Chủ động ứng phó thiếu điện cục bộ trong mùa nắng nóng

06:05, 08/05/2022

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ điện của miền Bắc hiện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Năm 2022, nguồn điện mới ở miền Bắc dự kiến đưa vào vận hành rất ít, các nguồn điện mới bổ sung ở miền Trung và miền Nam (chủ yếu là năng lượng tái tạo) trong vài năm gần đây chỉ hỗ trợ được một phần cho phía Bắc do công suất truyền tải qua đường dây 500kV bị giới hạn kỹ thuật; tình hình cung cấp than cho sản xuất điện gần đây gặp rất nhiều khó khăn dẫn tới hệ thống điện miền Bắc tiềm ẩn nguy cơ thiếu công suất đỉnh trong các tháng cuối mùa khô, đầu mùa mưa, cụ thể là các tháng 5, 6, 7 và 8 năm nay. Tại tỉnh ta, nhu cầu sử dụng điện đang tăng nhanh với mức tăng bình quân khoảng 13%/năm; đặc biệt trong mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tại các hộ gia đình luôn tăng cao đột biến, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành, độ ổn định và an toàn lưới điện, thậm chí có thể gây quá tải cục bộ tại một số khu vực trong tỉnh.

Sửa chữa hệ thống điện nông thôn trong mùa nắng nóng tại xã Quang Trung, huyện Vụ Bản (ảnh 1); Điện lực thành phố Nam Định kiểm tra việc sử dụng tiết kiệm điện tại Công ty VICO, Cụm công nghiệp An Xá, thành phố Nam Định (ảnh 2).
Sửa chữa hệ thống điện nông thôn trong mùa nắng nóng tại xã Quang Trung, huyện Vụ Bản.

Nhằm nâng cao khả năng cung ứng, vận hành hệ thống điện, Công ty Điện lực Nam Định đã nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp hệ thống hệ thống lưới điện đáp ứng nhu cầu sử dụng tăng cao của các thành phần phụ tải. Trong đó, hệ thống điện nông thôn đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thông qua các dự án: cải tạo lưới điện hạ thế nông thôn giai đoạn I, giai đoạn II; xây dựng trạm biến áp chống quá tải RD và chống quá tải hàng năm; sửa chữa, đại tu lưới điện trung hạ thế; cải tạo lưới điện hạ thế bằng nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế; các dự án, công trình khắc phục hậu quả sau mưa, bão... Từ cuối năm 2021, lưới điện của thành phố Nam Định đã hoàn thành đầu tư, cải tạo, nâng cấp bằng nguồn vốn của Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW3), tổng mức đầu tư 100,4 tỷ đồng đã đáp ứng tốt nhu cầu điện của 130 nghìn khách hàng dùng điện sinh hoạt, sản xuất, đồng thời còn góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang đô thị. Cùng với đó, qua các dự án đầu tư, lưới điện cao áp cung ứng trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng, phân bổ từ 3 Trạm biến áp 220kV: Ninh Bình, Nam Định, Trực Ninh. Lưới điện 110kV xây dựng phân bổ đồng đều ở các huyện, thành phố với 229,3km đường dây, 14 trạm, 24 máy biến áp, tổng công suất 1.001MVA. Hệ thống lưới điện trung áp gồm 107 lộ đường dây, tổng chiều dài 2.589,19km. Toàn tỉnh hiện có 4.192 trạm biến áp phân phối với 4.222 máy biến áp, tổng công suất 1.680.927MVA; trong đó tài sản của ngành điện là 49,3%, tài sản của khách hàng chiếm 50,7%. Hệ thống đường dây hạ áp dẫn điện đến các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh dài 14.494,28km. Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống điện trên địa bàn tỉnh đang đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng cung ứng điện đến các đối tượng khách hàng. Trong quý I-2022, Công ty Điện lực Nam Định đã cung ứng điện thương phẩm đạt 662,63 triệu kWh, tăng trưởng 12,89% so với cùng kỳ; tổn thất điện năng giảm xuống còn 5,47%; giá bán bình quân đạt 1.830,79 cao hơn cùng kỳ 19,16 đồng.

Sửa chữa hệ thống điện nông thôn trong mùa nắng nóng tại xã Quang Trung, huyện Vụ Bản (ảnh 1); Điện lực thành phố Nam Định kiểm tra việc sử dụng tiết kiệm điện tại Công ty VICO, Cụm công nghiệp An Xá, thành phố Nam Định (ảnh 2).
Điện lực thành phố Nam Định kiểm tra việc sử dụng tiết kiệm điện tại Công ty VICO, Cụm công nghiệp An Xá, thành phố Nam Định.

Đồng chí Trần Mạnh Sỹ, Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định cho biết, mặc dù hệ thống hạ tầng lưới điện cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu truyền tải, sử dụng điện của các thành phần kinh tế - xã hội, nhưng do nguồn điện có khả năng thiếu cục bộ trong mùa nắng nóng năm 2022, nhất là vào thời gian cao điểm từ 12 giờ đến 15 giờ và từ 21 giờ đến 24 giờ nên rất cần sự chung tay, góp sức tiết kiệm điện từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình trên, Ban Giám đốc Công ty chỉ đạo các Điện lực huyện, thành phố Nam Định tăng cường công tác kiểm tra, xử lý triệt để các tồn tại trên lưới điện nhằm hạn chế tối đa các sự cố điện chủ quan; tăng cường công tác phối hợp giữa Đội quản lý, vận hành lưới 110kV và các Điện lực để hạn chế tối đa sự cố do vi phạm hành lang lưới điện, đặc biệt các dạng sự cố do xe cơ giới vi phạm hành lang lưới điện và người dân thả diều vướng vào đường dây. Về phía khách hàng dùng điện, Công ty Điện lực Nam Định đang tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, hệ thống phát thanh, truyền thanh cơ sở… hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, chung tay chia sẻ cùng ngành Điện khi có diễn biến thiên tai, thiếu điện cục bộ. Trước mắt, Công ty Điện lực Nam Định đề nghị các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sớm xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, dịch chuyển sản xuất khỏi các khung giờ cao điểm sử dụng điện và phối hợp chặt chẽ với ngành Điện trong cung ứng, sử dụng điện. Đối với các hộ gia đình, hạn chế sử dụng đồng thời các thiết bị có công suất lớn trong giờ cao điểm sử dụng điện, nên sử dụng điều hòa ở chế độ từ 25 độ C trở lên; tắt các thiết bị khi không có nhu cầu sử dụng. Đối với các cơ quan, công sở, đề nghị sử dụng điện hiệu quả ở các khu vực công cộng, dùng chung; tắt các thiết bị không cần thiết khi ra khỏi phòng và hết giờ làm việc, sử dụng điều hòa ở chế độ từ 25 độ C trở lên. 

Với sự chung tay, giúp sức của khách hàng, chắc chắn Công ty Điện lực Nam Định sẽ bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn phục vụ khách hàng; đáp ứng nhu cầu điện cho các sự kiện trọng đại, các ngày lễ của quê hương, đất nước; đặc biệt là cấp điện an toàn, ổn định phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com