13.981 hội viên, sinh hoạt tại 268 chi hội. Với phương châm “Xưa thắng giặc, nay thắng nghèo”, những năm qua, Hội CCB huyện đã triển khai đa dạng các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo, nhân rộng các mô hình làm kinh tế giỏi.

Cựu chiến binh Dương Bá Kiên, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân đúc đồng Dương Bá Kiên, thị trấn Lâm (Ý Yên) và các sản phẩm đúc đồng.
Cựu chiến binh Dương Bá Kiên, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân đúc đồng Dương Bá Kiên, thị trấn Lâm (Ý Yên) và các sản phẩm đúc đồng của gia đình.

Các cấp Hội CCB trong huyện thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng đời sống hội viên, đồng thời phát động nhiều phong trào thi đua và xây dựng tiêu chí phấn đấu ở mỗi đơn vị cơ sở, chi hội, gia đình hội viên. Hàng năm, các cấp Hội phối hợp với các đơn vị chức năng mở nhiều lớp tập huấn về khuyến nông, tập huấn nâng cao kiến thức về phát triển kinh tế; hướng dẫn hội viên đưa cây, con giống có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi; tạo điều kiện để hội viên được gặp gỡ, giao lưu, hợp tác với các doanh nghiệp, tổ hợp tác… do CCB làm chủ để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Tiêu biểu là các mô hình: Câu lạc bộ CCB, cựu quân nhân sản xuất kinh doanh giỏi, nhóm CCB phát triển mô hình nghề đúc đồng, nghề mộc truyền thống… Hiện nay, các câu lạc bộ, mô hình đều hoạt động ổn định, mỗi năm tổ chức gặp mặt ít nhất 1 lần, là nơi trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Câu lạc bộ CCB, cựu quân nhân sản xuất kinh doanh giỏi huyện hiện có 45 hội viên tham gia. Hiện nay, 100% hội viên đều có mô hình kinh doanh ổn định với thu nhập trung bình từ 150 triệu đồng/mô hình/năm. Hội đã xây dựng và sử dụng hiệu quả nguồn Quỹ “Vòng tay đồng đội” và Quỹ Hội để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Theo đó, một phần quỹ được sử dụng cho việc chung, hoặc dự phòng khi có việc đột xuất; phần khác sẽ cân đối cho hội viên vay không tính lãi, hoặc lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, Quỹ “Vòng tay đồng đội” của Hội CCB huyện đạt trên 237 triệu đồng, Quỹ Hội là 6,3 tỷ đồng cho hàng trăm lượt hội viên vay không tính lãi hoặc lãi suất thấp, giúp giải quyết những vấn đề cấp bách về vốn cho các mô hình kinh tế. Để giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn, các cấp Hội còn tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những chương trình tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách và học sinh, sinh viên đến cán bộ, hội viên; tích cực tham gia với chính quyền, các đoàn thể rà soát đối tượng hộ nghèo, đối tượng chính sách có đủ điều kiện vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay ở cơ sở, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích. Vì vậy, chất lượng nguồn vốn vay luôn bảo đảm, không có nợ quá hạn. Hiện, Hội CCB huyện đang nhận ủy thác qua các kênh ngân hàng trên 50,3 tỷ đồng, cho 1.219 hộ vay sử dụng đúng mục đích. Năng động, nhạy bén thị trường, nhiều CCB đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Điển hình như CCB Dương Bá Kiên, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân đúc đồng Dương Bá Kiên, thị trấn Lâm. Năm 1991, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, nối nghiệp lâu đời của gia đình, ông Kiên bắt tay vào đúc đồng với nhiều khó khăn, chủ yếu là vốn để mở xưởng. Ban đầu, do ít vốn, ông chỉ mở được xưởng đúc với diện tích khá “khiêm tốn”. Cần mẫn như “con ong chăm chỉ”, dần dần, ông Kiên đã mở rộng được quy mô sản xuất với diện tích nhà xưởng lớn hơn, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị và mở rộng đào tạo nghề cho thanh niên địa phương. Đồng thời, ông còn liên tục tìm tòi, học hỏi, cải tiến các mẫu mã, họa tiết trên các sản phẩm. Không phụ công người chịu khó, sau một thời gian các mặt hàng đồ thờ, tượng, đỉnh, hạc, chuông, trống… của ông đã được thị trường chấp nhận, đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Sản xuất phát triển, năm 2010, ông Kiên thành lập doanh nghiệp mang tên mình tạo tiền đề để ngày càng phát triển. Sản phẩm từ doanh nghiệp hiện có mặt trên khắp các tỉnh, thành phố của cả nước, thậm chí còn được mua làm quà biếu tặng ra nước ngoài. Mỗi năm, trừ chi phí, doanh nghiệp của CCB Dương Bá Kiên thu lãi khoảng 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với thu nhập từ 7-15 triệu đồng/người/tháng.

Triển khai hiệu quả các hình thức hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, đến nay số hội viên nghèo của huyện giảm còn 0,14%, hộ cận nghèo giảm còn 1,4%. Toàn huyện có 55 công ty TNHH, 15 doanh nghiệp, 13 HTX, 42 trang trại, 274 gia trại do CCB làm chủ, tạo việc làm ổn định cho 3.550 lao động địa phương. Thời gian tới, Hội CCB các cấp trong huyện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đồng hành, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH huyện quan tâm hỗ trợ nguồn vốn cho hội viên vay, thường xuyên phối hợp kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát hoạt động của Hội, tổ tiết kiệm và vay vốn, đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn, tăng cường các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác. Hội cũng đẩy mạnh các phong trào thi đua phát triển kinh tế; khuyến khích các CCB là chủ doanh nghiệp, hợp tác xã giải quyết ngày càng nhiều việc làm cho CCB, con em CCB, cựu quân nhân./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com