Nhân rộng phong trào trồng cây, gây rừng

07:03, 03/03/2022

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây, gây rừng góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Các cấp, ngành, các huyện, thành phố, các tổ chức, đơn vị đều tích cực tham gia trồng cây đầu xuân. Nhờ đó tăng mật độ cây xanh ở cả khu vực thành thị, nông thôn, tạo môi trường sống trong lành và góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với việc trồng và bảo vệ cây xanh.

Lực lượng kiểm lâm của tỉnh thường xuyên giám sát và thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng tại huyện Giao Thủy

Lực lượng kiểm lâm của tỉnh thường xuyên giám sát và thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng tại huyện Giao Thủy.

Ảnh: PV

Mặc dù năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng các cấp, ngành người dân các địa phương vẫn khắc phục khó khăn, mở rộng diện tích trồng cây xanh tại những nơi có thể trồng. Toàn tỉnh trồng mới 31,11ha rừng, trồng 1,6 triệu cây phân tán các loại, bảo vệ, chăm sóc tốt diện tích rừng phòng hộ. Các hoạt động của lực lượng kiểm lâm địa bàn gắn với nhân dân, chính quyền cơ sở, theo dõi chặt chẽ thực trạng rừng, thực hiện bảo vệ rừng tại gốc, giám sát tại nơi tiêu thụ, chế biến lâm sản, nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng… Phong trào trồng cây gây rừng đã được các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả. Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã được các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và gương mẫu tham gia, trực tiếp phát động và trồng cây. Hưởng ứng phong trào trồng cây đầu xuân, Tỉnh Đoàn đã phát động thi đua chào mừng đại hội Đoàn các cấp nhiệm kỳ 2022-2027 và Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Nhâm Dần 2022. Tại xã Yên Thắng (Ý Yên), lãnh đạo Tỉnh Đoàn đã kêu gọi các cấp bộ Đoàn trong tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền về vai trò của cây xanh đối với môi trường và đời sống con người, đến nền kinh tế của đất nước và toàn cầu. Qua đó giúp đoàn viên, thanh, thiếu nhi và nhân dân nâng cao ý thức trồng, chăm sóc cây xanh, gắn mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường; phấn đấu mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh, thiếu nhi trồng và chăm sóc được ít nhất 1 cây xanh. Tại đây, đông đảo đoàn viên, thanh niên và người dân địa phương tổ chức trồng cây, dọn vệ sinh môi trường và gắn biển công trình “Hàng cây thanh niên” chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại thôn Thái Hòa, công trình nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu… Hội Nông dân huyện Vụ Bản phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng NN và PTNT huyện, xã Hợp Hưng tổ chức trồng 150 cây xà cừ loại cao từ 2-2,5m trên tuyến đường từ thôn An Thứ đi Khả Chính. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện đã tài trợ 1.329 cây bóng mát, gồm các loại xà cừ, cây keo, cây bằng lăng, hoa ban trồng trên 23 tuyến đường tại 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Theo kế hoạch trồng cây, trồng rừng và phát động Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu trồng trên 1,3 triệu cây xanh các loại tại khu vực đô thị, khu dân cư, ven đường, khu vực công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, các công trình tín ngưỡng, nhà ở và các công trình công cộng. Ưu tiên trồng cây bản địa, cây trồng đa mục đích, vừa có giá trị kinh tế vừa có tác dụng làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của địa phương. Cùng với việc phát động, nhân rộng phong trào trồng cây xanh, năm nay toàn tỉnh phấn đấu trồng mới 19ha rừng, trồng bổ sung phục hồi 190ha; trong đó huyện Nghĩa Hưng trồng mới 9ha, trồng bổ sung phục hồi 100ha, huyện Giao Thủy trồng mới 10ha, trong bổ sung phục hồi 90ha. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí diện tích đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phù hợp với quy hoạch; bố trí diện tích đất trồng cây xanh đô thị, khu dân cư, công sở, đường giao thông, đất trồng cây xanh nông thôn… phù hợp với địa phương, đơn vị. Đảm bảo diện tích đất thuộc các đối tượng trồng cây xanh phải có chủ quản lý cụ thể, rõ ràng; diện tích đất có khả năng trồng cây thuộc các tổ chức và hộ gia đình do tổ chức, hộ gia đình có trách nhiệm quản lý. Đối với diện tích rừng, đất công, các công trình công cộng, đường xã, bờ kênh mương… các địa phương tổ chức giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, hiệp hội, đoàn thể chính trị xã hội trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây. Các địa phương chủ động chỉ đạo gieo ươm, chuẩn bị đủ số lượng cây giống có chất lượng, phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật. Ưu tiên chọn loài cây trồng gỗ lớn, lâu năm, đa mục đích, các loài cây bản địa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để đảm bảo cây phát triển tốt sau khi trồng. Sở NN và PTNT trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND về thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch số 63/KH-UBND về trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch 139/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tỉnh Nam Định”.

Công nhân Công ty Cổ phần Công trình đô thị Nam Định trồng, chăm sóc cây xanh tại khu vực Giàn Leo, thành phố Nam Định

Công nhân Công ty Cổ phần Công trình đô thị Nam Định trồng, chăm sóc cây xanh tại khu vực Giàn Leo, thành phố Nam Định.

Ảnh: Khôi Nguyên

Đồng chí Cao Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho biết: Những năm qua, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam nói chung, tỉnh Nam Định nói riêng và để lại hệ quả rất nặng nề. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đã trở thành một xu thế chủ đạo, yêu cầu sống còn của mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế. Để hoàn thành kế hoạch “trồng cây, gây rừng” năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Giao Thủy chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của huyện về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác trồng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; vận động nhân dân lên án, tố giác những hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, phá rừng, khai thác rừng trái phép và các hành vi phá hoại cây xanh. Tập trung huy động nguồn vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh thông qua các dự án tài trợ hoặc sáng kiến thành lập quỹ trồng cây xanh của các xã, thị trấn. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, trồng, chăm sóc cây xanh trên các khu đất quy hoạch công viên, vườn hoa, khu nghỉ dưỡng. Toàn huyện quyết tâm phấn đấu trồng 140 nghìn cây xanh các loại.

Sự vào cuộc tích cực của UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương sẽ mở rộng diện tích trồng cây xanh, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ tác động của thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com