Những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của thanh niên

06:02, 23/02/2022

Được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền cùng với tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, nhiều đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã xây dựng các mô hình khởi nghiệp mở ra hướng phát triển kinh tế mới xung kích, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.

Thanh niên Lương Văn Trường, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) với dự án “Nông trại Cờ Đỏ” xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2021 do Trung ương Đoàn tổ chức.  Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Thanh niên Lương Văn Trường, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) với dự án “Nông trại Cờ Đỏ” xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2021 do Trung ương Đoàn tổ chức.

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Năm 2017, tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, nhưng thanh niên Vũ Minh Ngọc lại quyết định về quê tại làng Bách Cốc Cổ, xã Thành Lợi (Vụ Bản) để khởi nghiệp từ nghề làm giấm gia truyền. Nhằm gia tăng giá trị cho nông sản, anh lựa chọn đầu tư chế biến nông sản từ quả mơ tại vùng rừng Tây Bắc và trà xanh ở các địa phương trong huyện Vụ Bản. Là kỹ sư ngành kỹ thuật nên khi bước vào mảng nông nghiệp là một thách thức lớn đối với anh Ngọc, bởi trong tay anh ngoài công thức gia truyền thì không có gì khác. Hơn nữa, trong tâm thức người Việt, giấm ăn chỉ được xem là một thứ gia vị thứ yếu trong bữa cơm gia đình. Việc sử dụng giấm trái cây như một thức uống giải nhiệt, bảo vệ sức khỏe hay để làm đẹp cho phụ nữ lại chưa phổ biến. Lường trước những khó khăn, thách thức, với quyết tâm và sự động viên của gia đình, anh Ngọc đã gây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm thông qua thành lập Công ty TNHH nông sản Cô Tâm. Để duy trì hoạt động, thời gian đầu, anh vừa sản xuất, vừa tự nghiên cứu, học hỏi, tìm đọc tài liệu về quy trình lên men giấm; đồng thời đem mẫu sản phẩm đi thẩm định, đánh giá chất lượng, xin tư vấn của chuyên gia tại các viện thực phẩm, trường đại học, nhà máy bia… để chuẩn hóa quy trình sản xuất và hoàn thiện nhãn mác “Giấm Cô Tâm” cho sản phẩm truyền thống của gia đình. Vừa trực tiếp sản xuất, anh vừa rong ruổi mang sản phẩm đến các cửa hàng thực phẩm sạch, hoa quả sạch ở hầu khắp các tỉnh, thành phố để giới thiệu hàng và học thêm kinh nghiệm bán hàng, xây dựng chuỗi cung ứng cho sản phẩm. Sau 4 năm nghiên cứu, xây dựng, ổn định sản xuất và phát triển thương hiệu, các sản phẩm từ giấm của anh đã và đang được khách hàng đánh giá cao. Đến nay, sản phẩm “Giấm mơ trà xanh” đã có mặt tại các chuỗi cửa hàng Nông nghiệp sạch của tỉnh, các chợ đầu mối, chợ truyền thống, nhà hàng, quán ăn ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc với sản lượng khoảng 2.000 chai/tháng, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và thời vụ với mức lương bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng. Chưa dừng lại ở đó, từ quả mơ rừng Tây Bắc và công thức ngâm ủ gia truyền, anh Ngọc đang ấp ủ chế tạo ra sản phẩm vang mơ đặc trưng theo cách chiết kết hợp với công thức sản xuất rượu vang nho phương Tây (dòng balsamic của Pháp). Đồng thời hướng người tiêu dùng sử dụng giấm kết hợp với mật ong dưới dạng đồ uống, thực phẩm làm đẹp, thanh nhiệt, giải độc, ổn định huyết áp và chăm sóc da, tốt cho sức khỏe. Với những nỗ lực và thành công đạt được, anh Vũ Minh Ngọc là một trong 57 nhà nông trẻ xuất sắc năm 2021, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương, trao tặng giải thưởng Lương Định Của.

Đối với thanh niên Lương Văn Trường, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng). tốt nghiệp ngành công nghệ sau thu hoạch của Trường Đại học Đà Lạt năm 2011. Với mong muốn ứng dụng kiến thức để giúp đỡ nông dân, anh tham gia Dự án quốc gia “600 Phó Chủ tịch xã trẻ” giai đoạn từ năm 2012-2016; được nhận nhiệm vụ phụ trách nông lâm nghiệp tại xã Lử Thẩn, huyện Si Ma Cai (Lào Cai). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, năm 2017, anh quyết định về quê hương để lập nghiệp. Nhận thấy đất nông nghiệp ở nhiều địa phương bị bỏ hoang không đành lòng trước cảnh người nông dân “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Được sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền xã Tân Thịnh (Nam Trực), anh Trường đã thuê lại 7ha đất nông nghiệp thành lập “Nông trại Cờ Đỏ” để sản xuất cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên, khi bắt tay vào sản xuất quy mô lớn anh đã gặp rất nhiều khó khăn. Vụ mùa năm 2018 mưa nhiều, gieo giống xong lại mưa, nên giống chết; ngâm hạt giống để gieo tiếp thì nước chưa rút, giống lại thối. Anh mất trắng 4-5 tấn giống, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Không nản chí, anh đã tìm cách xử lý kéo dài thời gian bảo quản hạt giống và đã cho ra đời quy trình sản xuất hạt giống lúa đã nảy mầm sẵn. Quy trình này đưa hạt giống đã nảy mầm về trạng thái ngủ đông (hạt giống nảy mầm được đưa về dạng khô, chịu lực va đập tốt), để nông dân dễ dàng sử dụng mà không bị gãy mầm hay thối hỏng như cách ngâm ủ hạt giống truyền thống. Khi sử dụng không cần ngâm ủ mà mang gieo trực tiếp, hạt giống sẽ trở lại trạng thái nảy mầm trong 30 phút. Quy trình đã được Chứng nhận quyền tác giả số 10205/2020/QTG; được chấp nhận đơn đăng ký sáng chế tháng 2-2021. Trong quá trình làm nông nghiệp, anh đã đưa ra các giải pháp như: Kỹ thuật ngâm ủ hạt giống quy mô lớn tiết kiệm nước; Máy chăm sóc lúa đa năng 3 trong 1 tiết kiệm nước; Quy trình trồng lúa không cày bừa cho vụ hè thu; Thiết bị hỗ trợ phun thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm nước tích hợp vào bình phun vác vai có sẵn; Ứng dụng tinh dầu sả Java trong phòng trừ sâu hại trên cây lúa và rau màu… Từ công nghệ sản xuất hạt giống nảy mầm sẵn, anh Trường đã nảy ra ý tưởng sản xuất gạo mầm tươi, một sản phẩm rất giàu dinh dưỡng được thương mại hóa từ tháng 6-2021. Sản phẩm gạo mầm là hạt tươi chứ không phải hạt “chết” như những sản phẩm cùng loại, vì thế dinh dưỡng trong hạt gạo được bảo tồn nhiều hơn. Hiện sản phẩm đã được cung cấp cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Từ một nông trại đơn lẻ, qua 3 năm triển khai dự án với nhiều thay đổi tích cực, từ lúc một mình vật lộn với 7ha, năm 2021 anh Trường đã liên kết, tập hợp những người cùng chí hướng, cùng đam mê thành lập HTX thanh niên Nam Đại Dương. Hiện nhóm của Trường có 7 thành viên, 20 hộ liên kết, quy mô sản xuất 21ha. Sản phẩm của dự án được áp dụng ở 5 huyện của tỉnh gồm: Trực Ninh, Nam Trực, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Vụ Bản và đang được các tập đoàn sản xuất lúa giống của Việt Nam liên hệ hợp tác sản xuất. Năm 2021, doanh thu của HTX lên tới 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 50-70 lao động. Vừa qua, dự án “Nông trại Cờ Đỏ” xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2021 do Trung ương Đoàn tổ chức. 

Có thể thấy, dù ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nhưng mỗi ý tưởng khởi nghiệp đều thể hiện tinh thần xung kích, sáng tạo cùng khát vọng lập thân, lập nghiệp phát triển kinh tế của thanh niên trong tỉnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh ngày càng phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh còn khá đông đoàn viên, thanh niên chưa có việc làm ổn định, thu nhập thấp, trình độ nhận thức còn hạn chế... Để khắc phục tình trạng này cũng như đẩy mạnh phong trào hỗ trợ “Thanh niên khởi nghiệp” trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho đoàn viên, thanh niên, từ đó định hướng cho đoàn viên, thanh niên lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với năng lực, sở trường; hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay từ các Ngân hàng và chuyển giao khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình... để ngày càng có nhiều dự án khởi nghiệp hiệu quả của tuổi trẻ trong tỉnh./.

Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com