Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021

06:12, 23/12/2021

Đẩy mạnh đầu tư công được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Vì vậy, từ đầu năm 2021 đến nay tỉnh tiếp tục quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC), trở thành một trong số ít các địa phương “top” đầu cả nước có tỷ lệ giải ngân VĐTC cao.

Thi công cải tạo tường bao hồ Vỵ Hoàng, thành phố Nam Định.  Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thi công cải tạo tường bao hồ Vỵ Hoàng, thành phố Nam Định. 

Tỉnh tập trung thực hiện các dự án lớn, công trình trọng điểm, các công trình an sinh xã hội như: dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1); dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh; đầu tư xây dựng, nâng cấp tỉnh lộ 485B, 487B, 488B, 488C; xây dựng đường trục trung tâm phía nam thành phố Nam Định, khu đô thị mới phía nam sông Đào; nâng cấp hệ thống công trình phòng, chống lụt, bão đê hữu sông Hồng và đê tả sông Đào; cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ; dự án Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần; xây dựng cảng cá Quần Vinh... Thường xuyên kiểm tra, rà soát tiến độ thi công các công trình dự án và có những giải pháp cụ thể giải quyết khó khăn về giải phóng mặt bằng, điều kiện thi công; chú trọng nâng cao năng lực tổ chức, quản lý, điều hành và trách nhiệm trong việc thực hiện đầu tư xây dựng để nâng cao chất lượng dự án. Trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do tỉnh quản lý là 3.483,8 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 83,8% kế hoạch năm. Trong đó, cấp tỉnh là 3.125,9 tỷ đồng, đạt 83,2%; cấp huyện là 106,8 tỷ đồng, đạt 93,7%; cấp xã là 251,1 tỷ đồng, đạt 88,1% kế hoạch năm. 

Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết ngày 15-10-2021 còn một số nguồn vốn, dự án vẫn có tỷ lệ giải ngân thấp. Cụ thể, ở nguồn vốn ngân sách Trung ương kế hoạch năm 2021 còn 15 dự án chưa giải ngân hết (13 dự án bố trí vốn trong nước và 2 dự án bố trí vốn nước ngoài), trong đó có 6 dự án chưa giải ngân. Nguồn vốn ngân sách Trung ương kế hoạch năm 2020 kéo dài sang năm 2021, còn 1 dự án bố trí từ kế hoạch đầu năm 2020, 2 dự án bố trí vốn dự phòng chưa giải ngân hết; 1 dự án bố trí vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa giải ngân; 1 dự án kéo dài vốn nước ngoài chưa giải ngân. Ngoài ra, UBND tỉnh đã có Văn bản số 92/UBND-VP5 ngày 2-3-2021 báo cáo và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến ngày 31-12-2021 đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã bố trí cho HTX trồng cây dược liệu xã Hải Lộc (Hải Hậu) là 200 triệu đồng. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 5302/BKHĐT-TH ngày 12-8-2021 thông báo “Không xem xét kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia”. Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh kế hoạch năm 2021, còn 116 dự án chưa giải ngân hết, trong đó có 60 dự án tỷ lệ giải ngân mới đạt dưới 50%. Nguồn vốn kế hoạch năm 2020 kéo dài sang năm 2021 còn 54 dự án đến ngày 15-10-2021 chưa giải ngân hết. 

Theo ngành chức năng và các địa phương, nguyên nhân của tình trạng trên là do có nhiều vướng mắc khó khăn trong quá trình giải ngân VĐTC bởi năm 2021 có nhiều thay đổi về cơ chế chính sách, nhiều văn bản, quy định mới trong lĩnh vực kiểm soát chi ngân sách Nhà nước. Chính phủ đã ban hành các nghị định, quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng, quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng. Bộ Xây dựng ban hành các thông tư về chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng. Các văn bản có hiệu lực đan xen nhiều thời điểm khác nhau, kéo theo một số khó khăn trong quá trình giải ngân VĐTC. Việc triển khai thực hiện các dự án ODA, ngoài việc tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước còn phải đáp ứng các điều kiện riêng của từng nhà tài trợ. Quy trình giải ngân gồm nhiều khâu, nhiều bước đã ảnh hưởng đến thời gian hoàn thiện thủ tục để đủ điều kiện thanh toán vốn. Bên cạnh đó, sự gia tăng về giá nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép tăng cao khiến doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số công trình...

Với mục tiêu phấn đấu giải ngân VĐTC đạt 100% kế hoạch đảm bảo đúng thời gian quy định, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục dồn lực khắc phục mọi khó khăn, tập trung hoàn thiện các thủ tục để đủ điều kiện giải ngân số vốn đã được bố trí theo quy định. Trong đó, đối với kế hoạch VĐTC năm 2021 phải đảm bảo thời hạn giải ngân đến ngày 31-1-2022 theo quy định tại Điều 68, Luật Đầu tư công. Đối với kế hoạch VĐTC năm 2020 kéo dài sang năm 2021 phải đảm bảo thời hạn giải ngân đến ngày 31-12-2021 theo quy định tại Điều 101, Luật Đầu tư công. Do thời gian giải ngân VĐTC năm 2021 theo quy định không còn nhiều, vì vậy, các ngành, các đơn vị chủ quản phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị được giao kế hoạch VĐTC năm 2021 có số lượng dự án nhiều, dự án có kế hoạch vốn lớn nhưng có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 50%); kịp thời nắm bắt tình hình triển khai thực hiện dự án của từng cơ quan, đơn vị, từng chủ đầu tư; đặc biệt chú trọng rà soát, báo cáo tiến độ thực hiện các dự án được bố trí kế hoạch vốn lớn để tham mưu giúp UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành, đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC trên địa bàn. Chủ đầu tư các dự án, đặc biệt là các dự án được bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương tập trung đẩy mạnh giải ngân số vốn đã được bố trí; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu không giải ngân hết vốn đúng thời gian quy định dẫn đến Trung ương cắt giảm nguồn vốn ngân sách đã hỗ trợ cho tỉnh. Trường hợp không có khả năng giải ngân đúng theo thời gian quy định phải có văn bản báo cáo để điều chuyển vốn cho các dự án có nhu cầu vốn, có khả năng giải ngân tốt hơn.

Chấp hành chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, tranh thủ bối cảnh “bình thường mới”, các cấp, các ngành đã đôn đốc việc giải ngân VĐTC. Nhờ đó, trong tháng 11, các nhà thầu đã dồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, với tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý là 308,2 tỷ đồng; trong đó cấp tỉnh đạt 283,6 tỷ đồng, cấp huyện đạt 4,9 tỷ đồng. Tính chung 11 tháng, tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý là 3.750,8 tỷ đồng, tăng khá so với cùng kỳ năm trước, đạt 90,2% kế hoạch năm. Bằng việc thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành giải ngân VĐTC đúng kế hoạch năm 2021 đã được giao./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com