Đánh thức tiềm năng vùng đất bãi

06:03, 14/03/2022

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên vùng đất bãi ven sông của tỉnh có sự đổi thay nhanh chóng. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGap… được hình thành, tạo hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương.

Công nhân Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Thần Nông, xã Đại Thắng (Vụ Bản) thu hoạch dưa lưới.  Bài và ảnh: Văn Đại
Công nhân Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Thần Nông, xã Đại Thắng (Vụ Bản) thu hoạch dưa lưới. 

Từ hơn 2 năm nay, người dân sinh sống ở khu vực vùng bối xã Đại Thắng (Vụ Bản) cũng khá bất ngờ với mô hình nhà màng trồng rau màu của Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Thần Nông. Lần đầu tiên các giống dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, cà chua Cherry, măng tây, dưa chuột… được đưa vào trồng trên vùng đất vốn bao đời chỉ trồng ngô, đậu tương và cấy lúa. Diện tích sản xuất cũng được triển khai khá lớn, lên đến gần 4ha. Các giống cây rau màu được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, với quy trình kỹ thuật do kỹ sư của Học viện Nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn cho người lao động của doanh nghiệp thực hiện. Hệ thống tưới nước được áp dụng kỹ thuật tiên tiến, bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây trồng và tiết kiệm tối đa. Được trồng đúng quy trình kỹ thuật, các giống rau màu đều đạt năng suất, chất lượng tốt, sản phẩm được dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Tuy mới bước sang năm thứ 3 nhưng Công ty đã có thể trồng luân canh 3-4 vụ/năm tùy theo giống cây rau màu. Mô hình trồng rau màu công nghệ cao trên đất bãi ven sông Đào ở xã Đại Thắng đang hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo hướng đi mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp nơi đây. Hiện Công ty đang tích cực liên kết với các hộ nông dân ở địa phương mở rộng diện tích trồng các loại cây rau màu theo công nghệ mới, tạo vùng nguyên liệu ổn định để hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân. Anh Vũ Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Thần Nông cho biết: Thành công lớn nhất là việc đưa các loại cây dưa, cà chua, măng tây vào vùng đất bãi ven sông Đào vốn trước đây chỉ trồng các cây truyền thống hiệu quả kinh tế chưa cao. Những thành công trong thời gian qua là cơ sở để đơn vị tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP trong những năm tới và dự kiến sẽ liên kết mở rộng thêm diện tích sản xuất với người dân trong vùng. Dọc vùng đất bãi ven sông Đào thuộc địa bàn huyện Vụ Bản hoàn toàn có khả năng áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Người dân địa phương đang tích cực liên kết với Công ty Thần Nông để sản xuất các loại rau, quả đạt tiêu chuẩn an toàn cung cấp cho thị trường. Hiệu quả kinh tế đem lại từ các mô hình cây trồng mới cao gấp 3-5 lần so với sản xuất truyền thống. 

Không chỉ có huyện Vụ Bản, tại những vùng bãi ven sông của các địa phương khác trong tỉnh đang được người dân chú trọng phát triển sản xuất mang lại giá trị thu nhập cao cho người dân. Có một điểm chung của các vùng đất bãi là hình thành được những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Phát huy lợi thế vùng đất bãi ven sông, người dân xã Mỹ Tân đã mạnh dạn chuyển đổi, đưa các giống hoa mới, có giá trị cao vào sản xuất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của thị trường. Đồng chí Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho biết: Từ lâu nay, cúc là cây hoa truyền thống của người dân Mỹ Tân, có thời điểm 90% diện tích trồng hoa của xã là trồng loại hoa này. Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân đang tích cực chuyển sang trồng loại hoa có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế cao như: lay ơn, cát tường, ly... Giống hoa được người dân nhập từ Lâm Đồng, Sa Pa. Theo người dân trồng hoa Mỹ Tân, đây là những loại hoa đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc cao hơn nhưng bù lại cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với giống hoa truyền thống... Là một trong những hộ đi tiên phong trong việc đưa giống hoa mới về trồng trên vùng đất Mỹ Tân, anh Nguyễn Trọng Đại, thôn Hồng Hà 2, xã Mỹ Tân cho biết: Gia đình tôi trồng gần 3ha hoa các loại. Vụ hoa tết vừa qua, trồng 5 sào hoa lay ơn, 4 sào hoa ly. Hoa được giá, mỗi sào đạt từ 50-55 triệu đồng. Không chỉ dừng lại ở việc thay đổi giống cây trồng cho giá trị cao, người trồng hoa Mỹ Tân cũng đã mạnh dạn đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, hệ thống điện thắp sáng, xây dựng kho lạnh để bảo quản hoa đảm bảo yêu cầu và cung ứng ra thị trường đúng dịp lễ, tết nhằm nâng cao thu nhập. Để hỗ trợ nghề trồng hoa phát triển ổn định, tạo nguồn thu nhập cho người dân, xã Mỹ Tân đã chú trọng hoàn thiện hệ thống mạng lưới đường giao thông phục vụ việc giao thương; đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo hướng đồng bộ phục vụ sản xuất. Khuyến khích nông dân áp dụng hiệu quả kỹ thuật trồng hoa trong nhà kính, giữ nhiệt độ phù hợp giúp cây hoa sinh trưởng, phát triển tốt. Xã đã lắp đặt 3 trạm biến áp để cung ứng nguồn điện ổn định phục vụ chăm sóc hoa của bà con tại vùng trồng hoa tập trung của xã. Các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn cũng tích cực phát triển các khâu dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất của xã viên. Cùng với đó, hàng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở nhiều lớp hướng dẫn, nâng cao kỹ thuật trồng các loại hoa; tập huấn việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào trồng trọt; tổ chức cho bà con đi tham quan, học hỏi cách làm mô hình trồng hoa tại các địa phương trong và ngoài tỉnh... Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã xây dựng quy hoạch phù hợp với điều kiện của từng vùng, tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa; vận động bà con đưa các giống hoa chất lượng, giống hoa mới đáp ứng nhu cầu thị trường vào trồng. Tập trung xây dựng và quy hoạch vùng trồng hoa trọng điểm tại thôn Hồng Hà 1 và Hồng Hà 2; tạo điểm giao dịch hoa tại địa bàn nhằm thu hút và tìm kiếm các công ty, doanh nghiệp tham gia thu mua, tiêu thụ hoa ổn định, tạo cơ sở xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. 

Tỉnh ta có lợi thế đất bãi với diện tích lớn nằm dọc theo các tuyến sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đào. Những vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi, nhất là chất đất phù sa màu mỡ, khí hậu phù hợp, thích hợp cho áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Việc xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ phù hợp sẽ đánh thức khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương, góp phần làm giàu cho nhiều nông dân ở mỗi vùng quê./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com