Chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế tăng rõ rệt

08:01, 20/01/2022

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến mọi mặt kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân nhưng chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh ta tiếp tục tăng lên rõ rệt. Năm 2021, tỉnh ta là một trong 11 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) cao nhất cả nước nhờ mức tăng 7,7% so với năm 2020, đạt 49.742 tỷ đồng theo giá so sánh 2010. Theo giá hiện hành, GRDP toàn tỉnh ước đạt 84.097 tỷ đồng, tăng 7.111 tỷ đồng, tương đương tăng 9,27% so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt 45,8 triệu đồng/người, tăng 5,9% so với năm 2020.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Dệt nhuộm Sunrise Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản).
Sản xuất tại Công ty Cổ phần Dệt nhuộm Sunrise Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản).

Phân tích trong mức tăng chung của nền kinh tế năm 2021 theo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh, so với năm 2020: Ngành công nghiệp tiếp tục giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh với mức tăng 13,79%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng nền kinh tế với mức tăng 13,90%; sản xuất, phân phối điện tăng 6,40%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,38%; khai khoáng tăng 19,0%. Ngành xây dựng tăng 8,57%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,81%; trong đó ngành nông nghiệp tăng 3,67%, ngành lâm nghiệp tăng 9,39%, ngành thủy sản tăng 4,12%. Hoạt động thương mại dịch vụ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; nhất là hệ thống nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn do các biện pháp phòng, chống dịch và giãn cách xã hội tại một số địa phương. Tuy nhiên, một số ngành dịch vụ như bán buôn bán lẻ, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm... đóng góp tỷ trọng lớn vào giá trị tăng thêm giúp khu vực dịch vụ tiếp tục tăng 4,56%. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 17-11-2021 toàn tỉnh có 882 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 9% so với năm 2020, với tổng vốn đăng ký là 23.388 tỷ đồng, tăng 2,9 lần so với năm 2020. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 26,5 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2021. Bên cạnh đó, có 421 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,1% so với năm 2020. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 3,25%. Những con số này cho thấy sức chống chịu, khả năng thích ứng tốt của cộng đồng doanh nghiệp trước nền kinh tế nhiều biến động. Sự đóng góp của các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đã giúp năm 2021 tỉnh đạt tổng thu ngân sách Nhà nước khoảng 19.917 tỷ, bằng 143,2% dự toán năm và tăng 8,2% so với năm trước. Ngoài ra, năm 2021 huy động vốn và dư nợ cho vay nền kinh tế tăng trưởng khá, tỷ lệ nợ xấu giảm so với năm 2020. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 7.176 tỷ đồng, tăng 17,9% so với năm trước và chiếm 36,1% tổng thu; trong đó: Thu nội địa 6.536 tỷ đồng, tăng 15,0%, thu cân đối hoạt động xuất, nhập khẩu 600 tỷ đồng, tăng 89,9%. Riêng phần thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,84% so với năm trước. 

Nền kinh tế tăng trưởng giúp tỉnh thuận lợi trong huy động, bố trí vốn đầu tư đều khắp các lĩnh vực phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở giai đoạn tiếp theo. Năm 2021, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 43.413,5 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn Nhà nước 6.813,7 tỷ đồng, tăng 3,7% so với năm trước; tập trung vào các công trình trọng điểm của tỉnh, như các công trình trong lĩnh vực giao thông, đê điều, văn hóa. Vốn ngoài Nhà nước 33.212,3 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm trước, tập trung chủ yếu ở khu vực dân cư, xây dựng sửa chữa nhà cửa, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh… 

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, từ đó tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế, năm 2022 bên cạnh việc chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thúc đẩy phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn; phát triển công nghiệp; phát triển thương mại, dịch vụ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư; tăng cường quản lý thu, chi ngân sách. Trong đó, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp về tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh. Khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế đầu tư các dự án có vốn lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, các dự án trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế, kinh doanh thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư thứ cấp tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn, như: KCN Dệt may Rạng Đông, KCN Mỹ Thuận, CCN Thịnh Lâm (Giao Thủy), CCN Thanh Côi (Vụ Bản), CCN Yên Bằng (Ý Yên)… Hoàn thiện thủ tục sớm khởi công xây dựng mở rộng KCN Bảo Minh (Vụ Bản), KCN Trung Thành (Ý Yên). Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh tại CCN Yên Dương, huyện Ý Yên; mở rộng CCN Xuân Tiến (Xuân Trường). Tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp đảm bảo tiến độ hoàn tất các điều kiện liên quan và phấn đấu khởi công các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn như: Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định, nhà máy cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng, nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định…Tiếp tục triển khai kịp thời các chính sách, quy định của Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phát triển sản xuất, kinh doanh. Chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hoá; đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm trong tình hình mới. Đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao và có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách. Chú trọng phát triển ngành dịch vụ du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch biển. Tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh đổi mới các hình thức sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, hàng hóa theo chuỗi giá trị; nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, tổ chức các chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2022, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách ở mức cao nhất… 

Với các giải pháp kể trên, năm 2022 toàn tỉnh hướng tới các mục tiêu: Tổng sản phẩm GRDP (giá so sánh 2020) tăng từ 8,5%-9,5%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 17,0%, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ lệ 83,0% trong cơ cấu kinh tế; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 14,0% trở lên; giá trị xuất khẩu đạt từ 3 tỷ USD trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 16,5% trở lên; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6.600 tỷ đồng./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com