Quan tâm cải tạo hệ thống thoát nước đô thị

07:03, 01/03/2022

Những năm gần đây, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tăng nhanh, với nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mới, khu, điểm dân cư tập trung... đòi hỏi phải đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng thoát nước đáp ứng yêu cầu bảo đảm vệ sinh, môi trường. Tuy nhiên, thời gian qua, hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh do đã được xây dựng, sử dụng từ lâu thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm thoát nước hiệu quả, thậm chí một số khu vực nước ngập kéo dài sau những ngày mưa lớn. Tình trạng này gây mất vệ sinh môi trường và khiến người dân khó khăn trong việc đi lại, lưu thông phương tiện trên các tuyến đường. Người dân đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm cải tạo hệ thống thoát nước.

Cải tạo, nâng cấp vỉa hè, hệ thống cống thoát nước đường Nguyễn Du (thành phố Nam Định).  Bài và ảnh: Thanh Thúy
Cải tạo, nâng cấp vỉa hè, hệ thống cống thoát nước đường Nguyễn Du (thành phố Nam Định). 

Thành phố Nam Định là địa bàn có nhiều kiến nghị của người dân về việc nạo vét cống thoát nước tại các tuyến đường: Hàng Tiện - Hàng Cấp - Quang Trung; tuyến đường Trần Hưng Đạo kéo dài (từ ngã tư đường Trường Chinh đến hồ Truyền Thống, khu dân cư Tức Mạc thuộc tổ 17, 18 (phường Bà Triệu); đường Đông Khê đến đường Cửa Trường (phường Ngô Quyền); đường Ngô Quyền, đường Máy Tơ, chợ Cửa Trường, đường Hàng Thao, đường Tô Hiệu, đường Điện Biên. Bên cạnh đó, người dân còn đề xuất kiểm tra, cải thiện năng lực thoát nước tại các miệng hố ga, hệ thống đường ống tiêu thoát trên tuyến đường Hàn Thuyên (phường Vị Xuyên); đề xuất đấu nối hệ thống thoát nước từ đầu hè đường Trần Phú nối với hệ thống thoát nước giữa đường Hoàng Diệu (phường Năng Tĩnh) để tránh ngập úng cục bộ tại khu vực này. Người dân còn đề xuất xây mới cống thoát nước trên hè đoạn đường BếnThóc (từ Hàng Thao đến Máy Tơ) thuộc phường Ngô Quyền vì không có cống thoát nước trên vỉa hè, nước thải sinh hoạt chảy trực tiếp ra đường gây mất vệ sinh môi trường; xây mới cống thoát nước từ cầu Hoàng đến Nhà máy xử lý rác thuộc phường Lộc Hòa; xây dựng cống hộp ở kênh tiêu thoát nước T3-11 thuộc các phường Hạ Long, Lộc Hạ để khắc phục tình trạng ô nhiễm do nước thải bốc mùi ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và đời sống sinh hoạt của nhân dân dọc hai bên tuyến phố; đề xuất xây dựng hệ thống thoát nước ở giữa 2 tổ dân phố số 27 và 30 thuộc Khu dân cư Đông An 1, phường Năng Tĩnh; làm cống hộp đoạn cống lộ thiên ngõ 99 Thành Chung, phường Cửa Bắc để đảm bảo tiêu thoát nước và hạn chế ô nhiễm môi trường tại khu dân cư. Tuy nhiên, việc xử lý nước thải của hầu hết các cụm công nghiệp tại các huyện còn bất cập, chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp đạt quy chuẩn môi trường. Riêng Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Trung (Mỹ Lộc), người dân huyện Mỹ Lộc đã nhiều lần phản ánh hệ thống nước thải tại một số nhà máy, công ty thuộc KCN Mỹ Trung chưa được xử lý xả thải trực tiếp ra môi trường, hệ thống tiêu thoát nước đã xuống cấp, chưa có lối thoát. 

Đồng chí Phạm Duy Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Nam Định cho biết: Với sự giúp đỡ của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), thành phố Nam Định đã lập được quy hoạch hệ thống thoát nước mưa và nước thải của thành phố. Trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn chế, thành phố sẽ tích cực tìm kiếm, bố trí các nguồn kinh phí để từng bước cải tạo, đầu tư mới, đảm bảo hệ thống thoát nước thải theo quy hoạch; trong đó ưu tiên cải tạo trước các trọng điểm ngập úng. Trong năm 2021, thành phố đã đầu tư xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình góp phần nâng cao năng lực thoát nước gồm: Cống thoát nước đường Kênh (đoạn từ đường Đông A đến cống Quán Tây, cống thoát nước Mạ Điện đoạn từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến đường Song Hào. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung triển khai hoàn tất thủ tục hoặc đang tiến hành thi công các dự án góp phần nâng cao năng lực thoát nước đã được HĐND tỉnh, HĐND thành phố phê duyệt quyết định đầu tư, gồm: Dự án xây dựng cải tạo kín hóa 1.800m tuyến thoát nước kênh Gia, đoạn từ đường Phạm Ngũ Lão đến đường Trần Huy Liệu phường Mỹ Xá với tổng kinh phí 122,5 tỷ đồng được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương giai đoạn 2021-2024; dự án cải tạo nâng cấp vỉa hè, hệ thống cống thoát nước đường Nguyễn Du (từ đường Hùng Vương đến đường Lê Hồng Phong) với tổng kinh phí 14 tỷ 820 triệu đồng; dự án cải tạo tuyến cống thoát nước nối từ cống đường Trần Hưng Đạo đến cống đường Thượng Lỗi. Ngoài ra, thành phố sẽ tiến hành nạo vét toàn bộ hệ thống cống giữa các tuyến đường để nâng cao năng lực thoát nước, do hơn 20 năm nay chưa tiến hành nạo vét đồng bộ... Đối với các bất cập người dân huyện Mỹ Lộc phản ánh, các ngành chức năng đã rà soát, xác định, trong KCN Mỹ Trung hiện có 12 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh với các ngành nghề may mặc, chế biến gỗ, cơ khí chế tạo, dịch vụ ăn uống, in ấn. Trong đó có 3 doanh nghiệp đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; 9 doanh nghiệp còn lại đã được xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp này không phát sinh nước thải sản xuất; nước thải sinh hoạt được xử lý qua hệ thống bể phốt, hố ga lắng trước khi xả thải vào hệ thống thu gom chung của KCN. Tuy nhiên, do hệ thống hạ tầng thoát nước mưa, nước thải chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên khi mưa lớn, nước không tiêu thoát kịp thời gây nên hiện tượng ngập úng cục bộ trong KCN. Xử lý các vướng mắc liên quan đến KCN Mỹ Trung, ngày 22-7-2021, UBND tỉnh đã có Văn bản số 490/UBND-VP5 đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho chuyển giao dự án KCN Mỹ Trung. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành liên quan, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và các đơn vị có liên quan phối hợp với tỉnh sớm hoàn thành các thủ tục để thu hồi, chuyển giao KCN Mỹ Trung cho nhà đầu tư mới. Từ đó sẽ tiến hành đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng KCN với đầy đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật bao gồm hạng mục xử lý nước thải.

Để nâng cao năng lực hệ thống thoát nước ở tất cả các huyện, thành phố, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tích cực thực hiện Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải theo Quyết định số 48/2021/QĐ-UBND đã được UBND tỉnh ban hành ngày 28-10-2021. Trong đó, các sở, ban, ngành, các địa phương phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong công tác quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải. Đồng thời phải siết chặt quản lý để chủ đầu tư các dự án cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các công trình hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt là công trình giao thông, khu đô thị, KCN, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung, làng nghề) có liên quan đến hệ thống thoát nước phải có phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã có trước, bảo đảm thoát nước bình thường. Đồng thời chủ đầu tư các dự án có nghĩa vụ cải tạo, phục hồi hoặc xây dựng mới đồng bộ các hạng mục công trình thoát nước có liên quan, đảm bảo vệ sinh môi trường trước và sau khi cải tạo, xây dựng mới để tránh xảy ra bất cập hiện đang tồn tại ở KCN Mỹ Trung. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương phải quan tâm, bố trí nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước trên toàn tỉnh theo  Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đạt 80-90% diện tích lưu vực, tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải đạt 60% trở lên. Giai đoạn 2026-2030, toàn tỉnh phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đạt trên 90%, tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải đạt 60-80%.

Với các giải pháp tích cực, đồng bộ kể trên, toàn tỉnh hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý và cải thiện năng lực hệ thống thoát nước, hạn chế nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải, khắc phục các điểm ngập úng trong mùa mưa bão./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com