Phát triển nuôi thuỷ sản nội đồng ở Mỹ Tiến

06:03, 08/03/2022

Xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) có nhiều lợi thế tự nhiên phù hợp cho phát triển nuôi thuỷ sản nước ngọt như có diện tích mặt nước lớn, hệ thống sông, ngòi, kênh, mương nội đồng phân bố đều trên khắp địa bàn. Nhiều năm qua, người dân trong xã đã tập trung phát triển nghề canh trì, đem lại hiệu quả kinh tế khá.

Đảng ủy, UBND xã Mỹ Tiến luôn định hướng khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân khai thác lợi thế tự nhiên phát triển nuôi thủy sản, nhất là phát triển quy mô trang trại, gia trại với đa dạng các đối tượng nuôi. Các hộ nuôi thủy sản được tạo điều kiện để mở rộng diện tích và tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện nay, xã có 4 vùng nuôi thuỷ sản tập trung tại các khu Lang Xá, Nguyễn Huệ, La Chợ, La Đồng với các loại đối tượng nuôi là cá nước ngọt truyền thống, cá trắm đen, cá Koi... Nhằm nâng cao hiệu quả nuôi, các hộ nuôi cá trong các vùng nuôi tập trung của xã đã liên kết, hỗ trợ nhau trong việc ứng dụng công nghệ nuôi cá theo phương pháp công nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y, tìm kiếm thị trường tiêu thụ... Các hộ nuôi còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi thả trong vùng nuôi tập trung. Nhiều hộ nuôi thuỷ sản có hiệu quả kinh tế cao như các ông: Trần Văn Nghĩa, Trần Văn Mịch, Trần Văn Quý ở thôn La Chợ, anh Nguyễn Chung Thuỷ ở thôn Nguyễn Huệ... Anh Nguyễn Chung Thuỷ có 2 ao nuôi cá truyền thống và cá chép Koi; trung bình mỗi năm thu hoạch khoảng 1,5-2 tấn cá các loại, thu lãi khoảng 60-70 triệu đồng. Trước kia, khu chăn nuôi của anh vốn là đất canh tác kém hiệu quả. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, anh đã mạnh dạn đấu thầu để phát triển chăn nuôi. Anh Thuỷ cho biết: “Thời gian đầu tôi cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, không có đủ kinh phí để phát triển trang trại phải vay mượn thêm của anh em, bạn bè; thiếu kinh nghiệm trong nuôi thủy sản”. Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng như đào ao, thả cá, tu sửa bờ cống cấp thoát nước, đầu tư máy sục khí, máy cấp nước..., anh còn tích cực tham gia các lớp tập huấn về nuôi thuỷ sản nước ngọt do xã, huyện và 1 số cơ quan chức năng tổ chức. Bên cạnh nuôi cá, anh còn kết hợp nuôi thêm lợn, gà, chim bồ câu, trồng bưởi Diễn... để có thêm nguồn thu nhập. Qua nhiều vụ nuôi cũng như áp dụng các phương pháp kỹ thuật vào chăm sóc đàn cá, lợn, gà... phát triển mạnh, chất lượng tốt, được khách hàng ưa chuộng. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình cũng ổn định hơn. Hộ ông Trần Văn Nghĩa có diện tích tập trung hơn 1ha nuôi cá trắm đen, cá Koi. Ông Nghĩa cho biết: “Để nuôi đạt hiệu quả cao, tôi luôn chủ động theo dõi tình trạng sức khoẻ của đàn cá cũng như môi trường ao nuôi để có những biện pháp phòng, chữa kịp thời. Tất cả các ao nuôi đều được vệ sinh, xử lý nước thường xuyên. Thức ăn được tận dụng từ ốc, cám công nghiệp... nên các lứa cá đều phát triển tốt”. Ông Trần Văn Quý cũng có ao nuôi cá trắm đen tại thôn La Chợ. Mỗi năm, ông thu lãi từ 200-250 triệu đồng từ nuôi cá trắm đen. Ông Quý cho biết: “Trước kia, vùng đất này chỉ cấy lúa, hiệu quả kinh tế thấp, dù cố gắng chăm bón cũng chỉ thu được từ 1-2 tạ thóc/sào. Nhiều năm trở lại đây, nhờ chủ trương đổi mới sản xuất của xã, người dân chúng tôi có cơ hội chuyển đổi sang nuôi cá, hiệu quả kinh tế cao hơn đến chục lần so với trước kia”. 

Để đảm bảo cho việc nuôi thuỷ sản phát triển bền vững, thời gian tới, Đảng uỷ, UBND xã Mỹ Tiến tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi diện tích trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản; đồng thời tiếp tục quản lý chặt chẽ các vùng nuôi thuỷ sản, không để người dân tự ý chuyển đổi nuôi thuỷ sản, phá vỡ quy hoạch. Ngoài ra, xã cũng tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật cho người nuôi cá, đẩy mạnh phát triển nuôi thuỷ sản có khả năng thâm canh cao. Hiện nay là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường ao nuôi thường biến động, thay đổi đột ngột khiến các đối tượng thủy sản dễ bị sốc nhiệt, sức đề kháng kém dễ nhiễm dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến hiệu quả vụ nuôi. Vì vậy, các hộ nuôi thủy sản trong xã cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc đàn cá: theo dõi môi trường nước, nhiệt độ, ô-xy trong nước, phân tích, đánh giá môi trường nuôi để kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, đáy ao phải tháo vét bùn hàng năm, không để bùn quá dày dễ bị thối, là nơi cư trú cho các loài sinh vật gây bệnh và sinh ra nhiều khí độc. Ngoài ra, các hộ nuôi thuỷ sản nước ngọt trong xã cần kết hợp chặt chẽ với nhau để tìm kiếm, trau dồi kinh nghiệm nuôi thuỷ sản cũng như cách chăm sóc đàn cá hiệu quả, hỗ trợ nhau trông coi, bảo vệ an ninh trật tự vùng nuôi, để nghề nuôi thủy sản của xã phát triển bền vững, duy trì hiệu quả cao./.

Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com