Hải Hậu định hướng phát triển làng nghề gắn với dịch vụ du lịch

05:05, 13/05/2022

Huyện Hải Hậu hiện có 44 làng nghề ở 33 xã, thị trấn; trong đó có 20 làng nghề sinh vật cảnh, 14 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, 3 làng nghề nuôi trồng thủy sản, 5 làng nghề trồng cây dược liệu và 2 làng nghề xây dựng. Thời gian qua nhiều làng nghề dù chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 nhưng vẫn tìm cách duy trì sản xuất, tiếp tục phát triển, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hơn 10 nghìn lao động địa phương.

Sản xuất sản phẩm cơ khí đúc mỹ nghệ tại làng nghề xã Hải Vân.
Sản xuất sản phẩm cơ khí đúc mỹ nghệ tại làng nghề xã Hải Vân.

Trong đó, các làng nghề chế biến gỗ phục vụ xây dựng và mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ tập trung ở các xã Hải Vân, Hải Minh, Hải Anh, Hải Trung... phát triển theo từng năm, hiện mỗi làng nghề có từ 100 đến 300 hộ tham gia. Các hộ gia đình trong các làng nghề mộc đầu tư các thiết bị máy móc công nghệ cao như máy cưa, máy xẻ, máy chạm khắc mỹ nghệ CNC. Từ đó làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, hàng hóa được ưa chuộng xuất đi nhiều nơi trong và ngoài nước. Doanh thu từ làm nghề mộc khá cao. Năm 2021 riêng giường, tủ, bàn ghế đạt 277,698 tỷ đồng (giá so sánh 2010), thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng. Các làng nghề cán kéo sợi và dệt lưới sợi PE tập trung tại các xã, thị trấn: Thịnh Long, Hải Hòa với trên 20 doanh nghiệp, 15 tổ hợp cán sợi PE, hơn 700 khung dệt, hàng năm sản xuất gần 7.500 tấn sợi PE và lưới cung cấp cho thị trường. Làng nghề bánh kẹo Đông Cường tại thị trấn Yên Định có truyền thống lâu đời, sản phẩm sản xuất ra như bánh nhãn, kẹo lạc đã có thương hiệu, uy tín, được nhiều nơi ưa chuộng, đầu ra sản phẩm của làng nghề được xuất đi nhiều nơi trong nước. Các làng nghề trồng hoa cây cảnh chiếm 50% tổng số làng nghề, tập trung ở các xã Hải Đường, Hải Lý, Hải Hòa, Hải Sơn... những năm gần đây đã khởi sắc trở lại, dần cho thu nhập tốt hơn sau một giai đoạn trầm lắng. 3 làng nghề trồng cây dược liệu, chủ yếu là cây thìa canh và đinh lăng hiện đang phát triển mạnh, nhiều hộ tham gia sản xuất, thu nhập được tăng lên. 3 làng nghề nuôi trồng thủy sản ở xã Hải Châu, Hải Chính, Hải Triều phát triển ổn định.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra rà soát hoạt động của các làng nghề trên địa bàn năm 2021 của huyện Hải Hậu cho thấy còn nhiều khó khăn, bất cập trong phát triển các làng nghề. Một số làng nghề có nguy cơ mai một, ngày càng bị thu hẹp quy mô. Cụ thể 3 làng nghề dệt chiếu ở các xã Hải Phương, Hải Bắc, Hải An hầu như không còn hoạt động, chỉ còn một số ít hộ còn sản xuất, nhưng không thường xuyên do các vùng trồng nguyên liệu không còn; trên thị trường có nhiều sản phẩm khác thay thế mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp hơn so với chiếu cói truyền thống. 2 làng nghề xây dựng xã Hải Phong và xã Hải Phúc số lao động và ban điều hành đều đi làm ăn ở xa, làng nghề phát triển không ổn định. Quy mô của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề nhìn chung còn nhỏ, nằm xen kẽ với các hộ dân, chưa được quy hoạch tập trung. Mặt bằng sản xuất của đại đa số các làng nghề còn chật hẹp. Cơ sở hạ tầng ở các làng nghề còn nhiều hạn chế như hệ thống giao thông phục vụ cho việc vận chuyển nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống thu gom, xử lý chất thải làng nghề chưa được đầu tư. Một số làng nghề như sản xuất cơ khí, đúc nhôm còn gây ô nhiễm môi trường sinh sống. Công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho sản phẩm còn hạn chế. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của một số làng nghề có sản phẩm xuất khẩu chưa ổn định.

Trước thực trạng kể trên, huyện Hải Hậu chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường các chương trình, giải pháp hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tiêu thụ sản phẩm và nắm bắt, thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh trong làng nghề. Trong năm 2021, các phòng, ban chuyên môn đã tăng cường phối hợp với các xã, thị trấn gia tăng các chương trình hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp làng nghề. Tiêu biểu đã hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề tích cực cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện. Có 6 sản phẩm được bình chọn gồm cao dây thìa canh của HTX dược liệu Hải Hậu; nước mắm Cường Là của Công ty TNHH Cường Là, siro húng chanh Mẹ Gấu của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Phước; gạo tám xoan bao tử của Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Hải Hậu, sản phẩm muối sạch của Công ty TNHH Vạn Ninh... Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề chế biến bánh nhãn thực hiện mô hình quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, quảng bá và phát triển thương mại cho sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “bánh nhãn Hải Hậu”; tổ chức triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và phát triển thương mại cho các sản phẩm OCOP của huyện Hải Hậu” theo hợp đồng giữa UBND huyện với Sở Khoa học và Công nghệ.

Hiện nay, ngoài các làng nghề, ngành nghề hiện có, huyện phát triển thêm các ngành nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mới, giải quyết việc làm cho lao động gắn với công tác bảo vệ môi trường. Tranh thủ các nguồn vốn từ khuyến công, khuyến nông tiếp tục lựa chọn nhân cấy nghề mới, mở các lớp dạy nghề, truyền nghề, phấn đấu mỗi làng nghề có 1-2 lớp để duy trì, phát triển các nghề truyền thống như nghề dệt lưới cước, dệt chiếu, mộc, cơ khí gò hàn; phấn đấu mở rộng các làng nghề gỗ mỹ nghệ tiến tới xây dựng thành mô hình làng nghề toàn xã; khôi phục và phát triển các làng nghề thêu ren tại Hải Hưng, Hải Thanh, mây tre đan tại Hải Minh. Tập trung đẩy mạnh sản xuất, tích cực chủ động khai thác, mở rộng thị trường, tăng cường xúc tiến đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở trong và ngoài tỉnh để đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong các làng nghề. Tiếp tục rà soát, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất ở các làng nghề truyền thống theo hướng phát triển thành các cụm công nghiệp làng nghề, gắn với phát triển du lịch và phát triển sản phẩm OCOP làng nghề; tạo điều kiện thu hút du khách tham quan và tiếp cận sản phẩm làng nghề. Trong đó, quy hoạch phát triển thêm các cụm công nghiệp làng nghề tại các xã Hải Anh, Hải Minh, mở rộng quy mô cụm công nghiệp làng nghề Hải Vân...; quy hoạch hình thành các khu, cụm công nghiệp dọc theo tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường trục trung tâm huyện; quy hoạch và triển khai xây dựng Khu công nghiệp ven biển Nam Hải Hậu (Khu công nghiệp Nam Hải Hậu khoảng 200-300ha) và cụm công nghiệp Hải Hưng (quy mô 75ha), cụm công nghiệp Hải Xuân (quy mô 50-75ha). Tích cực thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề di chuyển nhà xưởng vào sản xuất tập trung, đã cung ứng hệ thống hạ tầng đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất quy mô lớn, hiện đại. Quy hoạch mở rộng làng nghề, từng bước gắn phát triển sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề với các tua du lịch tham quan cây cảnh, cây hoa tại làng nghề trồng hoa cây cảnh, các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ và các sản phẩm của các làng nghề truyền thống khác.

Với các biện pháp đồng bộ kể trên huyện Hải Hậu hướng tới mục tiêu tiếp tục phát triển các làng nghề góp phần ổn định việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân địa phương theo tiêu chí bền vững, tăng trưởng xanh, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, phù hợp với bối cảnh, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong gian đoạn tới./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com