Vượt khó làm giàu từ niềm đam mê cây cảnh

08:09, 10/09/2021

Mỗi sáng sớm, như một thói quen, ông Trần Văn Quyền, xóm Tiền Phong, xã Nam Mỹ (Nam Trực) lại ra ngắm vườn cây cảnh. Ông tâm sự: “Đây là thành quả của tôi sau hơn 20 năm. Nhờ có vườn cây cảnh này mà gia đình tôi có cuộc sống đầy đủ”. 

Cắt tỉa cây cảnh là niềm vui mỗi ngày của ông Trần Văn Quyền, xã Nam Mỹ (Nam Trực).
Cắt tỉa cây cảnh là niềm vui mỗi ngày của ông Trần Văn Quyền, xã Nam Mỹ (Nam Trực).

Năm 1972, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Khi đất nước hòa bình, thống nhất, ông trở về quê hương, mang theo những vết thương do bom đạn với tỷ lệ thương tật 61%. Sức khỏe yếu vì vết thương thường xuyên hành hạ, nhưng điều ông không ngờ nhất, là cơ thể ông đã nhiễm chất độc da cam. Năm 1976, ông Quyền lập gia đình, lần lượt sinh 3 người con thì không may mắn, người con thứ 3 của ông bị di chứng của chất độc da cam. Cuộc sống của ông thời điểm đó rất khó khăn, nhưng với ý chí của Bộ đội Cụ Hồ, ông không cho phép mình gục ngã. Ông tích cực tham gia các phong trào của địa phương, là Bí thư Đoàn, sau đó lần lượt giữ các chức vụ: Xã đội trưởng, Phó bí thư Đảng ủy xã, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Mỹ. Ở vị trí công tác nào ông cũng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, được mọi người quý mến, tin tưởng. Năm 1998 sau khi nghỉ hưu, ông Quyền bắt tay vào “khởi nghiệp” từ nghề trồng cây cảnh. Ông tìm hiểu trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng về cách chăm, tỉa cây nên các sản phẩm cây cảnh qua tay ông đều mang một vẻ đẹp riêng. Đối với mỗi cây cần tạo dáng, thế, ông Quyền đều cố gắng “thổi hồn” vào thế cây, dốc hết tâm huyết, sự tỉ mỉ, kiên trì, hoa tay để cho ra một thế cây đẹp. Ông cho biết: “Quá trình chăm sóc, tạo thế từ cây phôi lên chậu cũng là công đoạn khó khăn, đòi hỏi nhiều tâm sức hơn cả. Sau khi ổn định thế, dáng, mới đưa cây phôi lên chậu. Khi ấy, việc chăm sóc cây trở nên đơn giản”. Cách khoảng 20-25 ngày ông lại cắt tỉa bông tay cho cây một lần. Riêng đối với giống tùng, 1 năm ông chỉ cắt tỉa 2 lần vì dăm lá phát triển chậm nên không phải cắt tỉa quá nhiều. Nhiều khách đến nhà chơi thấy cây đẹp đã ngỏ ý mua. Dần dần tay nghề của ông Quyền được nhiều người biết đến. Ông còn mua cây cảnh ở một số tỉnh miền Nam về sửa, bán và còn được mời đi trồng cây cho các công trình ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như: Ninh Bình, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang... Ông cho biết: “Thời điểm những năm 1998, 1999, trên địa bàn xã nghề trồng và buôn bán cây cảnh vẫn còn khá mới lạ. Xuất phát từ đam mê, tôi đã nhập cây về. Có những chuyến xe chở cây về vào lúc 1, 2 giờ sáng mà nhiều người trên địa bàn xã và một số xã lân cận cũng sang nhà chờ sẵn để mua”. Nhanh nhạy, năng động trong kinh doanh, có những thời điểm nhà vườn của gia đình ông Quyền cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, khu vườn hơn 3 sào của ông Quyền chủ yếu trồng các loại cây tùng la hán, sanh... Theo ông Quyền chơi cây cảnh không phải ai muốn là cũng có thể chơi được, bởi chơi cây cảnh là một nghệ thuật. Người chơi cây ngoài việc có một vốn kiến thức nhất định thì phải yêu cây, tâm huyết với cây và phải cần cù, chịu khó. Không chỉ là một người đam mê cây cảnh nổi tiếng, ông còn luôn tận tình, giúp đỡ nhiều người trên địa bàn xã cùng phát triển nghề trồng cây cảnh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Với những nỗ lực của mình, ông Quyền nhiều năm liền được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong xây dựng tổ chức hội và phát triển phong trào sinh vật cảnh Việt Nam./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com