Các giải pháp giảm nghèo bền vững ở huyện Nam Trực

06:12, 22/12/2021

Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Nam Trực giảm còn 2,35%. Để có kết quả công tác giảm nghèo trên, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; đa dạng các hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Nghề làm hoa nhựa làng Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) tạo việc làm cho nhiều lao động.
Nghề làm hoa nhựa làng Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) tạo việc làm cho nhiều lao động.

Các giải pháp hiệu quả

Để thực hiện hiệu quả các biện pháp giảm nghèo bền vững, huyện đã đẩy mạnh thực hiện Đề án 1956/QĐ-TTg của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) huyện phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, UBND các xã, thị trấn tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn cũng như nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, huyện xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo theo ngành, nghề phù hợp; yêu cầu đơn vị đào tạo phối hợp với các doanh nghiệp đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo. Năm 2021, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở 2 lớp đào tạo nghề với 70 học viên tham gia; Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức 1 lớp với 30 học viên là lao động nông thôn trong huyện. Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng nghề cơ bản và đều tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Nhiều học viên đã mạnh dạn áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. Hiệu suất lao động được nâng lên, mức thu nhập, đời sống của nông dân trong huyện được cải thiện. Theo số liệu của Phòng LĐ-TB và XH huyện, đối với nghề phi nông nghiệp 85-90% lao động sau khi hoàn thành học nghề có việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; 10-15% lao động làm công việc mới có hệ số tiền lương cao hơn. Bên cạnh công tác dạy nghề, cùng với nguồn ngân sách, huyện đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm lo, hỗ trợ các đối tượng yếu thế. Trong 5 năm qua, Hội Chữ thập đỏ huyện Nam Trực trích quỹ từ thiện nhân đạo gần 1,5 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà cho hộ nghèo và nạn nhân chất độc da cam. Thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, hàng năm Hội Chữ thập đỏ các cấp trên địa bàn huyện đã vận động và trao tặng 100 đến 150 địa chỉ nhân đạo; trợ giúp 10 hộ gia đình nuôi bò sinh sản tại 2 xã Bình Minh và Nam Lợi tìm hướng phát triển chăn nuôi.

Nghề làm khăn xếp ở thị trấn Nam Giang (Nam Trực) góp phần giải quyết việc làm tại chỗ tạo thêm thu nhập cho nông dân.
Nghề làm khăn xếp ở thị trấn Nam Giang (Nam Trực) góp phần giải quyết việc làm tại chỗ tạo thêm thu nhập cho nông dân.

Điểm tựa thoát nghèo bền vững

Công tác giảm nghèo bền vững ở huyện Nam Trực thời gian qua đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Huyện ủy, UBND huyện Nam Trực tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương thực hiện tốt chế độ chính sách của Nhà nước với hộ nghèo, hỗ trợ những người yếu thế cải thiện cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Để hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, hàng năm, Hội Phụ nữ huyện tập trung rà soát, nắm chắc số lượng, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, đặc biệt là đối với các đối tượng phụ nữ đơn thân, tàn tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, từ đó có phương án hỗ trợ phù hợp về vốn, kiến thức, con giống, dạy nghề và tư vấn việc làm... để chị em vươn lên thoát nghèo. Trong phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ chú trọng khuyến khích hội viên tăng cường các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất. Cùng với hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ được đặc biệt quan tâm với mục tiêu hàng năm phối hợp đào tạo nghề cho 170-200 lao động, Hội Phụ nữ huyện còn triển khai tuyên truyền sâu rộng việc phát triển nghề phụ, nghề truyền thống, nhất là nghề đan cói xuất khẩu. Đến nay, nghề đan cói xuất khẩu đã và đang phát triển mạnh tại các xã Nam Tiến, Nam Lợi, Nam Hải, Nam Hồng, Nam Hoa, Điền Xá, Nam Thắng, Tân Thịnh, thu hút hàng nghìn lao động nữ cho thu nhập từ 70-150 nghìn đồng/người/ngày. Các cấp Hội Cựu chiến binh huyện phối hợp với các đơn vị chức năng mở nhiều lớp tập huấn về khuyến nông, tập huấn nâng cao kiến thức về phát triển kinh tế; hướng dẫn hội viên đưa cây, con giống có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi; tổ chức cho hội viên đi tham quan các mô hình tiêu biểu và tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến nâng cao hiệu quả vốn vay phát triển kinh tế cho hội viên. Trong 3 năm qua, các cấp Hội Nông dân trong toàn huyện phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công; chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các công ty tổ chức trên 800 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 68.674 lượt người tham dự. Từ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều điển hình, đi đầu trong tích tụ ruộng đất, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ công nghệ mới vào trồng trọt, chăn nuôi với quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao, hàng năm thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. 

Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Nam Trực tiếp tục tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững. Tăng cường công tác vận động thực hiện trách nhiệm xã hội, động viên các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người nghèo./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com