Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nông sản chủ lực

08:12, 21/12/2021

Để nâng cao vị thế cho nông sản địa phương tỉnh ta đã chủ động rà soát, xác định các sản phẩm chủ lực phù hợp với yêu cầu, tiềm năng lợi thế của địa phương; từ đó áp dụng đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Ngày 18-9-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1979/QĐ-UBND phê duyệt danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực; các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp quan trọng cần ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ phát triển. Trong đó, có 3 nhóm sản phẩm chủ lực (sản phẩm trồng trọt, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm thủy sản) với các chủng loại cụ thể như sau: Lúa, rau, củ; hoa, cây cảnh; thịt lợn, gà; ngao, tôm. 5 ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp quan trọng gồm: Ngành sản xuất các sản phẩm trồng trọt; ngành sản xuất các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản; sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và muối; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái. Trên cơ sở đó, các ngành, các địa phương khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, nông dân phát triển các nông sản chủ lực, với một số chương trình, biện pháp thiết thực gồm: quy hoạch, bố trí ruộng đất, xác lập các vùng sản xuất nông sản chủ lực tập trung; tư vấn, hỗ trợ xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo hướng hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường gắn với quản lý, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ mới như VietGAP, GlobalGAP, công nghệ Nhật Bản và các tiêu chuẩn của châu Âu để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; hỗ trợ nâng tầm các nông sản chủ lực đạt tiêu chuẩn OCOP; hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tham gia, phát triển ngành sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Đặc biệt, các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương còn chú trọng hỗ trợ thực hiện các mô hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ.

Nuôi gà theo quy chuẩn VietGAP tại xã Trực Hùng (Trực Ninh).  Bài và ảnh: Thanh Thúy
Nuôi gà theo quy chuẩn VietGAP tại xã Trực Hùng (Trực Ninh).

Nhờ đó, đến nay tất cả các huyện, thành phố đều có nhiều nông sản chủ lực có thương hiệu. Điển hình như huyện Trực Ninh, được các doanh nghiệp như Công ty CP Vật tư nông nghiệp Trực Ninh, Công ty TNHH Cường Tân, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, HTX dược thảo Hoàng Thành liên kết cùng các HTX, các hộ nông dân phát triển mạnh mẽ sản phẩm lúa giống chất lượng cao, lúa đặc sản (nếp Bắc, nếp cái hoa vàng) và rau quả sạch công nghệ cao theo quy mô liên xã. Tại huyện Nam Trực ngoài nhóm sản phẩm lúa chất lượng cao, lúa đặc sản; rau, củ (theo hướng an toàn, hữu cơ, VietGAP); lợn, gia cầm, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã góp sức phát triển mạnh nhóm sản phẩm chủ lực hoa, cây cảnh (hoa hồng, hoa trà, cây bonsai, cây thế, cỏ Nhật). Huyện Nghĩa Hưng đã tập trung phát triển các sản phẩm lúa chất lượng cao, lúa đặc sản: Nếp cái hoa vàng, nếp Bắc, gạo huyết rồng; cây dược liệu (đinh lăng, ngưu tất); các doanh nghiệp đã tham gia phát triển mạnh các con nuôi nước mặn gồm cá bống bớp, cá song, tôm, ngao, cua biển. Tại Hải Hậu, các doanh nghiệp đã phát triển được các sản phẩm chủ lực gồm: lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, cây dược liệu (cây đinh lăng, cây thìa canh), nấm, thịt lợn, trứng gia cầm, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, các đặc sản nước ngọt, các sản phẩm chế biến từ thủy sản và rau, củ quả chất lượng cao...

Đến nay, có một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực phát triển khá nhanh ở quy mô lớn, thương hiệu cấp tỉnh gồm: lúa giống, lúa đặc sản, cây dược liệu; ngao; hoa, cây cảnh... Riêng lúa gạo là nông sản chủ lực của tỉnh với cơ cấu chủ yếu là các giống lúa chất lượng ngon có hơn 10 nhãn hiệu gạo đã được đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao chứng nhận gồm: Các loại gạo đặc sản truyền thống (tám xoan Hải Hậu, Nếp bắc Quần Liêu, Tám non Xuân Trường, Dự Hương Nam Mỹ); gạo sạch các thương hiệu Toản Xuân (Công ty TNHH Toản Xuân); “Gạo sạch Bốn Thuận” (HTX Bốn Thuận); gạo Sen (Công ty TNHH Đình Mộc); gạo thảo dược hữu cơ của HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường (Vụ Bản), HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình và nông trại Toán Lý, thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh)... Ngoài tra, sản phẩm ngao Meretrix lyrata do Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam liên kết sản xuất với các hộ nuôi xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) đã được cấp chứng nhận nuôi thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC (đây là chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới cho ngao Meretrix lyrata) giúp nâng tầm thương hiệu sản phẩm ngao của tỉnh, mở ra cơ hội thâm nhập sâu vào nhiều thị trường trên thế giới, nhất là các thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và hệ thống siêu thị cao cấp tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, từ năm 2019 đến nay, các cơ sở, doanh nghiệp tại các huyện, thành phố đã được hỗ trợ từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã bao bì sản phẩm... nâng tầm nông sản chủ lực với kết quả có 226 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Năm 2022, tỉnh tiếp tục chủ trương tạo thuận lợi nhất để hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng các chuỗi liên kết bền vững với nông dân trong tổ chức sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ các nông sản chủ lực mang thương hiệu cấp tỉnh. Trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, ngao theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững. Tích cực triển khai đồng bộ Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thương hiệu để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các nông sản đặc trưng của địa phương với mục tiêu phấn đấu năm 2022 toàn tỉnh có thêm 60 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên.

Với các mục tiêu kể trên, toàn tỉnh hướng tới đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com